"Mặt trận mới" trong cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung
Cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ làm gia tăng sự tranh giành trên toàn cầu nhằm vào các loại khoáng sản chủ chốt và có thể dẫn tới xung đột địa chính trị mới trên thế giới.
Theo tờ nhật báo Đông Phương của Malaysia, mặc dù đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt của con người, nhưng đại dịch COVID-19 không làm thay đổi xu hướng và cục diện phát triển toàn cầu.
Ví dụ, để ứng phó với biến đổi khí hậu, các quốc gia trên thế giới đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, cho phép lĩnh vực năng lượng mới tiếp tục tăng trưởng bất chấp "bóng ma" đại dịch.
Minh chứng cho việc này là trong đại dịch, doanh số bán xe ô tô chạy bằng điện và sản lượng điện Mặt Trời vẫn tăng mạnh.
Tuy nhiên, khi năng lượng sạch bùng nổ, nhu cầu tiêu thụ các khoáng sản chủ chốt cần thiết cho năng lượng sạch như lithium, nickel, cobalt, mangan, đất hiếm… cũng tăng mạnh, không chỉ đẩy giá các loại khoáng sản này leo thang, mà còn làm thay đổi sự phát triển địa chính trị.
Trong báo cáo mang tên "Vai trò của các loại khoáng sản chủ chốt trong chuyển đổi năng lượng sạch" gần đây, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAE) chỉ rõ trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu, nếu không thể ứng phó hiệu quả với những rủi ro về cung-cầu của các loại khoáng sản chủ chốt thì không chỉ các mục tiêu trung hoà carbon theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu bị ảnh hưởng, mà thậm chí còn có thể gây ra các xung đột địa chính trị mới.
Trước đó vào năm 2019, Tổ chức Năng lượng tái sinh quốc tế (IRENA) cũng đưa ra báo cáo mang tên "Thế giới mới: Nhân tố địa chính trị trong chuyển đổi năng lượng". Báo cáo cho rằng lĩnh vực năng lượng toàn cầu đang trong giai đoạn chuyển đổi, nguồn gốc năng lượng bắt đầu chuyển đổi dần dần từ việc lệ thuộc vào năng lượng hoá thạch như than đá, dầu mỏ kể từ khi bắt đầu Cách mạng Công nghiệp tới nay sang sử dụng năng lượng sạch, có thể tái sinh như năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời, năng lượng nước…
Điều này không chỉ tạo ra sự thay đổi về nguồn cung năng lượng toàn cầu, mà còn tác động tới quá trình bố trí quyền lực quốc tế, thậm chí là quan hệ ngoại giao giữa nước này với nước khác. Minh chứng là khi tầm quan trọng của nhiên liệu hóa thạch giảm xuống, vai trò chiến lược của các khu vực có tài nguyên dầu khí phong phú như Trung Đông hoặc những tuyến hàng hải vận chuyển tài nguyên dầu khí như Eo biển Malacca cũng dần giảm xuống.
Sự thay đổi này dẫn tới biến đổi về cục diện địa chính trị, do đó, chuyển đổi năng lượng đã trở thành vấn đề an ninh quốc gia và bố trí chiến lược của các nước. Ngoài vấn đề sản lượng, khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung khó có thể khỏa lấp còn do một nhân tố then chốt khác là mức độ tập trung của chuỗi cung ứng các loại khoáng sản cần thiết cho việc phát triển năng lượng sạch quá cao.
Trở lại với báo cáo nêu trên của IEA, người ta có thể thấy được trọng điểm tranh giành giữa các nước trong tương lai. Theo báo cáo, nhằm thực hiện mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là kiểm soát sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C, tổng nhu cầu của các nước trên thế giới đối với các loại khoáng sản chủ chốt cho việc phát triển năng lượng sạch tới năm 2040 sẽ tăng ít nhất 4 lần.
Tuy nhiên, nguồn cung trên toàn cầu lại không thể theo kịp sự gia tăng của nhu cầu. Ngoài vấn đề về năng lực sản xuất, một yếu tố then chốt khác tạo ra khoảng cách này là mức độ tập trung của các chuỗi cung ứng khoáng sản này rất cao, từ đó có thể khiến các loại khoáng sản đó trở thành tâm điểm tranh giành giữa các quốc gia, giống như đối với tài nguyên dầu khí trước đây.
Theo báo cáo của IEA, phân bố địa lý của các loại khoáng sản chủ chốt cho phát triển năng lượng sạch còn tập trung cao hơn cả dầu khí. Thống kê cho thấy ba nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới là Mỹ, Saudi Arabia và Nga chỉ chiếm 43% tổng sản lượng dầu mỏ toàn cầu, ba nước sản xuất khí thiên nhiên lớn nhất toàn cầu là Mỹ, Nga và Iran chỉ chiếm 46% tổng sản lượng toàn cầu, tất cả đều chưa quá 50%.
Tuy nhiên, trên phương diện khoáng sản thiết yếu như lithium, cobalt và đất hiếm, ba nước đứng đầu thế giới lần lượt chiếm tới 80%, 90% và 85%. Trong đó, sản lượng ở một số nước còn chiếm hơn 50% toàn cầu như vào năm 2019, sản lượng cobalt của Congo và đất hiếm của Trung Quốc lần lượt chiếm 70% và 60% thế giới.
Đáng chú ý là xu thế tập trung không chỉ diễn ra ở lĩnh vực khai thác mà còn cả ở lĩnh vực tinh luyện như trên phương diện tinh luyện lithium và đất hiếm, sản lượng của ba nước hàng đầu thế giới chiếm 95% tổng sản lượng toàn cầu.
Trong đó, Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo đối với nhiều khoáng sản thiết yếu. Trung Quốc chiếm gần 90% sản lượng đất hiếm tinh luyện, trên 50% sản lượng lithium và 35% sản lượng nickel toàn cầu. Đồng thời, Trung Quốc cũng đầu tư lớn và bố trí sớm đối với các lĩnh vực liên quan tới các loại khoáng sản chủ chốt ở Australia, Congo, Indonesia…
Những gì diễn ra chắc chắn đã gây ra cảm giác nguy cơ đối với Mỹ và đó cũng là lý do giải thích tại sao những năm gần đây, Washington và đồng minh đã tích cực thiết lập chuỗi cung ứng đất hiếm để đối phó với vị thế thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khoáng sản chủ chốt toàn cầu.
Do đó, cuộc đấu tranh giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ làm gia tăng sự tranh giành toàn cầu nhằm vào các loại khoáng sản chủ chốt. Nói cách khác, đây chính là chiến trường mới trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, thậm chí rất có thể dẫn tới xung đột địa chính trị mới trên thế giới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận