“Mặt trận” mới của ông Trump
Khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát vào năm ngoái, nhiều công ty đã tìm nơi ẩn náu ở một đất nước có mối quan hệ ổn định lâu dài với Mỹ, đó là Mexico. Nhưng giờ đây, Mexico cũng không còn là địa điểm “an toàn”.
BD, công ty công nghệ y tế Mỹ, tháng trước cho biết họ đã chuyển các hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về Mexico như một biện pháp để né thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Troy Kirkpatrick, phát ngôn viên của BD, tuần trước nói với New York Times rằng, công ty vẫn đang trong quá trình thực hiện sự thay đổi này.
Không chỉ BD, một số công ty Mỹ cũng đã dịch chuyển chuỗi sản xuất và cung ứng ra khỏi Trung Quốc đến Mexico, nước đang thay thế Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Sức hấp dẫn của Mexico càng tăng lên khi Mỹ, Mexico và Canada đạt được thỏa thuận vào mùa thu năm ngoái về một hiệp định mới thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, những kế hoạch trên bỗng trở nên hỗn loạn khi tối thứ Năm tuần trước, ông Trump bất ngờ đăng trên Twitter rằng ông sẽ áp thuế 5% đối với hàng nhập khẩu của Mexico vào ngày 10-6. Mức này sẽ tăng lên 25% vào tháng 10 nếu Mexico không giải quyết rốt ráo vấn đề nhập cư với Mỹ.
“Trời ạ, chúng tôi vừa trải qua một làn sóng thay đổi chiến lược và cấu trúc chuỗi cung ứng. Giờ phải làm lại từ đầu”, Joseph Fitzgerald, đại diện một đối tác trong chuỗi cung ứng của Deloitte, thốt lên.
Emily Blanchard, nhà kinh tế tại Đại học Dartmouth có suy nghĩ thực tế hơn. Dưới góc độ người tiêu dùng, điều bà nghĩ tới đầu tiên sau quyết định của Tổng thống Mỹ là... những quả bơ và dâu tây mà gia đình thường ăn. “Họ đang làm cái gì vậy”, bà Emily đặt câu hỏi.
Năm ngoái, Mỹ đã nhập khẩu gần 28 tỉ đô la thực phẩm và đồ uống từ Mexico, trong đó, trái cây và rau quả chiếm hai phần năm. Nếu mức thuế trên có hiệu lực thì những bà nội trợ như chuyên gia kinh tế Emily sẽ cảm nhận ngay lập tức sự gia tăng của giá trái cây và rau quả trong siêu thị.
Chưa kể, nông dân Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ trả đũa thuế từ Mexico. Chỉ mới hai tuần trước, Mexico và Canada đã đồng ý dỡ bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ mà hai nước này áp đặt để đáp trả thuế nhập khẩu thép và nhôm của chính quyền Donald Trump. Bây giờ nông dân Mỹ lại một lần nữa đối mặt với triển vọng của cuộc chiến thương mại trên mặt trận mới.
“Mối quan hệ của Mỹ với Mexico về khía cạnh nào đó, mạnh hơn nhiều so với quan hệ Mỹ - Trung Quốc”, Pete Guarraia, người phụ trách tư vấn chuỗi cung ứng cho Bain nói. “Khó có thể làm gì nhiều để giảm thiểu tác động trong cuộc chiến này bởi sẽ rất tốn kém”, ông cảnh báo khi trả lời phỏng vấn của tờ New York Times.
Trong ngắn hạn, các nhà kinh tế cho rằng tác động trực tiếp của mức thuế 5% có thể khá nhỏ đối với một nền kinh tế mạnh và lạm phát thấp. Song về lâu dài, điều này sẽ buộc các công ty toàn cầu phải xem xét lại chuỗi cung ứng xuyên lục địa, điều đã biến Bắc Mỹ trở thành một trong những khu vực kinh tế kết nối nhất trên thế giới. Sự gián đoạn đó, theo các chuyên gia, mới là thứ gây tổn hại lớn cho nền kinh tế Mỹ so với chi phí thuế quan.
Brian Dunch, chuyên gia thương mại tại PricewaterhouseCoopers, cho rằng nhiều công ty đã dựa vào chuỗi cung ứng xuyên biên giới này suốt nhiều năm qua và giờ đây nếu chuỗi này bị phá vỡ, các công ty sẽ không còn tin tưởng vào những quy tắc thương mại nhất quán từ năm này sang năm khác.”Đó là hiệu ứng tích lũy của sự bất ổn này”, ông Dunch nói.
Để minh họa rõ nhất cho sự hội nhập kinh tế của khu vực Bắc Mỹ, không có ngành nào đặc trưng bằng ngành công nghiệp ô tô. Và nếu như sự hội nhập này bị phá vỡ, sẽ không có ngành nào thiệt hại nhiều bằng ngành ô tô.
Cụ thể, hãng General Motors (Mỹ) có ba nhà máy ở Mexico, sản xuất một số mẫu xe quan trọng nhất của mình, bao gồm xe bán tải Silverado và Sierra có lợi nhuận cao và xe thể thao đa dụng Chevrolet Blazer mới. GM và Fiat Chrysler sản xuất khoảng một phần tư sản lượng tại Bắc Mỹ của họ từ Mexico và Ford là 10%. Một số nhà sản xuất ô tô nước ngoài thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào Mexico. Ví dụ, Volkswagen (Đức) chế tạo toàn bộ các mẫu xe Golf và Jettas cho thị trường Mỹ và gần một nửa số xe mà hãng Nissan (Nhật Bản) sản xuất ở Bắc Mỹ được chế tạo tại Mexico.
Thuế quan có thể làm gián đoạn sản xuất tại một số nhà máy ở phía Bắc biên giới vì các nhà sản xuất vận hành những chuỗi cung ứng phức tạp. Nhiều bộ phận và thành phần linh kiện được sử dụng trong các nhà máy ở Mexico đến từ Mỹ và ngược lại.
“Có thể nói rằng về mặt sản xuất ô tô, Mỹ và Mexico gần như cùng xây dựng chung một sản phẩm”, bà Kristin Dziczek, Phó chủ tịch phụ trách công nghiệp, lao động và kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu ô tô ở Ann Arbor, nói
“Thuế quan sẽ làm tăng đáng kể chi phí sản xuất xe hơi ở Mỹ và tạo gánh nặng lên chuỗi cung ứng đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ”, bà nói. “Ngành công nghiệp ô tô sẽ không có hàng đống tiền mặt để có thể xây dựng năng lực sản xuất mới ở Mỹ”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận