Mất tiền tỷ từ cuộc gọi “ảo” của cán bộ “dởm”
Sử dụng số tổng đài ảo mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát để dọa dẫm nạn nhân. Các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo lừa đảo, nhưng nhiều người vẫn sập bẫy mất hàng tỷ đồng...
Gọi từ số điện thoại ảo…
Ngày 15/7/2019, bà Đặng Thị Xuân Thảo tại Bình Dương nhận được điện thoại của một người đàn ông tự xưng là Công an TP.Hà Nội đang thụ lý điều tra chuyên án đường dây mua bán ma túy, rửa tiền từ nước ngoài về Việt Nam.
Các đối tượng này liên tục gọi điện thoại cáo buộc bà Thảo có liên quan tới đường dây mua bán ma túy, rửa tiền nói trên. Sau đó, các đối tượng yêu cầu bà Thảo phải chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng để phục vụ công tác điều tra, nếu không sẽ thực hiện lệnh bắt giam đối với bà Thảo.Do hoang mang lo sợ, bà Thảo đã chuyển vào số tài khoản của các đối tượng 1 tỷ 263 triệu đồng, sau đó liên hệ lại với các đối tượng không được, bà Thảo mới "tá hỏa" bị lừa.
Cũng tương tự, ngày 11/11/2019, bà H (SN 1950, trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) đang ở nhà một mình thì bỗng nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại khá “đẹp”. Phía đầu dây là giọng một cô gái miền Nam, thông báo bà đang nợ cước viễn thông hơn 1 triệu đồng. khi bà H. cho biết, số tiền cước là do con trai bà trả, bà không biết gì cả. Cô gái liền nói bà gọi vào số điện thoại 069…xxx của cơ quan công an để hỏi thì sẽ rõ.
Khi bà H. gọi theo hướng dẫn thì gặp một người đàn ông, xưng là Cảnh sát TP Hồ Chí Minh. Người đàn ông hỏi thêm bà một số thông tin, đồng thời khẳng định bà H. đang liên quan đến một đường dây ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia. Cơ quan Công an chuẩn bị thực hiện lệnh bắt và khám xét nhà, yêu cầu bà H. phải thực hiện theo những điều họ nói.
Các đối tượng truy vấn bà H. có mấy tài khoản ngân hàng, có bao nhiêu tiền ở trong đó. Chúng cũng dọa bà H. muốn được khoan hồng thì phải lập một tài khoản mới mang tên bà, song phải ghi lại ID và mật khẩu rồi gửi cho chúng. Riêng số điện thoại dùng để nhận mật khẩu OTP thì là số của bọn chúng.
Các đối tượng cũng yêu cầu bà H. phải rút tất cả số tiền tiết kiệm gửi cho chúng trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, bọn chúng còn yêu cầu bà H. phải bí mật việc này, bởi nếu lộ ra sẽ làm hỏng cả chuyên án.
Viễn cảnh 70 tuổi đầu mà sắp phải ngồi tù khiến cho bà H. thực sự hoang mang, do vậy, cứ răm rắp làm theo. Chỉ vài giờ sau khi chuyển tiền vào tài khoản mới lập, bà H. mới giật mình và quay lại ngân hàng kiểm tra tài khoản, nhưng tất cả số tiền gần 1 tỷ đồng đã “không cánh mà bay”.
Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo người dân bằng nhiều cách nhưng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp và gây thiệt hại cho nhiều người.
Mới đây nhất, ngày 18/1/2020, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam vừa phát hiện và triệt phá ổ nhóm giả lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân.
Theo đó, thủ đoạn của chúng là thiết lập tổng đài ảo, giả lập số điện thoại tiếp nhận thông tin tố cáo tội phạm của Bộ Công an. Sau đó phân vai giả danh công an, viện kiểm sát, gọi điện đe dọa các bị hại "liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng" như rửa tiền, buôn bán ma túy...
Mục đích của chúng là để yêu cầu bị hại lập tài khoản mới, đăng ký Internet Banking, chuyển tiền vào tài khoản mới và cài ứng dụng giả mạo của Bộ Công an do chúng giả lập. Ngay sau khi cài xong, tiền sẽ bị chuyển sang tài khoản khác mà chính các bị hại không hề hay biết toàn bộ tiền trong tài khoản của mình đã bị chiếm đoạt.
Theo tài liệu ban đầu, chỉ tính từ tháng 9/2019 đến thời điểm này, đã có gần 90 bị hại bị các đối tượng trong ổ nhóm này lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng.
Căn cứ số lượng thẻ ngân hàng bước đầu thu được của các đối tượng, ước tính số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt của các bị hại trên khắp cả nước lên đến hơn 500 tỉ đồng.
… cần cảnh giác
Theo đại diện Tập đoàn Công nghệ Bkav, hiện dịch vụ tổng đài ảo đang nở rộ, việc đăng ký mua dễ dàng các số tổng đài ảo này tạo điều kiện cho tội phạm thực hiện các hành vi lừa đảo như trên khiến cơ quan chức năng rất khó điều tra, phát giác. Vì tổng đài ảo cho phép cùng lúc có thể nhận nhiều cuộc gọi khác nhau cũng như có chức năng chuyển cuộc gọi sang một số tổng đài dịch vụ tính tiền nên khi người nghe làm theo yêu cầu kết nối vào số tổng đài, sẽ bị trừ tiền, thời gian trao đổi càng dài thì số tiền bị trừ càng lớn.
Bên cạnh đó, những kẻ lừa đảo đã có sự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thông tin xoay quanh đối tượng đưa vào tầm ngắm. Những nạn nhân chưa từng gặp sự việc này rất nhiều, nên đôi khi mất cảnh giác và làm theo hướng dẫn.
Hơn nữa, các thông tin cảnh báo từ trước của báo chí hay các cơ quan chức năng cũng chủ yếu chỉ được cập nhật ở các thành phố lớn, trong khi nhiều khách hàng lớn tuổi, người dân ở các tỉnh còn thiếu cập nhật thông tin nên vẫn dễ dàng sập bẫy.
Cơ quan Công an khuyến cáo người dân khi có người tự xưng là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… gọi điện đến hỏi việc thì người dân cần hết sức cảnh giác. Cơ quan Công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại. Cần dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại và yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ (ghi rõ họ tên, chức vụ cán bộ làm việc, ngày giờ, địa chỉ cơ quan làm việc). |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận