Mất tiền oan vì tin lời tư vấn 'có cánh' từ 'cò đất'
Thiếu kinh nghiệm, nhiều nhà đầu tư đã tin tưởng vào những lời tư vấn "có cánh" của môi giới, để rồi rơi vào những tình huống mất tiền oan.
Mua đất giá đắt mà không biết
Chị Nguyễn Thị Sinh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, thấy bạn bè đầu tư đất, "phất" lên nhanh chóng nên cũng sốt ruột. Bởi bao năm làm công ăn lương, thu nhập đều đặn, không đến mức thiếu thốn nhưng cũng không có "của ăn của để".
Đầu năm, nghe tin sốt đất và được sự động viên khích lệ của bạn bè, chị đã mượn gia đình "sổ đỏ" mang đi thế chấp lấy 2 tỷ đồng, chính thức dấn thân vào đầu tư bất động sản.
Qua tìm hiểu, chị quyết định lựa chọn Bắc Giang làm điểm đến đầu tiên. Tại dự án ở Bắc Giang, chị gặp Phạm Ngọc Khắc, một nhân viên môi giới địa phương, luôn "cắm chốt" tại cổng dự án.
Câu chuyện qua lại, Khắc cho biết, đất dạo này sốt lắm. Giá trước Tết chỉ khoảng 24 triệu đồng/m2, sau Tết đã lên 28 triệu đồng/m2, dự còn tăng nữa. Lô đất này 100m2, gặp khách lướt nhanh có ngay 400 triệu. Trong khi đo chị chỉ phải bỏ ra 100 triệu đồng tiền cọc, Khắc tư vấn.
Những thông tin chị được tư vấn giống hệt những câu chuyện bạn chị kể trong những buổi cà phê. Dù vậy chị vẫn quyết định trở về Hà Nội để suy nghĩ thêm.
Hai ngày sau Khắc gọi điện báo tin vui, chủ lô đất đang gặp khó khăn về tài chính, cần bán gấp rút vốn, giá 27 triệu đồng/m2; Nếu chị lấy thì sẽ giảm được giá xuống nữa. Đúng như Khắc nói, ít phút sau điện lại báo chốt giá 26,5 triệu đồng.
"Giá quá đẹp, em không còn tiền chứ em còn tiền em ôm ngay lô này. Chị cứ xuống cọc đi em lo khách cho chị. Em lấy lô này không công giúp chị, khi nào bán nhớ đến em là được", Khắc nói.
Trước sự nhiệt tình và sự tin tưởng vào nhân viên môi giới, chị Sinh đã quyết định quay lại đặt cọc 50 triệu đồng.
"Cò đất" mất hút
Hí hửng vì kiếm được đứa em nhiệt tình, thật thà và lô đất giá rẻ. Thế nhưng kể từ ngày đó trở đi, không có khách nào liên hệ cũng không nhận được cuộc gọi nào từ Khắc. Chỉ nhận được thông tin giục đóng nốt tiền từ chủ đất.
Trao đổi lại với môi giới, chị chỉ nhận được câu trả lời lạnh lùng: "Tình hình dịch bệnh như hiện tại, thị trường xuống, em cũng không lường trước được". Thậm chí Khắc còn "chèo kéo" xuống nốt tiền với lý do, hết dịch đất chắc chắn tăng trở lại.
"Tôi không dám xuống tiền nữa, chấp nhận mất cọc. Mang số tiền còn lại trả ngân hàng, rút lại sổ đỏ trả cho gia đình. Chấp nhận lỗ 100 triệu coi như một bài học. Chắc mình không có duyên lắm với đất cát", chị Sinh tự an ủi.
Người mua cần tìm các đơn vị môi giới tư vấn uy tín để đặt niềm tin đầu tư, tránh bị các đối tượng "cò đất" ăn xổi dẫn dắt, dễ mất tiền oan. (ảnh M.K)
Cùng cảnh, chị Nguyễn Thị Xuyến (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bỏ cọc vì xuống tiền 100 triệu nhưng không thoát được hàng.
Chị Xuyến kể, thấy bạn bè đổ xô đầu tư đất Ba Vì nên chị cũng theo đi ngắm đất. Tại đây chị gặp Toàn, một "cò" đất địa phương. Nhiều lần nói chuyện qua zalo, mới đây toàn liên hệ vào cho biết có lô đất hơn 600m2, bán giá "hời". Trước đó có người trả 5 triệu đồng/m2 nhưng không bán. Giờ chủ đất vỡ nợ, cần tiền nên bán gấp. Nếu Toàn đứng ra chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/m2. Gặp khách ăn ngay cũng có hơn tỷ bạc nếu bán bằng giá trước khách trả.
Như Toàn nói, chỉ trong vòng nửa tháng là sẽ thoát hàng. Tin tưởng vào tư vấn, chị cũng xuống cọc 100 triệu và thời gian cọc 1 tháng. Nhưng kể từ ngày đó, Toàn không gọi điện hay nhắn tin cho chị nữa. Cũng không có một cuộc gọi nào hỏi mua đất.
"Sốt ruột, gọi điện cho bạn bè than thở chị mới '"ngã ngửa", giá mua vào bị đắt gần 1 triệu/m2. Chỗ chị mua thanh khoản thấp, giá rẻ, chưa nói đến 2/3 là đất nông nghiệp lấn chiếm. Nghe bạn tư vấn, chị chấp nhận bỏ 100 triệu coi như học phí cho bài học đầu đời", chị Xuyến ngậm ngùi.
Hai chị trên chỉ là hai trong số nhiều nhà đầu tư mới bước chân vào nghề, thiếu kinh nghiệm, đặt cơ hội của mình vào những nhân viên môi giới không chuyên, để rồi tự rơi vào những tình huống "dở khóc dở cười".
Theo nhiều chuyên gia bất động sản khuyến cáo, lướt cọc là hình thức đầu tư rất mạo hiểm, không phù hợp với nhà đầu tư mới vào nghề, đặc biệt là không có vốn. Chắc chắn nếu thiếu kinh nghiệm và vốn, khả năng cao là họ mất cọc.
Thực tế, nhà đầu tư thành công trong lướt sóng cọc rất ít và đa phần họ đều có vốn mạnh để đảm bảo chắc chắn nếu không chuyển nhượng thành công, họ sẵn sàng vào tiền. Đặc biệt, với những người vốn ngắn, phải vay ngân hàng hoặc những người có nhu cầu mua đất ở thật cần xem xét kỹ lưỡng, không nên hám lợi nhanh hoặc chạy theo tâm lý đám đông rất dễ dính bẫy giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận