24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sơn Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mất nhà, đất vì sổ đỏ giả

Nhiều thủ đoạn làm sổ đỏ giả gây thiệt hại tiền tỉ đang khiến người dân lo ngại, đặc biệt có tình trạng sổ đỏ giả vẫn "lọt" qua cửa công chứng.

Giả mua nhà để đánh tráo sổ đỏ; làm sổ đỏ giả để vay mượn, cầm cố... nhiều thủ đoạn làm sổ đỏ giả gây thiệt hại tiền tỉ đang khiến người dân lo ngại, đặc biệt có tình trạng sổ đỏ giả vẫn "lọt" qua cửa công chứng.

Giả mua nhà, đánh tráo sổ đỏ

Bà Kim Phụng, nhà tại Q.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết thông qua một người tên Linh, bà đã gặp và mua của ông Nguyễn Văn Công (sinh năm 1987, ngụ đường Nguyễn Công Trứ, P.2, TP.Bảo Lộc) một lô đất rộng 5.700 m2 tại TP.Bảo Lộc giá 30 tỉ đồng với điều kiện phải chuyển 5.000 m2 sang đất ở có thể xây dựng. Ngày 11.3.2019, bà Kim Phụng đã chuyển cho Công số tiền 1 tỉ đồng đặt cọc. Ngày 19.4.2019, các bên đã đến Phòng công chứng Đỗ Hữu Sâm (đường Hà Giang, P.1, TP.Bảo Lộc) làm hợp đồng chuyển nhượng khu đất trên. Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, bà Kim Phụng đã chuyển vào tài khoản cá nhân của Công tại Ngân hàng ACB chi nhánh TP.Bảo Lộc 25 tỉ đồng (tổng cộng đã thanh toán 26 tỉ đồng). Số tiền còn lại 4 tỉ đồng, 2 bên cam kết sau khi Công xây dựng xong bờ kè và san mặt bằng khu đất sẽ thanh toán hết. Ngày 26.4, khi ông Linh cùng bà Kim Phụng đến UBND TP.Đà Lạt nộp hồ sơ chuyển tên sang cho bà Kim Phụng thì phát hiện sổ đỏ khu đất trên là giả. Ngay sau đó bà Phụng đã báo công an về hành vi lừa đảo của Công.

Mới đây Đội cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, Công an TP.Đà Lạt, đã ra quyết định bắt tạm giữ Nguyễn Văn Công để điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Công khai nhận có liên hệ ông Đ.H.A để mua lô đất trên. Có sổ đỏ phô tô trong tay, Công đã thuê một người làm giả sổ đỏ mang tên mình, rồi liên hệ với bà Kim Phụng bán khu đất trên. Khi bà Kim Phụng yêu cầu Công chuyển 5.000 m2 lên đất ở, Công lại liên hệ một lần nữa làm giả sổ đỏ trên với thông tin khu đất đã chuyển 5.000 m2 lên đất ở có thể xây dựng.

Mất nhà, đất vì sổ đỏ giả - ảnh 1

Với công nghệ hiện nay việc làm giả một cuốn sổ đỏ là quá dễ dàng

Ảnh: Gia Khiêm

Nếu như bà Kim Phụng là người bị lừa mua đất thì ông Sáu nhà ở Q.7, TP.HCM lại bị lừa đánh tráo sổ đỏ. Cụ thể, khi biết thông tin nhà ông Sáu bán nhà, một người đến xin xem sổ đỏ, chứng minh nhân dân và hộ khẩu bản phô tô để kiểm tra quy hoạch với mục đích mua căn nhà. Sau khi xem xong, người này đem bộ hồ sơ phô tô về. Mấy ngày sau người này đến đặt vấn đề mua bán và xin xem sổ đỏ bản chính lại một lần nữa. Tại đây, sổ đỏ nhà ông Sáu đã bị tráo đổi bằng một cuốn sổ đỏ giả mà ông không hề hay biết. “Mấy ngày hôm sau tôi đi tập thể dục, gặp mấy người bạn họ nói gần đây hay có tình trạng giả sổ đỏ, đánh tráo sổ đỏ. Linh tính không hay, tôi về lấy bản phô tô sổ đỏ cũ và sổ đỏ mới ra đối chiếu thì phát hiện ra một sự khác biệt nhỏ là trên cuốn sổ đỏ mới thiếu ngày cấp sổ còn mọi thứ giống nhau như đúc, không thể nhận ra đâu là thật đâu là giả”, ông nói. Điều đáng nói, sổ đỏ nhà ông đã bị các đối tượng lừa đảo lên phòng công chứng ở Q.Tân Phú sang tên cho một người khác. “Tôi đang thưa ra tòa để nhờ ngăn chặn giao dịch, chuyển tên sổ đỏ nhà của tôi và tố cáo công chứng viên tiếp tay cho lừa đảo”, ông Sáu cho hay.

Cùng chung số phận với ông Sáu, bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm (ở đường Huỳnh Tấn Phát, P.Tân Thuận Đông, Q.7) cho biết vào tháng 12.2018 bà rao bán căn nhà thì có một nhóm người đến xem nhà. Những người này yêu cầu bà Diễm cho xem sổ đỏ căn nhà. Sau khi chụp hình sổ đỏ, các loại giấy tờ cá nhân của bà, những người này hẹn ngày quay lại đặt cọc. Mấy ngày sau, nhóm người này đến thương lượng mua nhà, nhưng không thành và sau đó “một đi không trở lại”. Bẵng đi gần nửa năm, ngày 25.4.2019 bà Diễm cầm sổ đỏ đi công chứng bán căn nhà trên thì phát hiện sổ đỏ nhà bà đã bị thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chi nhánh Gò Vấp. Sau khi tìm hiểu bà mới phát hiện nhóm đối tượng này đã lấy thông tin làm giả sổ đỏ nhà bà, sau đó đánh tráo sổ đỏ. Những đối tượng này đến Phòng công chứng Hoàng Long (Q.11) để làm công chứng ủy quyền và sau đó qua phòng công chứng Nguyễn Nguyệt Huệ (Q.6) làm thủ tục mua bán với nhau. “Sau khi phát hiện căn nhà bị đánh tráo sổ đỏ và bị cầm cố ngân hàng, tôi đã tố cáo lên công an nhưng đến nay gần 2 tháng vẫn chưa có kết quả”, bà Diễm cho hay.

Khi rao bán căn nhà ở số 431 Lạc Long Quân, P.5, Q.11, ông Nguyễn Phước Bảo Khoa (Q.2) đã bị 2 người phụ nữ giả danh người đi mua nhà (đã đặt cọc 40 triệu đồng) tráo đổi sổ đỏ với thủ đoạn tương tự. Sau khi nghi ngờ sổ đỏ nhà mình bị đánh tráo (do đến ngày hẹn ra phòng công chứng hai đối tượng trên không ra - NV), ông Khoa mang sổ đỏ ra Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Q.11 hỏi thì té ngửa vì sổ đỏ là giả. Theo Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP.HCM, toàn bộ dấu đỏ cùng chữ ký cán bộ trên sổ đỏ đều làm giả bằng phương pháp in phun màu. Nhận định đây là đường dây làm giả giấy tờ tinh vi, cơ quan chức năng quyết định khởi tố vụ án để điều tra.

Mất nhà, đất vì sổ đỏ giả

Dịch vụ làm sổ đỏ giả tràn lan trên mạng

Ảnh: Đình Sơn

15 triệu là có sổ đỏ giả

Lần theo một số thông tin người dân cung cấp, cộng với các thông tin rao làm sổ đỏ trên mạng, chúng tôi đã tiếp cận với một đường dây làm sổ đỏ giả có phạm vi hoạt động trên toàn quốc. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu gặp trực tiếp thì người này kiên quyết không đồng ý "do dịch vụ nhạy cảm" mà chỉ trao đổi qua điện thoại. Tuy nhiên, người này khẳng định có thể làm giả được tất cả các loại sổ đỏ và làm trên toàn quốc, chỉ cần 2 đến 3 ngày là chuyển sổ đỏ giả đến tận nhà. “Chỉ cần chụp sổ đỏ phô tô hoặc bản gốc gửi qua điện thoại là có thể làm sổ đỏ giả giống 100% sổ đỏ thật. Sổ đỏ giả làm 15 triệu đồng. Nếu đồng ý làm phải đặt cọc trước 2 triệu đồng. Khi làm xong em sẽ chụp gửi lại cho anh. Nếu đồng ý đóng nốt phần còn lại và sau đó sổ đỏ giả sẽ được chuyển phát nhanh đến tận địa chỉ nhà. Nếu sổ đỏ gốc có thật, chưa cầm ngân hàng có thể công chứng. Còn nếu sổ đỏ đã cầm ngân hàng thì nhiều nơi công chứng sẽ tra ra được. Tuy nhiên, nếu cầm cố để vay cá nhân, cầm đồ thì không vấn đề gì”, người này cam kết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây khi làm giả sổ đỏ, các đối tượng thường dùng thủ đoạn tẩy nội dung trên sổ đỏ thật để điền nội dung mới hoặc móc nối với cán bộ địa chính để mua bản phôi sổ đỏ thật, sau đó in nội dung mới lên. Tuy nhiên hiện nay việc làm giả sổ đỏ được các đối tượng thực hiện đơn giản hơn rất nhiều. Chỉ cần lấy sổ đỏ thật scan để lấy bản mẫu, sau đó đưa lên máy tính xử lý chèn nội dung, sao chép hình dấu và chữ ký của nơi cấp sổ đỏ. Máy in phun màu sẽ giúp các đối tượng hoàn tất khâu cuối cùng là in sổ đỏ giả trên chất liệu giấy bìa cứng. Như vậy, chỉ cần một vài thủ thuật đơn giản, các đối tượng có thể “hô biến” để trở thành chủ nhà đất ở bất cứ nơi nào để thực hiện các hành vi lừa đảo. Hệ quả của việc này càng nghiêm trọng hơn do hiện nay ngoài các giao dịch sử dụng sổ đỏ được cơ quan có thẩm quyền công nhận, rất nhiều giao dịch dân sự khác có thể dùng sổ đỏ làm tài sản tín chấp, thế chấp vay mượn hàng tỉ đồng.

Một lãnh đạo chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.7, TP.HCM cho biết các thủ đoạn mà đối tượng lừa đảo thường dùng là đóng giả “cò đất”, đóng giả người mua nhà tìm đến hỏi mua nhà, đất. Khi đó các đối tượng này sẽ xin chủ nhà cho xem sổ đỏ, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu. Sau khi lấy được các thông tin trên, các đối tượng lừa đảo sẽ về làm giả sổ đỏ. Nhân lúc chủ nhà không để ý, các đối tượng này sẽ đánh tráo sổ đỏ. Cũng không loại trừ một số trường hợp lấy thông tin sổ đỏ trên các trang rao bán nhà đất để làm sổ đỏ giả. Một trong các “chiêu thức” mà những kẻ lừa đảo hay dùng là cấu kết với nhân viên công chứng để công chứng ủy quyền, mua bán sổ đỏ cho người khác (thường là những người trong nhóm - NV).

Dùng 10 “sổ đỏ” giả vay ngân hàng, đoạt 22 tỉ đồng

Ngày 2.7, Văn phòng cơ quan CSĐT (PC01) Công an tỉnh Lâm Đồng thực hiện lệnh bắt tạm giam bị can Hoàng Thị Điệp (42 tuổi, ngụ H.Lâm Hà, Lâm Đồng) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Điệp là kẻ cầm đầu cùng 11 đồng phạm, có hành vi dùng giấy tờ, hồ sơ giả, thế chấp vay và chiếm đoạt 22 tỉ đồng của Ngân hàng L.V chi nhánh H.Lâm Hà.

Trước đó, Điệp đã bị PC01 ra quyết định khởi tố bị can, nhưng thời điểm đó Điệp có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nên được cho tại ngoại. Nay cơ quan điều tra thay đổi biện pháp ngăn chặn. Hiện PC01 đang tiếp tục điều tra làm rõ, xem xét trách nhiệm của cá nhân, đơn vị “tiếp tay” cho Điệp thực hiện trót lọt phi vụ này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả