‘Mất’ hợp đồng xuất khẩu gạo, vì sao Việt Nam không thể hạ giá để cạnh tranh?
“Trắng tay” với các hợp đồng xuất khẩu gạo gần đây vì giá bán cao. Thế nhưng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn không thể hạ giá để cạnh tranh với các đối thủ ở thời điểm hiện nay. Vì sao?
Từ đầu tháng 10-2023 đến nay, giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn duy trì ở mức cao hơn các đối thủ cạnh tranh đến từ Thái Lan và Pakistan khoảng 30 đô la Mỹ/tấn đối với phân khúc gạo 5% tấm (Ấn Độ đang tạm dừng xuất khẩu – PV). Khoảng cách này sau đó tiếp tục được “nới rộng” lên mức khoảng 80 đô la Mỹ/tấn trong những ngày cuối tháng 10-2023.
Nếu nhìn vào giá xuất khẩu, rõ ràng là một việc đáng mừng khi gạo 5% tấm của Việt Nam có giá bán cao nhất thế giới. Tuy nhiên, do giá bán cao nên doanh nghiệp Việt Nam đành chịu cảnh “trắng tay” trong các hợp đồng xuất khẩu gạo gần đây.
Khi được hỏi giá gạo cao hơn đối thủ cạnh tranh sẽ tác động ra sao đến ngành gạo Việt Nam năm 2024, tại hội nghị chuyên ngành lúa gạo được tổ chức ở thành phố Cần Thơ mới đây, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty lương thực Phương Đông (ORICO) cho biết, không cần đợi đến năm 2024, trước mắt đã bị ảnh hưởng. “Các hợp đồng hiện tại của chúng tôi, khách hàng đang chuyển qua mua gạo Thái vì giá chúng ta cao hơn”, ông cho biết.
Theo ông Việt Anh, khách hàng lớn nhất của Việt Nam là Philippines hiện cũng quay sang mua gạo Thái. “Philippines nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 80% tổng lượng nhập khẩu gạo của họ, nhưng bây giờ họ chuyển qua Thái rồi”, ông nói.
Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc Công ty TNHH lương thực thực phẩm xuất nhập khẩu Miền Nam cho biết, các hợp đồng xuất khẩu sang Indonesia gần đây, doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh lại Thái Lan và Pakistan.
Cụ thể, ngoài 100.000 tấn đã giành được từ hợp đồng nhập khẩu 500.000 tấn của Indonesia hồi đầu tháng 10-2023, thì hợp đồng 550.000 tấn mới đây, Việt Nam đã “trắng tay” vì không dám ký.
Theo ông Kiệt, đơn hàng 100.000 tấn do hai doanh nghiệp trong nước trúng thầu với giá giao tại cảng Indonesia khoảng 625 đô la Mỹ/tấn, tức tương đương mức 600 đô la Mỹ/tấn khi quy ra giá FOB giao tại cảng TPHCM. “Nhưng giá thị trường hiện là 650 đô la Mỹ/tấn, tức doanh nghiệp bị lỗ khá nhiều”, ông đánh giá.
Đến thời điểm hiện nay, gạo 5% tấm của Việt Nam có mức độ chênh lệch so với đối thủ cạnh tranh là trên 90 đô la Mỹ/tấn.
Câu hỏi được đặt ra, đó là tại sao doanh nghiệp Việt Nam không hạ giá chào xuất khẩu để tăng sức cạnh tranh mà chấp nhận “trắng tay”?
Theo tìm hiểu của KTSG Online, lý do chính hiện nay là nguồn cung có khả năng phục vụ xuất khẩu còn rất hạn chế, trong khi giá nội địa ở mức rất cao, cho nên, giá xuất khẩu khổng thể “kéo giảm” được.
Ông Việt Anh cho biết, gạo nội địa 5% tấm hiện quy ra giá gạo xuất khẩu đã lên đến 650 đô la Mỹ/tấn. “Xuất khẩu với giá 650 đô la Mỹ/tấn còn chưa có lợi nhuận, thì sao dám hạ giá để bán”, ông giải thích.
Trong khi đó, với chủng loại gạo thơm, để doanh nghiệp có hiệu quả, giá xuất khẩu phải ở mức 710-720 đô la Mỹ/tấn, tuy nhiên, giá này lại không bán được, theo ông Việt Anh.
Ông Kiệt của Công ty miền Nam cho rằng, giá lúa ngoài đồng được thương lái mua so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thì giá nội địa “đang đi trước” giá xuất khẩu.
Trong khi đó, xét về nguồn cung, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dẫn báo cáo của Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ Thu đông 2023, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 344.000 héc ta trên tổng số 685.000 héc ta diện tích gieo sạ.
Rõ ràng, với việc giá nội địa quy ra giá xuất khẩu quá cao như nêu ở trên, trong khi nguồn cung còn lại cũng không quá dồi dào ở thời điểm hiện nay, cho nên, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam không thể “kéo giảm” giá bán để gia tăng sức cạnh tranh với các đối thủ đến từ Thái Lan và Pakistan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận