Mặt dựng xanh trong kiến trúc hiện đại
Đây là chủ đề Hội thảo quốc tế do Tạp chí Kiến trúc (Hội KTS Việt Nam) phối hợp cùng Tập đoàn AGC tổ chức tại Hà Nội, ngày 26/10.
GS.TS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc cho biết: “Theo số liệu thống kê, ngành Xây dựng Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến đô thị hóa và hiện đại hóa, đặc biệt là sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên, cạn kiệt năng lượng nhiên liệu hóa thạch, tăng phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường”.
Đối mặt với những nguy cơ về môi trường, giải pháp xanh và thông minh được xem là sáng kiến quan trọng để giải quyết các thách thức của đô thị. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vật liệu xanh trong việc thúc đẩy phát triển công trình xanh ở Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc phối hợp cùng Tập đoàn AGC tổ chức Hội thảo quốc tế “Mặt dựng xanh trong kiến trúc hiện đại”.
Hội thảo có sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu về thiết kế và vật liệu đến từ Singapore và Việt Nam. “Thông qua các chủ đề thiết kế và giải pháp mặt dựng xanh; cải thiện độ bền và chi phí vòng đời của công trình xanh; xu hướng vật liệu kính trong tương lai… các chuyên gia cùng chia sẻ, phân tích về những ứng dụng vật liệu mặt dựng xanh trong bối cảnh và công trình cụ thể ở Việt Nam và trên thế giới…”, GS.TS Thông cho biết.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Allan Teo - Trưởng đại diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Hội đồng Công trình xanh thế giới (WGBC) cho biết: “Lượng phát thải của ngành Xây dựng chiếm 39% tổng lượng phát thải toàn cầu. Chiến lược của WGBC là thúc đẩy các thiết kế xanh, hướng tới sự phát triển bền vững dựa trên sự liên kết giữa kiến trúc, môi trường và con người, nhằm tạo ra những nét đổi mới trong kiến trúc, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
WGBC luôn sẵn sàng hỗ trợ các nước trong phát triển công trình xanh. Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh còn rất nhiều rào cản như thiết kế công trình xanh thiếu động lực, không có tầm nhìn; Việc đánh giá công trình xanh cũng còn nhiều khó khăn, cả về kinh nghiệm, giải pháp và công nghệ”.
Ông Allan Teo nhận định: “Công nghệ và vật liệu nói chung, vật liệu phủ bề mặt công trình (mặt dựng) có vai trò quan trọng trong giải pháp thiết kế các công trình xanh. Chúng ta đã có đủ công nghệ và vật liệu để áp dụng trong thiết kế xanh. Nhưng không dừng lại ở đó, chúng ta vẫn cần liên tục đổi mới. Công nghệ là công cụ để thiết kế, chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn trong việc tạo ra các công trình xanh mới mang lại tác động tích cực lâu dài”.
Nhận định về sự phát triển công trình xanh tại Việt Nam, ông Allan Teo cho rằng Việt Nam đang trên bước đường phát triển mạnh mẽ. Một số KTS Việt Nam có tư duy đặc biệt và rất tiến bộ. Họ đã bắt đầu cuộc hành trình xanh và thiết kế những công trình xanh tuyệt vời. Những điều đó chính là tiền đề, động lực để phát triển bền vững.
Song không chỉ các KTS tư vấn, mà Chính phủ, các chủ đầu tư và các bên liên quan cần phải hành động ngay và cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Cùng nhau thiết kế xanh, xây dựng xanh và vận hành xanh để hướng tới một tương lai tươi đẹp, phát triển bền vững.
Hội thảo thu hút sự quan tâm đông đảo của giới chuyên môn.
Phân tích tại thị trường Việt Nam, KTS Trần Công Đức - Giám đốc Gmp Việt Nam cho biết: “Năng lượng sử dụng trong hoạt động xây dựng chiếm đến 30-40%. Ở vùng khí hậu nhiệt đới, năng lượng sử dụng cho thiết bị làm lạnh chiếm 45-65%, năng lượng sử dụng điện thắp sáng chiếm 15%. Nhưng nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế vỏ bao che thích ứng khí hậu, sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng (TKNL), lắp đặt vận hành các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao thì có thể TKNL khoảng 30 – 40%. Đối với các công trình đang vận hành, nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai các giải pháp TKNL thì có thể TKNL 15-25%”.
Chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp mặt dựng xanh với vật liệu kính trong các công trình Gmp thiết kế tại Việt Nam, KTS Trần Công Đức cho biết: “Gmp áp dụng nhiều giải pháp, như sử dụng vật liệu kính TKNL có các chỉ số kỹ thuật tốt nhất tại thời điểm xây dựng. Cụ thể, vật liệu kính có hệ số hấp thụ năng lượng mặt trời (SHGC/SF/SC) thấp nhằm bảo vệ công trình khỏi nhiệt mặt trời trực tiếp; hệ số truyền sáng (LT) cao để tận dụng ánh sáng tự nhiên và chủ động lựa chọn kính có hệ số phản xạ ánh sáng (LR) cả bên trong và bên ngoài phù hợp nhằm tạo điểm nhấn kiến trúc cho công trình.
Đồng thời, Gmp áp dụng các giải pháp chắn năng đa dạng, tránh cho công trình bị ánh nắng trực tiếp rọi vào công trình mà vẫn đảm bảo xuyên sáng tự nhiên (như công trình tháp đôi văn phòng TP Hồ Chí Minh), hoặc áp dụng giải pháp hệ thống mặt đứng 2 lớp (như công trình Ngôi nhà Đức ở TP Hồ Chí Minh)”.
Công trình xanh Ngôi nhà Đức có mặt dựng kính 2 lớp hiện đại, rất dễ nhận biết từ xa.
Với mặt đứng kính 2 lớp (lớp kính ngoài ngăn không cho khí nóng từ bên ngoài tác động trực tiếp vào lớp kính thứ 2. Lớp kính bên trong là vỏ bọc để khí lạnh làm mát bên trong công trình không thoát ra ngoài…) và các giải pháp thiết kế, ứng dụng vật liệu TKNL và công nghệ tiên tiến khác đã Ngôi nhà Đức trở thành tòa nhà cao ốc đầu tiên ở Việt Nam sở hữu những chứng chỉ công trình xanh khắt khe hàng đầu thế giới là chứng chỉ hạng Bạch kim (hạng cao nhất) hệ thống đánh giá LEED của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ và hạng Vàng chứng chỉ DGNB của Hội đồng công trình bền vững Đức.
KTS Trần Công Đức nhận định: “Trong quá khứ, mặt đứng kính từng bị coi là tội đồ gây hiệu ứng nhà kính, góp phần làm biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ngày nay, công nghệ kính TKNL đã phát triển rất mạnh, rất nhanh. Với những tính năng ưu việt, kính TKNL sẽ vẫn tiếp tục là sự lựa chọn cho giải pháp mặt dựng công trình xanh trong hiện tại và tương lai. Kính tấm lớn sẽ là xu hướng lựa chọn của các công trình công cộng trên toàn thế giới.
Bên cạnh vật liệu kính, các vật liệu mặt dựng công trình xanh khác như sơn phủ ngoài trời hiệu năng cao; vỏ bao che đặc biệt fluon Etpe flim…, cũng được các chuyên gia đến từ Tập đoàn VLXD AGC giới thiệu và chứng minh hiệu quả ở các công trình thực tế”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận