Mất cân bằng cung cầu giúp giá dầu hồi phục
Chỉ số MXV-Index tăng nhẹ lên mức 2.914 điểm trong ngày mà Sở Chicago nghỉ lễ Kỷ niệm Chấm dứt chế độ nô lệ. Điều này đã khiến giá trị giao dịch toàn Sở giảm một nửa, xuống còn 2.000 tỷ đồng do ngũ cốc và hạt lấy dầu đều là các sản phẩm quan trọng được các nhà đầu tư trong nước ưu tiên lựa chọn giao dịch.
Tuy nhiên, ngày hôm qua thị trường vẫn diễn biến sôi động. Đáng chú ý phải kể đến mức sụt giảm rất mạnh của giá quặng sắt và sự phục hồi của giá dầu sau phiên trượt giá trước đó.
Dầu thô tăng trở lại do nguồn cung bị thắt chặt
Dầu thô tăng trở lại trong phiên giao dịch khi nỗi lo nguồn cung quay trở lại với thị trường. Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu thô WTI tháng 8 tăng 0,91% lên 108,97 USD/thùng, hợp đồng dầu thô Brent cùng kỳ hạn cũng đóng cửa cao hơn 0,89% lên 114,13 USD thùng.
Sức ép lớn nhất đối giá dầu thô vẫn là những lo ngại về suy thoái kinh tế trên toàn cầu, tuy nhiên trong ngắn hạn, sự mất cân bằng cung cầu của thị trường vẫn là việc mà các nhà đầu tư đang để tâm hơn. Các lệnh cấm vận đối với Nga đang khiến cho sản lượng của nước này sụt giảm 2 triệu thùng trong bối cảnh chưa có một nguồn cung nào ổn định để bù đắp mức thiếu hụt này. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm tinh chế trong giai đoạn cao điểm mùa hè cũng là một yếu tố hỗ trợ sức mua trên thị trường.
Mặc dù vậy, đà tăng của phiên hôm qua cũng bị hạn chế khá nhiều, khi mà Bộ trưởng Năng lượng của Lybia, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi cho biết sản lượng dầu của nước này đã hồi phục lên 700.000 đến 800.000 thùng trong tuần qua. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn không bền vững và có thể biến động mạnh trong bối cảnh xung đột chính trị tại Lybia vẫn gây khó khăn cho sản xuất.
Giá quặng sắt lao dốc hơn 7%
Trên thị trường kim loại cơ bản, đồng COMEX giảm nhẹ 0,1% xuống 4 USD/pound (8.839 USD/tấn) trong phiên giao dịch hôm qua sau những phiên liên tiếp lao dốc trước đó. Mặt hàng này đang ở vùng giá thấp nhất trong hơn 1 năm nay khi mà nhu cầu tại Trung Quốc vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 3,7%, hạn chế việc nới lỏng tiền tệ nhằm bảo vệ dòng vốn quốc gia và vẫn cho thấy ưu tiên trong chống dịch. Hoạt động sản xuất về cơ bản vẫn chưa có động lực đẩy đáng kể. Giá quặng sắt do đó cũng tiếp tục lao dốc phiên thứ 8 liên tiếp và đánh mất hơn 7%, xuống còn 110,94 USD/tấn. Việc hạn chế nới lỏng nhằm kích thích kinh tế của Trung Quốc khiến cho triển vọng ngành thép trong hoạt động đầu tư xây dựng xấu đi, nhất là trong bối cảnh nhu cầu bất động sản sụt giảm nghiêm trọng và sản lượng liên tục bị cắt giảm do lợi nhuận biên yếu ớt của các công ty thép tại quốc gia này.
Kim loại quý giằng co ở vùng giá thấp
Trong khi đó, giá đóng cửa của các mặt hàng kim loại quý không có sự thay đổi nhiều so với phiên trước đó, ngoại trừ quặng sắt. Bạc giằng co trong phiên trước khi kết thúc với mức giảm 0,13% xuống 21,56 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng nhẹ 0,15% lên mức 931,6 USD/ounce. Giá nhóm kim loại quý vẫn đang ở mức thấp so với hồi đầu tháng 6.
Nhóm kim loại quý nhìn chung vẫn đang chịu áp lực bởi đồng USD mạnh và lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng. Giá bạc vẫn chưa thể lấy lại mốc 22 USD/ounce trong 6 phiên giao dịch gần đây khi nguy cơ tăng trưởng chậm lại và hoạt động sản xuất thu hẹp sẽ làm hạn chế nhu cầu bạc cho công nghiệp. Trong khi đó, giá bạch kim trong phiên hôm qua được hỗ trợ do yếu tố nguồn cung của công ty khai thác bạch kim lớn thứ 2 trên thế giới, Impala Platinum ở Nam Phi, trong đó mỏ Rustenburg, chiếm gần 1 nửa sản lượng khai thác của công ty, gặp gián đoạn khi một số các công nhân đình công vì mức lương thấp. Người phát ngôn của Impala cho biết tác động của cuộc đình công này không quá lớn khi chỉ có 3.000 trong tổng số 45.000 công nhân hùng hậu của mỏ tham gia, tuy nhiên điều này cũng gây ra lo ngại về tính chất lan rộng của biểu tình và khiến giá bạch kim tăng nhẹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận