Mặt bằng 'đất vàng' không còn hấp dẫn?
Hai nguyên nhân được các độc giả đưa ra: các doanh nghiệp cắt giảm chi phí thuê và hoạt động được tinh gọn nhờ làm việc online.
Làn sóng trả mặt bằng, thu hẹp diện tích văn phòng từng diễn ra mạnh mẽ giai đoạn cao điểm Covid-19. Lúc đó, nhiều văn phòng ở "đất vàng" thành phố bị thu hẹp ồ ạt khi khách thuê lớn di dời từ tòa nhà hạng A xuống phân khúc hạng B, thậm chí mục tiêu là tìm kiếm tòa nhà có chi phí thuê thấp hơn, ở xa trung tâm.
Ghi nhận của VnExpress cho thấy làn sóng trên đang có dấu hiệu quay lại thị trường TP HCM đầu năm nay, trong bối cảnh các chỉ số kinh tế kém lạc quan. Cụ thể trong tháng 4, nhiều doanh nghiệp cắt giảm diện tích văn phòng, có đơn vị đóng cửa nhiều chi nhánh để tiết kiệm chi phí do kinh doanh khó khăn.
Xung quanh câu chuyện sóng ngầm người kinh doanh trả mặt bằng, văn phòng, độc giả có nickname namkb890 chia sẻ nguyên nhân vì chủ thuê tăng giá:
"Mặt bằng ở Gò Vấp (TP HCM) có diện tích 80 m2 tôi đã thuê được 7 năm, từ năm 2021 đến giờ chủ nhà đã tăng tiền thuê thêm hai lần. Tôi đã trả mặt bằng này và dời về quận 12. Mặt bằng mới có diện tích gấp đôi nhưng giá lại giảm 20% so với mặt bằng cũ. Sau ba tháng tôi có suy nghĩ: "Biết thế này thì đã chuyển đi lâu rồi".
Độc giả nguyễn hoàng cho rằng xu hướng hiện tại, các công ty, văn phòng hạn chế thuê "đất vàng", mặt tiền để giảm chi phí:
"Chiến lược mới của các cửa hàng, công ty vừa và nhỏ là hạn chế thuê mặt tiền. Họ đang có xu hướng thuê các con hẻm lớn ở quận 3 và quận 10, tiện ích và giao thông cực tốt. Giá thì thấp hơn nhiều so với quận 1 nhưng chất lượng tương đương".
Các doanh nghiệp (khách thuê văn phòng) bước vào năm 2023 với tâm thế cẩn trọng, có xu hướng giảm diện tích thuê nhằm tiết kiệm chi phí vận hành. Nguyên do vì có rất nhiều thách thức doanh nghiệp phải đối mặt. Độc giả nguyen khang nói:
"Giá mặt bằng tăng theo giá bất động sản, tăng liên tục mấy năm nay. Tuy nhiên giá BĐS nhìn chung giảm, có nơi giảm sâu nhưng giá thuê văn phòng có xu hướng tăng. Điều này tác động ngược với môi trường kinh doanh BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung. Giá thuê mặt bằng, văn phòng cao là không tốt cho môi trường kinh doanh".
Tình trạng nhiều công ty đang thắt chặt ngân sách trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế sẽ đặt nhiều áp lực lên tình hình hoạt động của thị trường văn phòng TP HCM. Ngoài ra, phải kể đến nguyên do: các công ty cho nhân viên làm việc từ xa, hoạt động online nên không có nhu cầu thuê văn phòng, mặt bằng ở những vị trí "vàng", một số độc giả bình luận:
Sau dịch Covid-19, các công ty làm việc, họp hành, kinh doanh bán hàng... tất tần tật đều có thể làm online và vẫn hoạt động tốt, thậm chí còn tốt hơn kiểu truyền thống. Cho nên giảm thuê và trả mặt bằng là xu hướng tất yếu thôi.
"Bây giờ là thời đại kinh doanh online, nếu thuê mặt bằng thì có bao nhiêu tiền phải "nuôi" vào đây hết, có khi còn lỗ".
"Đóng cửa văn phòng, mặt bằng do ảnh hưởng của hai yếu tố chính, thứ nhất là kinh tế giảm tốc, và thứ hai là xu hướng làm việc và kinh doanh online nở rộ sau Covid-19.
Giá phân khúc BĐS thương mại như mặt bằng, văn phòng sẽ giảm tốc nhưng đừng đồng nhất với giá nhà sẽ giảm mạnh, vì phân khúc nhà ở tại các thành phố lớn luôn có nhu cầu cực cao trong khi cung không theo kịp cầu do ảnh hưởng từ yếu tố pháp lý".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận