Mặt bằng cho thuê: Nơi ế dài, chỗ bắt đầu lên giá
Hiện nay tại các tuyến phố lớn tại Hà Nội như Đường Láng, Cầu Giấy, Nguyễn Khánh Toàn, Phạm Ngọc Thạch… nhiều cửa hàng đóng cửa và chuyển giao lại mặt bằng từ đầu năm 2020 nhưng cho đến nay vẫn chưa có người mới đến thuê khiến chủ nhà như “ngồi trên đống lửa.
Chủ nhà canh cánh nỗi lo
Nhà cho thuê tại các con phố lớn tại Hà Nội vẫn được mệnh danh là “Tấc đất, tấc vàng” bởi lẽ giá thuê luôn xoay quanh mức vài chục triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, khi dịch Covid-19 tràn đến, nhiều người kinh doanh đã buộc phải trả mặt bằng để chuyển xuống các tuyến phố ít “hot” hơn để giảm chi phí hoặc rẽ hướng sang kinh doanh online.
Điển hình như tại đường Cầu Giấy, Chùa Bộc, nhiều mặt bằng rộng từ 100 - 150 m2 đã treo biển cho thuê gần năm nay nhưng vẫn chưa có người đến hỏi.
Chị Phạm Thị Huyền (chủ mặt bằng) cho biết: “Kể từ tháng 4, sau khi hết hợp đồng với một cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ em, cho đến nay vẫn chưa có ai hỏi hay đến xem mặt bằng. Mặc dù trước đó tôi đã giảm tiền thuê còn 45 triệu đồng/tháng”. Mặt bằng nhà chị Huyền nằm trên đường Cầu Giấy với diện tích 121m2, phù hợp cho các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ có thương hiệu tầm trung trong thị trường nội địa. Mặc dù có vị trí đẹp, vốn trước đây vẫn được nhiều người săn đón nhưng giờ đây lại trong tình trạng “ế dài” khiến chị Huyền không khỏi lo lắng.
Tại đường Nguyễn Khánh Toàn - một con đường sầm uất khác của quận Cầu Giấy cũng đang ở trong tình trạng nhiều mặt bằng bị bỏ trống. Với diện tích rộng khoảng 100m2, mặt bằng của anh Trần Văn Thắng trước đây được một thương hiệu quần áo thuê. Vậy nhưng suốt 6 tháng nay, nhiều người chỉ gọi điện và đến xem qua nhưng chưa ai “xuống tiền” để thuê, anh Thắng chia sẻ.
Còn tại đường Láng, tình hình cũng không khả quan hơn. Anh Phan Thành Đạt, chủ một cửa hàng thời trang cho biết: “Khoảng 3 năm gần đây, mình vẫn thuê mặt bằng rộng 80m2 tại đường Láng để kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh tràn đến, mình buộc phải đóng cửa suốt nửa năm, nửa năm còn lại doanh số không đủ để trả tiền thuê mặt bằng. Chính vì vậy, bây giờ mình buộc phải chuyển cửa hàng vào trong một con ngõ nhỏ hơn, khuất hơn và không có chỗ để xe cho khách”.
Theo anh Đạt, từ khi thông báo chuyển địa chỉ cửa hàng vào trong con ngõ nhỏ, nhiều khách quen vẫn tìm ra được, nhưng thực sự sẽ khó khăn đối với một số khách lần đầu đến cửa hàng. Thời gian này, một số cửa hàng quần áo, đồ chơi khác cũng chuyển dần vào trong các con ngõ nhỏ với chi phí thuê mặt bằng thấp hơn.
Mặt bằng phố cổ tiếp tục lên giá
Trái với tình hình ảm đạm tại một số con phố lớn trên địa bàn Hà Nội, tại khu phố cổ, giá mặt bằng vẫn tiếp tục lên. Theo nhiều chủ cửa hàng, so với quý III/2020, giá thuê mặt bằng tăng lên thêm từ 5-7 triệu đồng. Anh Nguyễn Tây Đức (chủ sở hữu một căn nhà cho thuê tại phố Hàng Buồm) cho biết: “Đã có rất nhiều người hỏi tôi để thuê, nhưng tôi đang lưỡng lự và chưa muốn ngã giá ở thời điểm này. Với 40m2 tại đây, tôi có thể cho thuê với giá 25-30 triệu đồng/tháng, giá này đã tăng so với hồi đầu năm 2020”.
Còn tại các phố Hàng Bồ, Quán Sứ, giá thuê mặt bằng mềm hơn, chỉ từ 15 triệu đồng - 30 triệu đồng/tháng. Diện tích mặt bằng có thể tìm kiếm được là từ 40 - 55 m2. Theo khảo sát, nhìn chung giá thuê mặt bằng tại khu vực phố cổ đã lên giá, không còn tình trạng đóng cửa hàng loạt như những tháng vừa qua.
Một số mặt bằng khác là nhà cao tầng, không phải xây sửa nhiều, có sẵn công trình phụ sẽ có giá cao hơn từ 60 - 70 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Vượng (chủ nhà cho thuê tại Bát Đàn) cho biết: “Càng về cuối năm 2020, giá thuê mặt bằng quanh khu vực phố cổ, Hoàn Kiếm này càng tăng. Đã có nhiều người hỏi thuê với giá 55 - 57 triệu đồng nhưng tôi chưa đồng ý”. Với diện tích 60m2 và 5 tầng, chị Vượng quyết định cho thuê với giá từ 60 - 65 triệu đồng/tháng, không nhận giá thấp hơn.
Không còn những khu phố đóng cửa hàng loạt như những tháng trước, mặt bằng tại phố cổ đã bắt đầu được lấp đầy. Theo đánh giá của giới chuyên gia, thị trường bất động sản trong năm 2021 được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều dấu hiệu tích cực khi dịch bệnh được kiểm soát. Tại thị trường Hà Nội, theo Savills Việt Nam, phân khúc văn phòng hạng A đang có xu hướng gia tăng từ làn sóng dòng vốn FDI đổ bộ, còn các phân khúc khác như hạng B và C đang chật vật vì tình trạng dư cung khi tỷ lệ lấp đầy quá thấp.
Trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản nói chung và phân khúc cho thuê nhà mặt phố sẽ bắt đầu khởi sắc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận