Mạnh tay xử phạt, làm sạch thị trường chứng khoán
Nhận diện vi phạm và tìm các chế tài để xử lý, cũng như xây barie để ngăn chặn vi phạm là những công việc mà Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang thực hiện. Ông Vũ Hải Sơn, Phó Chánh Thanh tra UBCKNN đã trao đổi với Báo CAND về vấn đề này.
Là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp, thị trường chứng khoán (TTCK) được xem như "hàn thử biểu" của nền kinh tế. Thế nhưng, đi cùng với sự phát triển nhanh chóng, những vấn đề nảy sinh trên TTCK cũng ngày càng nhiều, trong đó, một số vụ vi phạm đang có những ảnh hưởng không tốt tới toàn thị trường. Nhận diện vi phạm và tìm các chế tài để xử lý, cũng như xây barie để ngăn chặn vi phạm là những công việc mà Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang thực hiện. Ông Vũ Hải Sơn, Phó Chánh Thanh tra UBCKNN đã trao đổi với Báo CAND về vấn đề này.
Phó Chánh Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Hải Sơn.
PV: Xin ông cho biết về các hình thức vi phạm trên TTCK hiện nay? Những vụ vi phạm thường xảy ra tại các loại hình công ty, doanh nghiệp niêm yết nào?
Ông Vũ Hải Sơn: Trên TTCK có các hình thức vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Phân loại vi phạm theo nhóm đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm các nhóm vi phạm của tổ chức chào bán/phát hành, của công ty đại chúng, tổ chức niêm yết: Chủ yếu gồm vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, tổ chức phát hành. Cụ thể: Chậm báo cáo/công bố thông tin định kỳ, bất thường; không báo cáo/công bố thông tin đối với thông tin phải báo cáo/công bố theo quy định; báo cáo/công bố thông tin không đầy đủ; một số trường hợp có vi phạm báo cáo không chính xác hoặc công bố thông tin sai lệch. Một số tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch có vi phạm quy định về quản trị công ty đại chúng.
Vi phạm của nhà đầu tư gồm vi phạm điều cấm trong giao dịch của nhà đầu tư như thực hiện hành vi thao túng TTCK; vi phạm quy định về giao dịch của nhà đầu tư, cụ thể: Chậm hoặc không báo cáo sau khi trở thành/không còn là cổ đông lớn; cổ đông lớn chậm/không báo cáo khi thay đổi tỷ lệ sở hữu qua các ngưỡng 1%; người nội bộ, người có liên quan của người nội bộ không báo cáo hoặc chậm báo cáo trước và sau khi giao dịch, thực hiện giao dịch không đúng với nội dung đã đăng ký về thời gian, khối lượng giao dịch... Một số nhà đầu tư có vi phạm quy định về chào mua công khai.
Vi phạm của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ: Vi phạm nghĩa vụ báo cáo/công bố thông tin; vi phạm các quy định về hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, về quản lý người hành nghề như: bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề làm việc tại vị trí phải có chứng chỉ hành nghề, vi phạm quy định về nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch, vi phạm quy định về hạn chế đầu tư, vi phạm quy định về quản trị điều hành...
Vi phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự như hành vi thao túng TTCK đến mức xử lý hình sự. Ngoài ra, còn có một số vụ việc có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được cơ quan điều tra khởi tố, điều tra, xử lý theo pháp luật hình sự.
PV: Nhiều hình thức vi phạm, vậy số lượng vi phạm trên thị trường có nhiều không, thưa ông? Qua các năm, xu hướng vi phạm tăng hay giảm, vì sao?
Ông Vũ Hải Sơn: Trong các năm 2021-2023, UBCKNN đã xử phạt trung bình mỗi năm từ hơn 400 đến hơn 500 trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về chứng khoán. Cụ thể, năm 2021 xử phạt 568 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt 25,9 tỷ đồng; năm 2022, xử phạt 495 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt 39 tỷ đồng; năm 2023 xử phạt 475 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt hành chính là 42,9 tỷ đồng.
Nhìn chung, số vụ việc xử phạt hành chính không tăng nhưng tổng số tiền phạt tăng cho thấy tác động của việc Luật Chứng khoán 2019 và Nghị định 156/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, quy định nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán, đồng thời tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Bên cạnh đó, mỗi vụ việc vi phạm của tổ chức, cá nhân có thể bao gồm nhiều hành vi vi phạm hơn nên tổng số tiền phạt mỗi trường hợp cao hơn; mặt khác cũng cho thấy việc tập trung giám sát, phát hiện, làm rõ và xử lý các vụ việc có vi phạm tính chất nổi cộm, nghiêm trọng với mức phạt cao sẽ làm gia tăng tổng số tiền phạt.
Trong các năm gần đây, các trường hợp bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền cao tập trung vào các hành vi vi phạm được quy định khung phạt tiền cao như hành vi thao túng (năm 2023 có một số cá nhân thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu bị xử phạt với mức phạt tiền cao nhất trong khung phạt đối với cá nhân là 1,5 tỷ đồng); các trường hợp vi phạm nhiều lần một lỗi chủ yếu là vi phạm về công bố thông tin; một số trường hợp vi phạm nhiều lỗi được phát hiện qua công tác thanh, kiểm tra.
Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn (từ 1 đến 12 tháng), tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn (từ 1 đến 24 tháng), đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn (từ 1 đến 3 tháng); một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với hành vi công bố thông tin sai lệch, buộc nộp hồ sơ đăng ký giao dịch chứng khoán cho Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày, buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được uỷ quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm, buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm…
Ngoài ra, đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị cấm như thao túng TTCK, từ thời điểm Luật Chứng khoán 2019 và Nghị định 155/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành có thể bị áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn theo quy định tại Điều 306 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP. Ví dụ như cấm giao dịch chứng khoán hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ tại tổ chức kinh doanh chứng khoán có thời hạn.
Thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
PV: Tính ra, mỗi ngày thanh tra UBCKNN phải ký phạt từ 1-2 vụ việc. Theo ông, vì sao các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm, do để che giấu thông tin, trục lợi, hay do yếu kém về mặt nghiệp vụ, hay do kiểm toán chưa nghiêm hoặc chế tài xử phạt chưa đủ mạnh?
Ông Vũ Hải Sơn: Qua các vụ việc vi phạm trên TTCK thời gian qua cho thấy vi phạm xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Về nguyên nhân có tính khách quan, một số doanh nghiệp gặp khó khăn về hoạt động, cắt giảm nhân sự dẫn tới không có đủ nguồn lực để thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp, bao gồm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin theo quy định; trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, đồng thời nhân sự cũng mắc COVID-19 dẫn đến chậm hoặc không thực hiện được báo cáo, công bố thông tin định kỳ...
TTCK Việt Nam cũng còn nặng tính tâm lý đám đông, trong bối cảnh sự phát triển mạnh của mạng xã hội với nhiều hội, nhóm đầu tư chứng khoán được tạo ra trên mạng xã hội làm nơi trao đổi, tham khảo thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư mua, bán chứng khoán, một mặt giúp cho việc thông tin trên thị trường được phổ biến nhanh chóng; nhưng ở mặt tiêu cực cũng là môi trường làm xuất hiện hiện tượng lợi dụng các diễn đàn, nhóm mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram… để tung tin đồn, kêu gọi lôi kéo nhà đầu tư mua bán chứng khoán, thậm chí có thể bao gồm cả những cổ phiếu có dấu hiệu thao túng.
Về nguyên nhân chủ quan, một bộ phận tổ chức, cá nhân tham gia TTCK có ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, thiếu hiểu biết về pháp luật chứng khoán, nhất là đối tượng mới tham gia TTCK dẫn đến không nắm rõ hoặc không biết phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định, có cá nhân/tổ chức hiểu chưa đúng quy định dẫn đến có thực hiện nghĩa vụ nhưng chưa đầy đủ, chưa đúng theo quy định nên vẫn vi phạm; một bộ phận cá nhân thậm chí cố ý thực hiện vi phạm như hành vi thao túng TTCK. Trong các giai đoạn có tính chất chuyển tiếp từ các quy định pháp luật cũ sang các quy định pháp luật mới, một bộ phận doanh nghiệp, cá nhân vi phạm do chưa kịp thời nắm bắt quy định pháp luật mới để điều chỉnh hoạt động, việc thực hiện các nghĩa vụ dẫn đến vi phạm.
Nhìn chung, vi phạm pháp luật trên TTCK có nguyên nhân từ hành vi có lỗi của tổ chức/cá nhân, chủ yếu là lỗi từ ý thức hoặc hiểu biết về tuân thủ pháp luật chưa cao (như hành vi chậm báo cáo, công bố thông tin), một số trường hợp có thể lỗi cố ý (như hành vi thao túng), một số trường hợp gặp khó khăn do hoàn cảnh khách quan dẫn đến không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định pháp luật.
PV: Vậy ông có thể lượng hóa những thiệt hại mà các vi phạm này gây ra, ví dụ như chậm báo cáo tài chính ảnh hưởng tới quyết định mua bán của nhà đầu tư, hay các tin đồn thất thiệt khiến thị trường bốc hơi hàng tỷ USD, các hành vi thao túng cổ phiếu trục lợi ảnh hưởng tới xếp hạng thị trường, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, sự phát triển của thị trường vốn…?
Ông Vũ Hải Sơn: Việc xác định thiệt hại từ hành vi vi phạm trên TTCK là vấn đề phức tạp, xuất phát từ tính chất của TTCK là thị trường của thông tin. TTCK có thể chịu ảnh hưởng từ thông tin kinh tế vĩ mô trong nước hoặc quốc tế, thông tin từ thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế, thông tin từ yếu tố rủi ro liên quan đến địa chính trị quốc tế, thông tin có thể ảnh hưởng đến triển vọng của ngành, lĩnh vực nhất định và thông tin về triển vọng, tình hình hoạt động của mỗi doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, mức độ ảnh hưởng của thông tin đến mỗi nhà đầu tư cũng khác nhau, xuất phát từ mức độ, khẩu vị rủi ro và nhận định khác nhau của nhà đầu tư nên mức độ ảnh hưởng (nếu có) của vi phạm pháp luật trên TTCK đối với mỗi nhà đầu tư cũng có thể khác nhau.
Ngoài ra, trong một số trường hợp tổ chức có vi phạm nhưng cả nhà đầu tư cũng có thể có lỗi, tuy ở mức độ khác nhau, dẫn đến tranh chấp, yêu cầu bồi thường thiệt hại như quan hệ giữa khách hàng với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ công ty chứng khoán. Vì vậy, khó có thể lượng hóa chung về xác định thiệt hại cho nhà đầu tư khi các loại hình vi phạm rất đa dạng, có tính chất, mức độ khác nhau và mỗi vụ việc vi phạm cũng khác nhau. Do vậy, Luật Chứng khoán 2019 đã quy định nguyên tắc chung về bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK.
PV: UBCKNN, cụ thể là bộ phận thanh tra đã có các giải pháp để ngăn chặn, hạn chế các vi phạm trên thị trường?
Ông Vũ Hải Sơn: Để có thể phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu vi phạm trên TTCK, cần có giải pháp tổng thể để xử lý những nguyên nhân, điều kiện dẫn tới vi phạm. Đối với lĩnh vực chứng khoán, thời gian qua cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp để giảm thiểu vi phạm, bao gồm hoàn thiện cơ chế chính sách, tuyên truyền phổ biến, đẩy mạnh thực thi pháp luật và tăng cường chế tài xử lý vi phạm.
Cụ thể, với nhóm giải pháp về cơ chế chính sách: Xây dựng hệ thống pháp luật chứng khoán hoàn thiện, quy định đầy đủ, rõ ràng về các hoạt động chứng khoán, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia TTCK giúp các tổ chức, cá nhân nắm rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, thực hiện đúng, đầy đủ, giảm thiểu vi phạm do quy định pháp luật chưa rõ ràng dẫn tới hiểu và thực hiện không đúng quy định; đồng thời thông qua việc quy định chặt chẽ về các hoạt động chứng khoán góp phần giảm rủi ro vi phạm khi thực hiện các hoạt động chào bán, phát hành, giao dịch, kinh doanh chứng khoán và cung cấp dịch vụ về chứng khoán trên TTCK.
Nhóm giải pháp về tăng cường năng lực giám sát, thực thi pháp luật gồm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chế tài xử lý vi phạm trên thị trường và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực giám sát, phát hiện vi phạm.
Nhóm giải pháp về thông tin, tuyên truyền, thường xuyên đưa thông tin về xử lý các vụ việc vi phạm, đưa thông tin về tình hình thị trường, cảnh báo về các vụ việc giả mạo tổ chức kinh doanh chứng khoán để cảnh báo đến thị trường. Thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động phổ biến tuyên truyền về pháp luật và lĩnh vực chứng khoán, giúp nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật và hiểu biết của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường.
Ngoài ra, tăng cường phối hợp giữa UBCKNN với cơ quan Công an trong xác minh, làm rõ các vụ việc vi phạm pháp luật trên TTCK, điều tra xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm…
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận