menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Hùng

Mạnh tay xử lý tội phạm rửa tiền

Đó là mục tiêu trọng tâm tại Nghị quyết số 03 2019 NQ-HĐTP ngày 24 5 2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền vừa được TANDTC và NHNN Việt Nam phối hợp tổ chức lễ công bố vào cuối tuần qua.

Tại Việt Nam, rửa tiền là loại tội phạm khá mới mẻ, nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, loại tội phạm này đang có những diễn biến phức tạp và có tác động không nhỏ đến nền kinh tế, đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm thời gian qua cho thấy, đã xuất hiện khá nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền tinh vi, xảo quyệt. Tội phạm rửa tiền lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt của người dân để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, ô tô, vàng bạc, đá quý… sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp pháp hóa nguồn tiền bất hợp pháp thu được từ các hoạt động tội phạm.

Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý có hiệu quả loại tội phạm này, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Theo đánh giá của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, quy định về tội rửa tiền tại Bộ luật Hình sự năm 2015 đã khắc phục hạn chế của quy định trước đây.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành hơn một năm qua cho thấy vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, cần phải hướng dẫn chi tiết hơn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Để thuận tiện cho việc áp dụng và thống nhất trong toàn quốc, kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng; bảo đảm minh bạch tài sản, thu nhập; đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong công tác chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03.

Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Nghị quyết lần này có 3 điểm mới. Một là quy định về tội phạm nguồn; Hai là Bộ luật Hình sự chỉ có giá trị trong lãnh thổ Việt Nam, tuy nhiên Nghị quyết này sẽ cho phép truy tố tội phạm nguồn ngoài Việt Nam, chẳng hạn như buôn ma túy ở nước ngoài nhưng rửa tiền ở Việt Nam; Ba là không loại trừ việc truy tố tội phạm nguồn ngoài tội rửa tiền, khi điều tra về tội phạm nguồn thì cũng điều tra tiếp về hành vi rửa tiền.

Chánh án TANDTC nhấn mạnh quy định về tội phạm nguồn. Ông cho biết: “Xưa nay tất cả quy định chủ yếu tập trung cho tội phạm nguồn như tham nhũng, tham ô, buôn bán ma túy... Nhưng cuộc đấu tranh như vậy chưa triệt để. Tất cả các tội phạm nói trên mục tiêu xét cho cùng vẫn là vì lợi nhuận. Sau khi hoàn tất hành vi phạm tội ban đầu, tiền, tài sản bất chính sau đó muốn hợp pháp hoá thì phải xóa đi dấu vết nguồn gốc của nó nên phát sinh ra thủ đoạn tẩy rửa”. Do đó một người nếu vi phạm tội phạm nguồn thì sẽ bị truy tố về tội đó, và sau đó lại bằng các thủ đoạn khác thực hiện rửa tiền thì sẽ bị xét xử thêm về tội rửa tiền.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cũng khẳng định, việc xác định tội phạm nguồn là căn cứ quan trọng để xử lý trách nhiệm hình sự đối với đối tượng phạm tội rửa tiền. “Nghị quyết của HĐTP lần này đã quy định rõ ràng về tội phạm nguồn sẽ góp phần giúp cho các cơ quan thực thi pháp luật triển khai quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội danh này”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đánh giá.

Trong Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng thể hiện, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn. Một số các tình tiết định tội của loại tội phạm này được nêu rõ, như: những hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng và các giao dịch khác như thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện qua các hành vi chơi, kinh doanh, casino; trò chơi có thưởng; mua bán cổ vật vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã... Các hành vi khác như cản trở việc xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có…

Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, trên thế giới tội phạm rửa tiền không mới, nhiều nước có kinh nghiệm điều tra, xét xử và có khoa học pháp lý hoàn chỉnh. Tại Việt Nam, đây là đối tượng tội phạm mới. Việc ban hành Nghị quyết 03 lần này sẽ tạo ra hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này, bởi tội rửa tiền liên quan tới hầu hết các nhóm tội phạm nguồn như buôn ma túy, buôn lậu, tham nhũng… Không những vậy, việc ra đời Nghị quyết 03 thể hiện cam kết của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết công ước quốc tế.

“Thế giới quan sát xem Việt Nam nội luật hóa các cam kết như thế nào, Nghị quyết thể hiện được và tuân thủ cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói và cho biết thêm: trong quá trình thực thi, quy định chống rửa tiền của Nghị quyết cũng được căn cứ để xếp hạng tín nhiệm các định chế tài chính. Theo đó, Nghị quyết ra đời không chỉ là ý nghĩa đấu tranh phòng chống tội phạm mà còn có ý nghĩa nâng cao tín nhiệm các định chế tài chính của Việt Nam. Và đây cũng là một thể hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong công tác chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Chia sẻ thêm thông tin, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, với sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đang phối hợp các bộ ngành, cơ quan liên quan để chuẩn bị tốt cho đợt đánh giá đa phương của nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) sẽ đến Việt Nam vào tháng 11/2019. Trong đó, việc rà soát về khuôn khổ pháp lý để điều tra, truy tố, xét xử về tội rửa tiền đóng vai trò quan trọng để chứng minh về tính hiệu quả cơ chế phòng chống rửa tiền của Việt Nam.

“Do vậy, việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC Hướng dẫn Điều 324 là cơ sở pháp lý quan trọng trong hoạt động xét xử tội phạm rửa tiền tại Việt Nam. Đồng thời cũng chứng minh được tính tuân thủ kỹ thuật của pháp luật Việt Nam trong quá trình xử lý loại hình tội phạm này”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả