Mạnh tay xử lý sách giáo khoa giả, lậu
Kể từ năm học 2020-2021, Việt Nam chính thức triển khai sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong giảng dạy và học tập. Lợi dụng thời điểm này, một số đối tượng đã sản xuất, kinh doanh sách giáo khoa lậu, giả, kém chất lượng để tuồn ra thị trường tiêu thụ.
Liên tiếp phát hiện sách giả, lậu “khủng”
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về việc tăng cường công tác phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với hoạt động in ấn, phát hành, lưu thông xuất bản phẩm, sách giáo khoa chuẩn bị phục vụ năm học mới 2020-2021, gần đây, lực lượng QLTT liên tiếp phát hiện số lượng “khủng” sách giáo dục được in lậu, thậm chí in giả. Điển hình, lực lượng QLTT Hà Nội vừa tạm giữ gần 2,3 tấn bìa và ruột sách bán thành phẩm mang tên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có dấu hiệu in lậu tại một xưởng ở đường Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Trước đó, lực lượng này đã phát hiện và thu giữ 27.200 cuốn sách giáo khoa các loại có dấu hiệu bị làm giả tại cơ sở tập kết số 87 phố Thịnh Liệt, ngõ 1141 Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội, thuộc Công ty TNHH Phú Hưng Phát.
Theo đại diện Tổng cục QLTT, đây là số lượng sách giáo dục có dấu hiệu làm giả lớn nhất từng bị phát hiện tại Hà Nội. Tất cả số sách này đang được đóng gói, đưa ra thị trường tiêu thụ có mã vạch, tem chống hàng giả được làm rất tinh vi.
Hay mới đây, lực lượng QLTT cũng tạm giữ 15.000 xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; 108 kg bao bì sản phẩm có in dòng chữ nước ngoài và “Made in Korea” và 325 kg bao bì sản phẩm có dòng chữ nước ngoài và “Made in USA” tại khu vực số 418 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng.
Đây chỉ là 1 trong số những trường hợp điển hình mà QLTT bắt giữ sách giáo dục in lậu, giả. Theo đại diện Tổng cục QLTT, hoạt động in lậu, giả diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp. Đáng chú ý, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn tinh vi như dán mã vạch, tem chống hàng giả, khiến người tiêu dùng khó phân biệt được bằng mắt thường. Chỉ khi sử dụng thiết bị kỹ thuật soi chiếu mới biết được là sách giả.
Tăng nặng hình phạt
Theo các chuyên gia, sách nhái, sách lậu hay sách không qua kiểm định, kiểm tra thường có sai sót như mờ chữ, mất nét, hoặc sai lệch về nội dung. Nếu số sách này được tung ra thị trường sẽ gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học, cũng như kinh tế nhiều nhà xuất bản, làm thất thu ngân sách nhà nước. Trong khi đó, theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định, việc buôn bán sách lậu bị phạt hành chính từ 30 - 40 triệu đồng. Tuy nhiên, với lợi nhuận khủng “một vốn bốn lời” do in sách lậu, giả mang lại, khiến một số đối tượng sẵn sàng chấp nhận nộp phạt và tiếp tục làm giả sách.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang - nguyên Phó Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - cho rằng, việc đề ra khung hình phạt quá nhẹ, vô hình trung tiếp tay cho đối tượng in lậu. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng sửa đổi nghị định, nâng hình phạt lên đủ sức răn đe, chuyển sang tội sản xuất và buôn bán hàng giả.
Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội: Để đấu tranh với thực trạng in lậu, làm sách giả, lực lượng QLTT sẽ tiến hành xác minh các đối tượng in và tiêu thụ ở đâu, từ đó phối hợp với bên công an để mở rộng điều tra. Nếu có vi phạm pháp luật sẽ truy tố, xử lý trách nhiệm hình sự.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận