Mạnh tay chi hơn 2.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, Mỹ liệu có cửa thắng Trung Quốc?
Hành động chi tiền phát triển của Mỹ có giúp nước này thắng Trung Quốc về cơ sở hạ tầng?
Theo thông tin từ Nhà Trắng, đề xuất trên sẽ được thực hiện trong hơn 8 năm với ngân sách đến từ việc tăng thuế doanh nghiệp và gia đình có thu nhập từ 400.000 USD/năm trở lên trong 15 năm. Ông Biden tuyên bố kế hoạch sẽ tạo ra hàng triệu việc làm và được phân giai đoạn thực hiện.
Chỉ là "bánh vẽ lúc đói"
Do đảng Cộng hòa phản đối tăng thuế, kế hoạch này có thể trở thành "bánh vẽ lúc đói" giống như dưới thời các cựu Tổng thống như ông Barack Obama và ông Donald Trump. Đây chính là khác biệt lớn nhất về mô hình xây dựng cơ sở hạ tầng giữa hai thể chế Mỹ và Trung Quốc.
Những năm gần đây, cạnh tranh Mỹ-Trung bao gồm cả cạnh tranh về xây dựng cơ sở hạ tầng cứng như đường cao tốc, đường sắt cao tốc, cầu cống, sân bay, cảng biển, đập nước, mạng lưới truyền tải điện, đường ống dẫn nước và cả trạm sạc xe điện, hệ thống mạng viễn thông 5G…
Khi tranh cử, ông Trump từng chỉ trích rằng, cơ sở hạ tầng của Mỹ ngang với các nước thuộc thế giới thứ ba. Hiệp hội Kỹ sư xây dựng quốc gia Mỹ cũng xếp cơ sở hạ tầng nước này ở mức D+ hoặc C- trong nhiều năm liên tiếp, có nghĩa kém xa mức tiêu chuẩn.
Tổng thống Mỹ ba nhiệm kỳ gần đây đều muốn cải thiện cơ sở hạ tầng, nhưng hơn 10 năm trôi qua, các nỗ lực đều không tiến triển.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng cứng của Trung Quốc phát triển nhảy vọt trong những năm gần đây. Không thể phủ nhận Trung Quốc dựa vào "ưu thế phát triển sau" và nhà nước đầu tư rất nhiều để phát triển cơ sở hạ tầng bất chấp nợ nần chồng chất. Diện mạo mới của các thành phố và Trung Quốc vượt Mỹ trong một số lĩnh vực đã khiến rất nhiều người tự hào với thành tựu này.
Dù vậy, cần thấy rằng cơ sở hạ tầng tiến bộ không có nghĩa là có nhiều nhà chọc trời hơn, có sân bay lớn hơn hoặc nhiều đèn neon hơn. Quan trọng vẫn là tính thiết thực, hiệu quả và lợi ích mà cơ sở hạ tầng mang lại cho người dân.
Mỹ "cũ kỹ" hơn so với Trung Quốc
Mạng lưới đường cao tốc mới nhất ở Mỹ được xây dựng cách đây hơn 70 năm. Trong số 614.000 cây cầu trên toàn nước Mỹ, có 56.000 cây cầu có khiếm khuyết, gây nguy hiểm.
Theo tờ Tin tức Thế giới, có một số nguyên nhân liên quan tới việc cơ sở hạ tầng của Mỹ lạc hậu hơn so với Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, chỉ bằng mệnh lệnh dỡ bỏ toàn diện, vài tháng sau, diện mạo thành phố sẽ thay đổi hoàn toàn. Chỉ qua hai thế hệ lãnh đạo, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, giá nhân công tăng cao, tiếng nói của công đoàn có sức nặng, khiến giá thành xây dựng cơ sở hạ tầng ở Mỹ cao gấp nhiều lần, thậm chí gấp hơn chục lần so với Trung Quốc. Những yếu tố này kiềm chế sự đổi mới trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở Mỹ.
Chưa thể đo lường "thắng - thua"
Ngoài ra, nguyên nhân còn do ở Mỹ, hầu hết các gia đình đều có ô tô, vì thế cơ bản là không cần tới đường sắt cao tốc.
Ngành hàng không cũng phát triển khiến nhu cầu đối với đường sắt cao tốc giảm xuống. Các sân bay ở Mỹ tuy cũ và không có sân bay nào nằm trong danh sách 25 sân bay tốt nhất thế giới, nhưng số lượng đội bay và cường độ vận hành của họ thì không nơi nào trên thế giới sánh kịp.
Trong số 50 sân bay tấp nập nhất thế giới, Mỹ có 16, trong khi Trung Quốc chỉ có 9. Mỹ có tổng cộng 5.136 sân bay nhà nước và 14.112 sân bay tư nhân, nhưng Trung Quốc chỉ có 200 sân bay.
Dẫu không so sánh được với Trung Quốc về đường sắt cao tốc, nhưng hệ thống vận tải hàng hóa đường sắt của Mỹ vẫn đứng đầu thế giới, vận chuyển tới 40% hàng hóa trên toàn quốc. Trong số các đoàn tàu vận tải hàng hóa có trên 300 toa ở Mỹ, 70% là toa tàu 2 tầng còn Trung Quốc tới nay mới bắt đầu thử nghiệm dùng toa tàu 2 tầng.
Tóm lại, không thể phủ nhận cơ sở hạ tầng ở Mỹ vẫn tồn tại hiện tượng chỉ có ở thế giới thứ ba như cầu cống, mạng lưới truyền tải điện, đập nước… cũ kỹ hay đường ống dẫn nước chứa chất độc hại như chì.
Những hiện tượng này, ông Biden và thậm chí người kế nhiệm ông cũng khó giải quyết một sớm một chiều. Tuy nhiên, do các nhân tố như tình hình đất nước, mật độ dân số, nhu cầu thực tế và nhu cầu quốc phòng… khác nhau, nên khó có thể sử dụng sự "mới - cũ" để đo lường "thắng - thua" giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
(theo TTXVN)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận