Manh nha khủng hoảng nhân lực AI
Chưa bao giờ, nhu cầu sử dụng nhân lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam lại lớn như vậy. Nhưng năm 2019, chỉ có Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo chuyên ngành kỹ sư AI, với 2 chuyên ngành và… 50 sinh viên.
Mức lương của các kỹ sư AI tại Việt Nam lên đến 22.000 USD/năm (hơn 510 triệu đồng/năm), thuộc nhóm mức lương cao nhất trong ngành.
Thiếu trầm trọng nhân lực AI
Báo cáo thị trường và nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam do TopDev vừa công bố cho thấy, mức lương của các kỹ sư AI tại Việt Nam lên đến 22.000 USD/năm (hơn 510 triệu đồng/năm), thuộc nhóm mức lương cao nhất trong ngành. TopDev cho rằng, tại Việt Nam, hiện có rất nhiều start-up phát triển các dự án tiềm năng liên quan đến AI và máy học (Machine Learning). Vì vậy, mức lương và độ “hot” của các kỹ sư AI sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới.
Còn theo đánh giá của Google Brain, nhu cầu nhân lực phục vụ lĩnh vực AI là 1 triệu người, nhưng hiện mới có khoảng 10.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng. Tại Việt Nam, dự báo sẽ thiếu 70.000 - 90.000 nhân sự công nghệ thông tin trong năm 2019 trên tổng nhu cầu 350.000 người của toàn thị trường.
“Chúng tôi phải mất 4 năm mới tuyển được 3 vị trí, nhưng đều không đúng chuyên môn. Thường người giỏi về công nghệ AI ít am hiểu các chuyên môn nghiệp vụ của ngành ngân hàng”, ông Trần Hồng Thắng, Giám đốc Ban Quản trị dữ liệu của VietinBank cho hay.
Ông Vũ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Xuất sắc và Trí tuệ Nhân tạo (Viettel) cho biết, Viettel có rất nhiều bài toán cần giải quyết bằng công nghệ AI. Tuy nhiên, nguồn nhân lực rất thiếu hụt, nhà mạng này phải tìm về các trường đại học để thu hút sinh viên xuất sắc, nhưng số lượng không nhiều.
Hiện các doanh nghiệp Việt Nam như Viettel, Vingroup, VNPT, FPT, VNG, MobiFone… đều đang đầu tư, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào sản xuất, kinh doanh. Nếu cộng cả đầu tư của các tập đoàn lớn, thì vốn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển về AI ở Việt Nam là hàng trăm triệu USD.
Đơn cử, Viettel đã triển khai cung cấp dịch vụ AI trong lĩnh vực y tế (ứng dụng AI trong chẩn đoán nội soi qua hình ảnh chẩn đoán nhanh gấp 5 lần so với phương pháp truyền thống, độ chính xác lên đến 90%), ứng dụng AI trong việc quản lý rừng (thống kê diện tích, tình trạng rừng với độ chính xác 80%, phản ứng kịp thời nhanh gấp 5 lần so với cách làm cũ)...
Cần một lộ trình “dài hơi”
Hiện nguồn cung cấp chuyên gia AI chủ yếu là các kỹ sư tu nghiệp tại nước ngoài, từ một số trường đại học danh tiếng về công nghệ. Một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng tung ra chính sách chiêu mộ tài năng AI, nhưng số lượng vẫn không đáp ứng tốc độ phát triển tại Việt Nam.
Ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam
Chúng ta dễ dàng thấy rằng, tuyển dụng kỹ sư phần mềm không còn là nhu cầu của riêng các công ty công nghệ. Để xây dựng lực lượng lao động cho kỷ nguyên AI, kỹ thuật không phải là kỹ năng duy nhất cần đào tạo. Chậm chân trong hành trình ứng dụng AI, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ đánh mất các lợi thế cạnh tranh.
“Chúng ta cần tập trung nguồn lực gồm các chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng nền tảng AI vững mạnh. Các doanh nghiệp cần phối hợp với đơn vị đào tạo đưa ra giáo trình và khóa học ngắn hạn tạo ra lộ trình phát triển nhân lực AI chuyên nghiệp”, GS. Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John von Neumann nhận định.
Theo GS. Nguyễn Thanh Thủy, Phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), để nghiên cứu và ứng dụng AI, cần có nhân lực, nhưng việc đào tạo không phải một sớm, một chiều. GS. Thủy “hiến kế”, cần phát huy thành công của hệ đào tạo công nghệ thông tin văn bằng 2 từng thành công trong quá khứ. Tuy nhiên, để có nguồn nhân lực mang tính hạt nhân về công nghệ thông tin và AI cho các lĩnh vực có nhu cầu, không nên chỉ đào tạo văn bằng 2, mà cần bổ sung các kiến thức này vào chương trình của các đại học về kinh tế và kỹ thuật.
Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc vùng của Công ty việc làm Navigos Search North, nhu cầu của doanh nghiệp tăng cao, nhưng số lượng đào tạo chưa đáp ứng được. Nhiều doanh nghiệp phải chủ động tìm đến các trường đại học để phối hợp đào tạo và tìm nhân lực. Không chỉ thiếu hụt về số lượng, nhân sự trong lĩnh vực này thường có xu thế nhảy việc nhanh.
TS. Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam cho rằng, câu chuyện AI đang nằm ở cộng đồng chứ không phải ở trường đại học. Vai trò của cộng đồng trong đào tạo là rất lớn, đào tạo của cộng đồng mang tính chất mọi lúc, mọi nơi, nên sẽ góp phần giải bài toán nhân lực khó khăn thời điểm hiện tại.
Hiện việc tìm kiếm, sử dụng nhân lực AI chủ yếu thông qua việc đào tạo lại và đào tạo nâng cấp cho nhân viên đã có bằng cách kết hợp với trường đại học tổ chức các khóa đào tạo ngắn, xây dựng các chương trình đào tạo liên tục để hỗ trợ nhân viên tiếp cận kỹ năng mới, giữ chân người lao động. Nếu doanh nghiệp và các trường cùng hợp tác nghiên cứu AI, sẽ giúp nâng cao trình độ nhân lực của cả hai bên và tạo được mối cam kết chặt chẽ hơn. Hiện mới chỉ một số doanh nghiệp lớn chủ động tiếp cận trường và một số ít trường top đầu chủ động đưa ra các chương trình hợp tác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận