Mạng xã hội khuyến khích người Mỹ chi tiêu bất chấp mức lạm phát kỷ lục
Trong năm 2022, một trong những mối quan tâm lớn nhất mà người Mỹ phải đối mặt là mức lạm phát kỷ lục sẽ tiếp tục gia tăng chi phí đối với các khoản chi tiêu trong gia đình và lấy đi phần lớn tiền lương của họ.
Tỷ lệ lạm phát tăng 7% trong suốt năm 2021 là mức tăng lớn nhất trong gần 4 thập kỷ qua, dẫn đến việc người Mỹ phải chứng kiến các mặt hàng thiết yếu tăng giá với tốc độ chóng mặt.
Trong khi những nỗ lực của chính phủ nhằm cung cấp các gói viện trợ kích thích và lãi suất cực thấp đã thúc đẩy việc chi tiêu của người Mỹ, thì những rắc rối trong chuỗi cung ứng đã dẫn đến tình trạng cung không đáp ứng được cầu, khiến giá cả leo thang với tốc độ kỷ lục.
Đầu tháng này, Bộ Lao động Hoa Kỳ báo cáo rằng tỷ lệ lạm phát cơ bản, không bao gồm các hàng hóa dễ biến động như thực phẩm và khí đốt, đã tăng 5,5% trong tháng 12, mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, người mua sắm ở Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục chi tiêu và mạng xã hội tiếp tục là nơi thúc đẩy các hoạt động mua sắm này.
Theo một cuộc khảo sát mới được thực hiện bởi Point và OnePoll, hơn 1/3 người được hỏi cho biết mạng xã hội "có ảnh hưởng lớn" đến thói quen mua sắm của họ (35%), so với chỉ 12% người tham gia cho rằng mạng xã hội "không có ảnh hưởng" đến họ.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy hơn một nửa người Mỹ (55%) nói rằng mạng xã hội thậm chí còn khiến họ chi tiêu nhiều hơn cho một sản phẩm, cũng như dẫn tới việc vượt quá ngân sách đã đề ra trước đó. Với 35% số người được hỏi thừa nhận việc phải "bằng bạn bằng bè" là áp lực chính dẫn đến việc vung tay quá trán.
Tác động của đại dịch
Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với người Mỹ cũng được khuếch đại bởi đại dịch. Trong thời gian phong tỏa và những quy định về việc giãn cách, người Mỹ thực sự đã cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, vào năm 2021 khi đất nước bắt đầu đi vào giai đoạn bình thường mới, chi tiêu đã tăng lên ngay cả khi các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn.
Mary Schneeberger, giám đốc marketing cấp cao tại Avionos - nơi đã theo dõi thói quen chi tiêu của người Mỹ vào năm 2021, đã giải thích: "Đại dịch đã thay đổi và tiếp tục phát triển thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Trong hai năm qua, các nhà bán lẻ đã chứng minh họ có thể làm bất cứ điều gì để thích ứng với nhu cầu của người tiêu dùng và mang lại cho họ những trải nghiệm mua sắm liền mạch, thông qua các hình thức mua sắm trực tuyến, trực tiếp tại cửa hàng và hình thức mua sắm kết hợp".
Ngoài ra, trong thời đại của những người có ảnh hưởng (inlfuencers), các buổi thử nghiệm thực tế ảo và các video phát trực tiếp như hiện nay, thì việc mua sản phẩm thông qua mạng xã hội đang ngày càng gia tăng và tiếp tục thay đổi các thói quen mua sắm trong tương lai.
Mạng xã hội không chỉ thay đổi cách người tiêu dùng giao dịch mà còn thay đổi cách họ khám phá các thương hiệu và sản phẩm mới.
"Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã giành được lòng tin của người tiêu dùng bằng cách giới thiệu các sản phẩm mà họ đã mua, thảo luận về chất lượng của chúng và đưa ra ý kiến của mình cho hàng nghìn người trên các nền tảng như YouTube, TikTok và Instagram dưới dạng các video giải trí".
Thế hệ trẻ
Không có gì ngạc nhiên khi nghiên cứu của Avionos cũng chỉ ra rằng hầu hết thế hệ trẻ đều sử dụng mạng xã hội trong việc mua sắm của mình.
"Gen Z (70%) và Gen Y (68%) đã sử dụng mạng xã hội để mua sắm và tương tác với các thương hiệu nhiều hơn Gen X (51%) và các thế hệ trước năm 1964 (33%), vì những người dùng trẻ tuổi này sử dụng nhiều kênh để mua sắm hơn so với những người lớn tuổi", Schneeberger nói.
Gen Z cũng được cho là dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội so với các thế hệ trước, điều này giải thích thêm tại sao họ xem mạng xã hội như một phương tiện để mua sắm so với các thế hệ cũ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng mạng xã hội để mua sắm.
Schneeberger cho biết: “Trong số những người chưa từng mua hàng qua một nền tảng trên mạng xã hội, 45% cho biết họ không xem mạng xã hội là nơi để mua hàng và 33% không tin tưởng các ứng dụng này khi họ phải cung cấp số thẻ tín dụng hoặc thông tin cá nhân của mình. Ngoài ra, người tiêu dùng thường thích hoàn tất các giao dịch trên trình duyệt web (16%) hoặc muốn xem sản phẩm trực tiếp trước khi đưa ra quyết định mua hàng (15%) hơn là mua sắm online".
Các nền tảng khác nhau
Avionos nhận thấy rằng Facebook, Instagram và TikTok là các nền tảng được người tiêu dùng trẻ tuổi ưa chuộng nhất trong việc mua sắm online.
Schneeberger lưu ý: "Tuy nhiên, 56% Gen Z cho biết họ đã từng mua một sản phẩm trên một kênh khác so với dự định ban đầu của mình. Và vì thế, Gen Z cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng các kênh kỹ thuật số và có xu hướng sử dụng các trang thương mại điện tử và các nền tảng xã hội để thực hiện việc mua sắm hơn. Đồng thời, các nhà bán lẻ có nhiều khả năng điều chỉnh để phù hợp với các đối tượng này trên các nền tảng xã hội ưa thích của họ, qua đó ảnh hưởng đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng".
Mặt khác, 45% Gen Y và Gen X đã sử dụng các nền tảng trực tuyến để đặt mua và đến nhận tại cửa hàng, qua đó các nhà bán lẻ có nhiều cơ hội để tương tác với họ cả trực tuyến và tại cửa hàng, vì những khách hàng này thích xem trực tiếp các sản phẩm trước khi họ mua chúng. Điều này làm tăng thêm tầm quan trọng của việc mở rộng trải nghiệm thương mại đa kênh để đáp ứng các khách hàng khác nhau ở nơi họ muốn tương tác. "
(Theo Forbes)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận