Mai Linh muốn lấn sân làm đại lý bảo hiểm
Lực lượng đông đảo người lao động là một lợi thế của tập đoàn khi bước vào lĩnh vực kinh doanh mới này. Khoản lỗ khủng hơn nghìn tỷ đồng vẫn đang là gánh nặng của Mai Linh.
Làm đại lý bảo hiểm để “phát huy hết nguồn lực”
Tập đoàn Mai Linh dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tại TP HCM vào ngày 28/7 tới đây. Một trong các nội dung được trình lấy ý kiến là tờ trình bổ sung ngành nghề đại lý bảo hiểm vào hoạt động kinh doanh của công ty.
Giải trình với các cổ đông, Chủ tịch HĐQT Hồ Huy cho biết việc tham gia thêm vào lĩnh vực mới này nhằm nắm bắt cơ hội kinh doanh trong quá trình hoạt động thực tiễn, đồng thời, phát huy hết nguồn lực của Công ty để từ đó tạo ra thêm nguồn thu nhập hợp pháp và tạo thêm động lực cho CBNV trong tập đoàn.
Đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để giới thiệu, chào bán bảo hiểm, thu xếp giao kết hợp đồng, thu phí bảo hiểm, thu xếp giải quyết bồi thường,… Đối với tổ chức, ngoài cần đăng ký hoạt động, các nhân viên trong tổ chức còn phải đạt được chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Số lượng đại lý bảo hiểm hoạt động tại thị trường Việt Nam hiện nay khá lớn (gần 900.000 người theo cập nhật tại báo cáo thị trường bảo hiểm thường niên năm 2018).
Vốn mỏng vì lỗ lũy kế, tỷ lệ nợ gần 93%
Một lý do cũng được lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh nhắc đến khi quyết định lấn sân thêm mảng kinh doanh mới là đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh của công ty. Năm 2019 tiếp tục là một năm kinh doanh thua lỗ của Mai Linh. Theo bản báo cáo tài chính vỏn vẹn 8 trang của Mai Linh, doanh thu hoạt động kinh doanh giảm 8,8%, đạt 2.237 tỷ đồng. Dù biên lãi gộp được cải thiện, một số khoản chi phí lãi vay, bán hàng hay quản lý đều giảm, thu nhập khác cũng tăng…, Mai Linh vẫn lỗ ròng 6,3 tỷ đồng.
Với kết quả này, tập đoàn tiếp tục không chi trả cổ tức cho cổ đông. Năm 2018, công ty cũng quyết định không chi cổ tức do đang trong quá trình thực hiện việc hợp nhất doanh nghiệp.
Khoản lỗ năm 2019 cũng đồng thời kéo lỗ lũy kế doanh nghiệp vận tải taxi này lên 1.039 tỷ đồng, ăn mòn 83% quy mô vốn điều lệ của Mai Linh. Vốn chủ sở hữu do đó chỉ còn 340 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ vay lên gần 93%.
Dù chưa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm, nhưng tương tự các doanh nghiệp vận tải taxi, hoạt động của Mai Linh chịu tác động đáng kể vì dịch Covid-19. Vinasun, hãng taxi với quy mô doanh thu cũng gần 2.000 tỷ đồng trong năm trước, đã ghi nhận sự sụt giảm tới gần 50% về doanh thu và khoản lỗ ròng lên tới 128 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020.
Quy mô thị trường bị thu nhỏ vì giãn cách xã hội sẽ gây khó khăn nhiều hơn cho doanh nghiệp mà nguồn lực tài chính phụ thuộc phần lớn vào vốn vay. Đến cuối năm 2019, các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt, tiền gửi ngân hàng chỉ chưa đến 60 tỷ đồng, tương đương 1,14% tổng tài sản. Hơn 2.000 tỷ đồng tài sản của Mai Linh nằm ở các tài sản cố định. Ngoài ra, công ty cũng có gần 1.400 tỷ đồng khoản phải thu, gồm 974 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận