Maersk chi 1,4 tỷ USD mua tàu chạy bằng methanol trung hòa carbon
Maersk, hãng vận chuyển container đường biển lớn nhất thế giới, vừa đặt mua 8 tàu biển lớn có thể chạy bằng methanol trung hòa carbon.
Tập đoàn Đan Mạch cho biết tàu sẽ do Hyundai Heavy Industries (Hàn Quốc) đóng và mỗi tàu có khả năng chở khoảng 16.000 container. Theo một số báo cáo, tàu có giá 175 triệu USD/chiếc, tức tổng chi phí cho 8 tàu khoảng 1,4 tỷ USD, CNBC đưa tin.
Morten Bo Christiansen, trưởng bộ phận khử cacbon của Maersk, cho biết các tàu sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2024. “Khi đội tàu này chạy bằng methanol xanh, 1 triệu tấn CO2 sẽ được cắt giảm mỗi năm”.
Maersk cho biết những con tàu này sẽ có động cơ nhiên liệu kép, yếu tố khiến chi phí tăng. “Chi phí vốn bổ sung cho khả năng sử dụng nhiên liệu kép - cho phép vận hành bằng methanol cũng như nhiên liệu lưu huỳnh thấp thông thường - nằm trong khoảng 10-15% tổng giá thành”. Thỏa thuận với Hyundai Heavy Industries có tùy chọn thêm 4 tàu vào năm 2025.
Maersk nói sẽ vận hành các tàu “sử dụng e-methanol trung hòa carbon tức methanol sinh học bền vững càng sớm càng tốt”, nhưng cũng thừa nhận có những vấn đề cần khắc phục.
“Việc có đủ nguồn methanol trung hòa carbon từ ngày đầu tiên tàu đi vào hoạt động là một thách thức, vì đòi hỏi phải tăng cường sản xuất lượng lớn methanol trung hòa carbon thích hợp”.
Trung hoà carbon là khi một tấn khí CO2 thải ra được trung hoà bằng cách giảm cùng một lượng khí CO2 như vậy ở nơi khác.
Thông báo hôm thứ Ba được đưa ra vài ngày sau khi Maersk cho biết tập đoàn đã đảm bảo được nguồn cung cấp e-methanol “xanh” cho “tàu container đầu tiên trên thế giới hoạt động bằng nhiên liệu trung hòa carbon”, theo CNBC.
Tập đoàn cho biết European Energy của Đan Mạch và công ty con REintegrate sẽ thành lập một cơ sở sản xuất e-methanol trung hòa carbon để sử dụng cho tàu được thiết kế chạy bằng nhiên liệu này. Nhà máy sẽ sản xuất khoảng 10.000 tấn e-methanol cho tàu của Maersk hàng năm.
Sản xuất e-methanol, sử dụng năng lượng tái tạo và carbon dioxide sinh học, cho Maersk dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2023. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ mô tả các nguồn phát thải sinh học là “khí thải đến từ các nguồn tự nhiên”.
Tác động đến môi trường của ngành vận chuyển là đáng kể. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vào năm 2019, vận chuyển quốc tế - một ngành quan trọng trong nền kinh tế thế giới - chịu trách nhiệm cho khoảng 2% “lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu”.
Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới đang cố gắng cắt giảm lượng khí thải để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, ngành vận tải biển cần tìm ra những cách thức mới để giảm thiểu tác động đến môi trường.
Vào tháng 4, nhóm vận động Giao thông & Môi trường, có trụ sở tại Brussels, công bố một báo cáo trên phạm vi rộng về vận chuyển khử carbon. Một trong những điểm báo cáo nhấn mạnh là tầm quan trọng của nhiên liệu bền vững trong tương lai. Nghiên cứu của tổ chức này cho biết: “Để đạt được sự khử cacbon hoàn toàn trong lĩnh vực vận tải biển đòi hỏi một nguồn nhiên liệu tái tạo bền vững”.
Trong một động thái đáng chú ý khác của ngành vận tải hướng tới trung hòa carbon, giữa tháng 6, Nippon Yusen, hãng vận tải biển hàng đầu Nhật Bản, công bố sẽ đặt mua 12 tàu vận chuyển ô tô chạy bằng khí hóa lỏng (LNG), trị giá 912 triệu USD.
Đơn đặt hàng của Nippon Yusen là đơn hàng lớn nhất ở Nhật Bản đối với loại tàu chạy bằng LNG. Nikkei cho biết các nhà sản xuất ô tô muốn giảm phát thải carbon trong chuỗi cung ứng của họ, và động thái của Nippon Yusen phù hợp với xu hướng này.
Lượng khí thải carbon từ những con tàu này ít hơn 25% so với các tàu tương tự chạy bằng xăng. Nippon Yusen sẽ đặt hàng Shin Kurushima Dockyard và Nihon Shipyard, các công ty liên doanh giữa Imabari Shipbuilding và Japan Marine United, mỗi đơn vị đóng 6 tàu. Mỗi chiếc sẽ có sức chứa khoảng 7.000 xe.
Hiện thế giới chỉ có khoảng 10 tàu chuyên vận chuyển ô tô chạy bằng LNG trong tổng số khoảng 700 phương tiện loại này. Các nhà sản xuất ô tô đang cố gắng giảm lượng khí thải trong chuỗi cung ứng của họ. Các phương tiện vận chuyển sử dụng LNG đã là một yêu cầu trong đấu thầu đối với các công ty muốn hợp tác với Volkswagen của Đức.
Nippon Yusen có 120 tàu vận chuyển ô tô đang hoạt động tính đến tháng Ba. Chỉ một trong số chúng chạy bằng LNG. Đến cuối 2028, công ty đặt mục tiêu có 20 tàu chạy bằng loại nhiên liệu này. Chi phí làm một tàu loại này khoảng 10 tỷ Yên (gần 90,86 triệu USD), cao hơn 20% so với phiên bản chạy xăng.
Ngành công nghiệp đóng tàu đang phát triển các công nghệ giảm thiểu khí thải carbon, trong đó có việc sử dụng amoniac và hydro, dự kiến sẽ được thương mại hóa sớm nhất vào cuối thập kỷ này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận