M&A: Nhà đầu tư Việt đang gia tăng mua lại
Cho dù dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề và làm trì trệ nhiều dòng đầu tư nhưng ở Việt Nam vẫn có nhiều thương vụ M&A lớn được tiến hành. Đặc biệt, các nhà đầu tư ngoại vẫn lặng lẽ thực hiện những thương vụ sinh lời.
M&A vẫn "hot" tại thị trường Việt Nam
COVID-19 đã làm cho hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) thế giới năm nay giảm sâu. Tổng giá trị M&A toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2020 là 901,7 tỷ USD, giảm 52% so với cùng kỳ năm trước; với 6.943 thương vụ, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng ở thị trường Việt Nam, “các nhà đầu tư không ngừng nghỉ, họ vẫn đang chờ cơ hội để thực hiện thương vụ sinh lời”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói.
Tại cuộc họp báo về Diễn đàn M&A 2020 (sự kiện sẽ được tổ chức vào ngày 24/11 tới đây), ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết: “Việt Nam là thị trường ít bị ảnh hưởng nhất Đông Nam Á”.
Theo báo cáo tóm tắt xu hướng M&A của Mergermarket, trong nửa đầu năm 2020, Việt Nam đứng thứ hai ở Đông Nam Á về giá trị giao dịch M&A, với tổng giá trị giao dịch là 872 triệu USD.
Trong năm 2020 này đã có những thương vụ đáng kể như Tập đoàn Danh Khôi dùng 920 triệu USD mua lại 100% dự án Sun Frontier từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier của đầu tư Nhật Bản. Quỹ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) đầu tư vào Vinhomes 651 triệu USD. Stark Corporation - một tập đoàn của Thái Lan đã mua 100% cổ phần của CTCP Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cables) và CTCP Kim loại màu và nhựa đồng Việt Nam (Dovina)…
Không chỉ là những thương vụ mua trực tiếp, mà đã xuất hiện xu hướng đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần. Trong đó có thể kể đến thương Sumitomo Lifen mua thêm 41.436.330 cổ phần BVH, nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Sumitomo Life tại Bảo Việt lên 22,09% và thương vụ ngân hàng Aozora đã bỏ 139 triệu USD để mua 15% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Phương Đông. Cả hai thương vụ này đều do nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 10/2020 đã có 5.451 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 6,11 tỷ USD.
Trong giai đoạn 6/2019 - 10/2020, các ngành chủ yếu thu hút các thương vụ M&A là: Bất động sản, Tài chính - Ngân hàng, Công nghiệp, Bán lẻ, Logistics, Nông nghiệp, Dược phẩm - Y tế, Xây dựng. Tham gia tích cực nhất là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore.
Giới đầu tư và chuyên gia phân tích dự báo hoạt động M&A dự kiến trong năm 2020 ước vào khoảng 3,5 tỷ USD (bằng 48,6% so với năm 2019).
Nhưng các chuyên gia, giới đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn tin vào sức bật của thị trường M&A trong giai đoạn hậu COVID-19 và thị trường có thể phục hồi ở năm 2021 với giá trị vào khoảng 4,5 - 5 tỷ USD.
Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn vì khống chế tốt COVID-19. Việt Nam là quốc gia hấp dẫn nhất Đông Nam Á để nhà đầu tư gia nhập hoặc mở rộng đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Cổ phần hóa và thoái vốn thời gian tới sẽ tốt lên. Và tới đây có thể sẽ có một số doanh nghiệp đã suy kiệt vì COVID-19, không cầm cự được nữa phải bán đi. Đó là những yếu tố để M&A tới đây sẽ sôi động trở lại.
Nhưng với những thương vụ M&A đã tiến hành và với dự báo về xu hướng M&A sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới, nhiều người đã tỏ ra lo ngại doanh nghiệp Việt bị thâu tóm, các doanh nghiệp tiềm năng sẽ rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã từng cảnh báo doanh nghiệp tiềm năng, doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, có thị phần nhất định và có vai trò dẫn dắt một số ngành quan trọng có thể bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu vắng đi doanh nghiệp nội địa mạnh, kinh tế khó có động lực tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó là lo ngại M&A bị lợi dụng để đầu tư núp bóng.
Thipha Cables và Dovina vừa mới vào tay nhà đầu tư Thái Lan lại càng củng cố thêm lo ngại đó, do đây là các doanh nghiệp nằm trong Top 100 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Nhà đầu tư Việt đang gia tăng mua lại
M&A là một xu hướng tốt nhưng để bảo vệ một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và giữ được những doanh nghiệp tiềm năng thì cần có sự giám sát chặt chẽ quá trình mua cổ phần, góp vốn của nhà đầu tư ngoại. Đặc biệt là việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngân hàng, dầu khí, hàng không, năng lượng…
Bên cạnh đó, cũng nên chọn người mua nhìn trên các yếu tố công nghệ, năng lực tài chính, khả năng đóng góp vào phát triển kinh tế nội địa… Để bảo vệ các ngành kinh tế quan trọng, doanh nghiệp trọng điểm, chính phủ Ấn Độ, Nhật, Italy, Đức, Tây Ban Nha… đã có biện pháp để kiểm soát và ngăn chặn việc thâu tóm của nhà đầu tư Trung Quốc. Để bảo vệ các ngành kinh tế quan trọng, Nhật Bản đã lên danh sách 500 công ty trong nước phải chịu kiểm soát nghiêm ngặt đối với sở hữu nước ngoài.
Cần có biện pháp để bảo vệ những lĩnh vực trọng yếu, những doanh nghiệp trọng điểm nhưng cũng không nên quá lo hãi mà ngăn cản hoạt động M&A.
“Luật Đầu tư sửa đổi đã bắt đầu tính đến các biện pháp để phòng ngừa. Dự thảo Luật đã đưa ra các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận một số ngành nghề, lĩnh vực”, ông Phan Đức Hiếu cho biết.
Và Phó viện trưởng CIEM chỉ ra những dấu hiệu tích cực trong các thương vụ M&A gần đây, đó là đã có nhiều thương vụ mà nhà đầu tư Việt đang mua lại từ nhà đầu tư nước ngoài. Có thể kể đến Tập đoàn Danh Khôi mua lại 100% dự án Sun Frontier từ tay nhà đầu tư Nhật Bản. “Tỷ trọng Việt - Việt, Việt - nước ngoài trong các thương vụ đang tăng”, ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó là xu hướng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ động mua doanh nghiệp ở nước ngoài để làm đầu cầu nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam thay vì tự tìm các đầu mối ở thị trường xuất khẩu đang gia tăng. Và đã có nhiều thương vụ trở thành các chuỗi trong nước để tăng sức chống chọi đã xuất hiện trong ngành bán lẻ và sản xuất…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận