M&A khởi sắc?
Sau 6 tháng thê thảm, hoạt động M&A trong tháng 7 đã khởi sắc. Liệu đây có phải là xu hướng dài hạn?.
Kể khi dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên khắp thế giới, các doanh nghiệp hứng thú với cuộc chơi M&A dường như cũng tự “cách ly xã hội”. Bằng chứng là chưa bao giờ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, hoạt động M&A lại chìm lắng như vậy. Những tưởng sự im ắng này sẽ kéo dài trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Nhưng một loạt thương vụ được công bố trong tháng 7 cho thấy các luật sư và ông chủ ngân hàng chuyên thu xếp các thương vụ M&A đang muốn hâm nóng thị trường.
Vào ngày 20.7.2020, Chevron tuyên bố sẽ trả 13 tỉ USD mua lại Noble Energy, một đối thủ nhỏ hơn trong ngành dầu khí. Một ngày sau đó, Adevinta (Na Uy) cho biết sẽ triển khai chiến lược bành trướng bằng cách thâu tóm một công ty thuộc eBay trị giá 9,2 tỉ USD. Trước đó một tuần, Analog Devices đồng ý trả 19,8 tỉ USD để mua lại hãng sản xuất chip Maxim Integrated.
Đây là sự thay đổi hoàn toàn so với không khí ế ẩm hồi đầu năm. Những ngày đầu năm 2020, hoạt động M&A chỉ có dấu hiệu suy giảm nhẹ nhưng đến khi COVID-19 lan sang châu Âu và Mỹ vào tháng 3 thì ác mộng cũng bắt đầu. Tổng giá trị M&A trong quý II chỉ đạt 309,2 tỉ USD, giảm 69% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất hằng quý trong lịch sử ghi nhận (từ năm 2006) của Mergermarket. Số lượng thương vụ giảm 49% còn 2.634 thương vụ, mức thấp nhất hằng quý kể từ quý III/2009.
“Chúng ta đã bắt đầu thấy được tác động của dịch COVID-19 lên thị trường M&A. Hoạt động M&A quý I ì ạch, nhưng quý II lại cực kỳ thê thảm cả về số lượng thương vụ lẫn giá trị”, chuyên gia phân tích Grace Maral Burnett, thuộc Bloomberg Law nhận định.
Phần lớn sự suy giảm về giá trị thương vụ là do sự co cụm của các thương vụ lớn. Chỉ có 9 thương vụ lớn (trị giá từ 5 tỉ USD trở lên) trong quý II, tổng cộng 78,2 tỉ USD, so với 25 thương vụ lớn với giá trị 461,1 tỉ USD của cùng kỳ năm ngoái. Xét cả 6 tháng đầu năm, có 31 thương vụ lớn, giảm 39% so với cùng kỳ, trong khi tổng giá trị là 296,9 tỉ USD, giảm 69%.
Vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp lo bảo toàn vốn hơn là tìm nơi để chi tiêu. Tình trạng không chắc chắn của các mục tiêu thâu tóm tiềm năng cũng khiến cho việc tiến hành thương vụ đi kèm với rủi ro không nhỏ. Những thương vụ thâu tóm M&A phức tạp, nghĩa là các thương vụ quy mô lớn có thể mất hơn 1 năm mới có thể hoàn tất, lại càng rủi ro khi phải thực hiện qua các ứng dụng như Zoom hay qua trao đổi điện thoại trong thời kỳ cách ly xã hội. Giới chức trách chịu trách nhiệm phê duyệt các thương vụ này lại đang lo đối phó trận dịch chết người.
Rất nhiều thương vụ đã lên kế hoạch nhưng bị hủy bỏ vào phút cuối. Ngày 31.3, Xerox đã rút khỏi thương vụ thâu tóm đối thủ HP trị giá 35 tỉ USD. “Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện tại, cùng sự hỗn loạn thị trường và kinh tế vĩ mô do dịch COVID-19 gây ra” là lý do công ty này quyết định từ bỏ thương vụ. Boeing cũng tạm gác thương vụ thâu tóm phần lớn bộ phận hàng không thương mại của Emaer vào tháng 4 sau khi triển vọng trở nên u ám do dịch tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch qua đường hàng không.
Nhưng COVID-19 không hoàn toàn ngăn được bản năng săn mồi của những gã khổng lồ. T-Mobile và Sprint, 2 tập đoàn khai thác di động Mỹ, đã sáp nhập như kế hoạch vào tháng 4, khi ước tính lợi ích của việc sáp nhập sẽ vượt lên trên cả những rủi ro. Just Eat và Grubhub tuyên bố một vụ bắt tay trong mảng giao nhận thực phẩm vào tháng 6. Thương vụ Aon mua lại Willis Towers Watson, một hãng bảo hiểm nhỏ hơn, với giá 30 tỉ USD vẫn tiến hành như kế hoạch. Một phần là do một số bên bán đã đồng ý cấp những điều khoản tốt hơn cho người mua. Nhưng không vì vậy mà các luật sư lơ là những yếu tố có thể gây bất lợi cho "thân chủ" do ảnh hưởng của dịch.
Một ví dụ là ngày 18.7.2020, EssilorLuxottica, một tập đoàn kính mắt châu Âu, đã kiện GrandVision, một nhà bán lẻ mà Hãng đã đồng ý thâu tóm cách đây 1 năm, nói rằng Tập đoàn đã không được cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình giao dịch gần đây. GrandVision bác bỏ cáo buộc trên, nhưng thực tế là cổ phiếu của GrandVision hiện được giao dịch dưới mức giá mà đã thỏa thuận mua lại trước đó.
Một làn sóng COVID-19 thứ 2 có thể khiến cho đà M&A mới khởi sắc một lần nữa trở nên ảm đạm. Đó còn là chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, vốn đang ngăn cản các thương vụ giao dịch xuyên biên giới. “Với những mối quan ngại về làn sóng COVID-19 thứ 2, cuộc khủng hoảng năng lượng, bất ổn xã hội, rõ ràng mọi thứ đang diễn tiến theo những cách khó lường. Vì thế, tôi nghĩ sẽ an toàn khi nói rằng quý III sẽ không phải là một quý khả quan, nhưng chính xác như thế nào thì tôi không biết được”, chuyên gia phân tích Grace Maral Burnett nhận xét.
Nhưng các ông chủ ngân hàng trong lĩnh vực M&A lại tỏ ra lạc quan về những tháng còn lại của năm. Các công ty mà lợi nhuận vẫn còn duy trì tốt có khả năng sẽ là những công ty đầu tiên quay trở lại sân chơi M&A, theo Eamon Brabazon, đồng đứng đầu bộ phận M&A thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi thuộc Ngân hàng Bank of America.
Với những lựa chọn tốt để xuống tiền đã trở nên khan hiếm, các tổ chức tín dụng rất hào hứng tài trợ vốn cho những thương vụ ra giá mua lại bởi các công ty có tiềm lực mạnh. Các quỹ đầu tư tư nhân có thể dùng đến số tiền kỷ lục 1.500 tỉ USD mà nhà đầu tư của họ rót vào, theo tổ chức dữ liệu Prequin. Họ đang mặc cả các thương vụ. Thậm chí điều kiện kinh tế ảm đạm trên toàn cầu đang cho những kẻ thâu tóm một lợi thế khi buộc các mục tiêu bị thâu tóm vì đường cùng phải chấp nhận bán mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận