M&A bất động sản sôi động nửa cuối năm
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang tái cấu trúc nguồn vốn cho các hoạt động M&A được dự báo sẽ sôi động trong nửa cuối năm 2024.
Theo báo cáo mới nhất, MBS Research kỳ vọng hoạt động M&A các dự án bất động sản sẽ là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh địa ốc năm 2024, đặc biệt khi sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn còn yếu và chưa tiếp cận được nguồn vốn.
Tiếp tục sôi động
Thời gian qua, thị trường bất động sản đã chứng kiến hàng loạt thương vụ nhà đầu tư ngoại “bắt tay” hợp tác cùng doanh nghiệp trong nước để triển khai các dự án thông qua hình thức M&A. Điển hình như dự án Một thế giới – The One World tại Bình Dương khi Kim Oanh Group đã ký kết hợp tác với các tập đoàn danh tiếng Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi và NTT Urban Development để triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Vào giữa tháng 12/2023, UBND tỉnh Bình Dương đã cho phép Becamex IDC chuyển nhượng dự án Khu đô thị - nhà ở phức hợp Tân Thành Bình Dương cho Sycamore - doanh nghiệp thuộc CapitaLand với tổng mức đầu tư dự án khoảng 13.645 tỷ đồng.
Theo đơn vị nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam, trong bối cảnh những khó khăn về tài chính chưa được tháo gỡ hoàn toàn như hiện nay, các doanh nghiệp địa ốc Việt Nam buộc phải cơ cấu lại sản phẩm lẫn danh mục đầu tư. Theo các chuyên gia, đây sẽ là động lực để thu hút dòng vốn của các công ty trong nước có tiềm lực tài chính hoặc các nhà đầu tư nước ngoài.
Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, hiện nay nhà đầu tư ngoại bắt đầu chuyển vốn vào các dự án bất động sản theo hình thức mua lại cổ phần. Thời điểm hiện nay chính là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài có sẵn nguồn tiền và họ chờ đợi để có thể bắt đầu thu gom, mua hoặc đầu tư vào các dự án đang cần nguồn vốn.
Thị trường sáng hơn vào nửa cuối năm
Với niềm tin vào môi trường đầu tư ổn định ở Việt Nam nói chung và ngành địa ốc nói riêng, các nhà đầu tư quốc tế đánh giá Việt Nam là địa điểm kinh doanh hấp dẫn với nhiều chính sách thuận lợi, tiềm năng tăng trưởng tích cực và phù hợp cho mục đích đầu tư lâu dài. Điều này càng khiến thị trường M&A bất động sản của Việt Nam được chú ý hơn.
Theo dự kiến, một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2026, cùng với đó là nhiều giao dịch đang trong quá trình đàm phán tích cực. Đặc biệt khi Luật Đất đai sớm có hiệu lực được kỳ vọng có thể rút ngắn thời gian thủ tục pháp lý triển khai dự án và cải thiện nguồn cung cho thị trường.
Ngoài đầu tư nước ngoài thông thường, theo nhóm phân tích của MBS Research, thị trường cũng sẽ có thêm động lực phục hồi nhờ dòng tiền đầu tư của kiều hối bởi Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới đáng chú ý như việc mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều.
“Sự thay đổi về quy định luật tạo nên tiềm năng lớn cho thị trường nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt kiều. Trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại Việt Nam phải thông qua người thân hoặc họ hàng vì thế đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Luật mới sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư”, ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam bày tỏ.
Một yếu tố khác cũng hỗ trợ cho thị trường này là chính sách lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo đó, có khả năng FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào thời điểm cuối năm nay. Nếu thành hiện thực, điều này sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường M&A Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Bởi chi phí vốn rẻ hơn ở Mỹ sẽ kích thích các khoản đầu tư sang những thị trường mới nổi nhiều tiềm năng như Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận