Lý thuyết phát triển theo mô hình đàn nhạn bay là gì?
Trong kinh tế, có nhiều lý thuyết phát sinh từ những ý tưởng và quan sát rất thú vị. Hãy cùng tiếp tục tìm hiểu thêm một số lý thuyết có tên gọi độc lạ dưới đây.
Câu hỏi 1: Lý thuyết phát triển theo mô hình đàn nhạn bay (Flying geese paradigm - FGP) là gì?
Xem đáp án
Lí thuyết phát triển theo mô hình đàn nhạn bay (tiếng Anh: Flying geese paradigm - FGP) lý giải sự "bắt kịp" (catch up) của các nước đang phát triển đối với các nước tiên tiến.
Trong sự đuổi kịp này, vấn đề cơ cấu ngành có ý nghĩa quan trọng. Quá trình "bắt kịp" này được chia thành 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: các nước kém phát triển nhập hàng công nghiệp chế biến từ các nước phát triển và xuất khẩu trở lại một số sản phẩm thủ công, nông nghiệp.
- Giai đoạn 2: Các nước chậm phát triển tiếp nhận đầu tư của các nước phát triển để tự chế tạo lấy các hàng hóa công nghiệp tiêu dùng mà trước đây vẫn phải nhập. Ðây là giai đoạn tích lũy tư bản và mô phỏng công nghệ chế tạo của các nước phát triển.
- Giai đoạn 3: những sản phẩm công nghiệp thay thế nhập khẩu ở giai đoạn 2 đã có thể trở thành những sản phẩm xuất khẩu. Khoảng cách giữa những nước đi sau với các nước phát triển không còn bao xa, vì vậy mà số lượng và quy mô mặt hàng xuất khẩu ngày càng mở rộng.
- Giai đoạn 4: xuất khẩu hàng công nghiệp tiêu dùng bắt đầu giảm xuống, nền công nghiệp đã đạt trình độ ngang bằng với các nước phát triển và bắt đầu chuyển giao một số sản phẩm công nghiệp tiêu dùng cho các nước kém phát triển hơn.
Câu hỏi 2: Lý thuyết hộp Darvas (Darvas Box Theory) là gì?
Xem đáp án
Lý thuyết hộp Darvas (tiếng Anh: Darvas Box Theory) là một chiến lược giao dịch được phát triển bởi Nicolas Darvas để nhắm mục tiêu sử dụng các cổ phiếu được giao dịch ở mức cao và khối lượng lớn làm chỉ số chính.
Darvas đã phát triển lý thuyết của mình vào những năm 1950 khi đi du lịch khắp thế giới với tư cách là một vũ công khiêu vũ chuyên nghiệp. Kỹ thuật giao dịch của Darvas liên quan đến việc mua vào các cổ phiếu đang giao dịch ở mức cao mới, và vẽ một hộp xung quanh các mức cao và thấp gần đây để thiết lập điểm vào và vị trí của lệnh dừng lỗ (stop-loss order).
Một cổ phiếu được coi là nằm trong hộp Darvas khi mức giá của nó tăng cao hơn mức cao trước đó nhưng lại giảm xuống mức giá không quá thấp so với mức cao đó.
Lý thuyết hộp Darvas là loại chiến lược động lượng. Lý thuyết hộp Darvas sử dụng lí thuyết động lượng thị trường cùng với phân tích kỹ thuật để xác định thời điểm tham gia và thoát khỏi thị trường. Hộp Darvas là một chỉ báo khá đơn giản được tạo bằng cách vẽ một đường dọc theo mức thấp và mức cao để tạo ra hộp.
Khi bạn cập nhật mức cao và mức thấp theo thời gian, bạn sẽ thấy các hộp tăng hoặc hộp giảm. Lí thuyết hộp Darvas đưa ra gợi ý chỉ giao dịch các hộp tăng và sử dụng mức cao của các hộp bị vi phạm để cập nhật các lệnh dừng lỗ.
Mặc dù là một chiến lược kỹ thuật chủ yếu, lý thuyết hộp Darvas phiên bản hình thành ban đầu đã bao gồm một số phân tích cơ bản để xác định cổ phiếu mục tiêu. Darvas tin rằng phương pháp của ông hoạt động tốt nhất khi áp dụng cho các ngành công nghiệp có tiềm năng lớn nhất để kích thích các nhà đầu tư và người tiêu dùng với các sản phẩm mang tính cách mạng. Ông cũng thích các công ty cho thấy thu nhập mạnh mẽ theo thời gian, đặc biệt nếu tổng thể thị trường đang khó khăn.
Lý thuyết hộp Darvas khuyến khích các nhà giao dịch tập trung vào các ngành tăng trưởng, nghĩa là các ngành mà các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ vượt trội so với thị trường chung. Khi phát triển hệ thống, Darvas đã chọn một vài cổ phiếu từ các ngành này và theo dõi giá cả và giao dịch của chúng mỗi ngày. Trong khi giám sát các cổ phiếu này, Darvas đã sử dụng khối lượng giao dịch là dấu hiệu chính cho việc liệu một cổ phiếu có xu hướng bứt phá mạnh mẽ hay không.
Khi Darvas nhận thấy có khối lượng giao dịch bất thường, ông đã tạo ra một hộp Darvas với phạm vi giá hẹp dựa trên mức cao và thấp gần đây của các phiên giao dịch. Bên trong mỗi hộp, giá thấp của cổ phiếu trong một khoảng thời gian nhất định đại diện cho sàn và mức cao đại diện cho trần.
Khi cổ phiếu phá vỡ trần của hộp hiện tại, Darvas sẽ mua cổ phiếu và sử dụng trần của hộp bị vi phạm làm điểm dừng lỗ. Khi nhiều hộp bị vi phạm, Darvas sẽ giao dịch thêm và chuyển lệnh dừng lỗ lên. Giao dịch thường kết thúc khi lệnh dừng lỗ được kích hoạt.
Câu hỏi 3: Lý thuyết nhị nguyên (Arthur Lewis' Dualism) là gì?
Xem đáp án
Lý thuyết nhị nguyên (tiếng Anh: Arthur Lewis' Dualism) do A. Lewis chủ xướng. Lý thuyết này cho rằng ở các nền kinh tế có hai khu vực kinh tế song song tồn tại.
- Khu vực truyền thống, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và có đặc trưng là rất trì trệ, năng suất lao động rất thấp (năng suất lao động biên tế xem như bằng không) và lao động dư thừa;
- Khu vực công nghiệp hiện đại có đặc trưng năng suất lao động cao và có khả năng tự tích lũy.
Do lao động dư thừa nên việc chuyển một phần lao động thặng dư từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp không gây ảnh hưởng gì đến sản lượng nông nghiệp.
Do có năng suất lao động cao và tiền công cao hơn nên khu vực công nghiệp thu hút lao động dư thừa từ khu vực nông nghiệp chuyển sang, và do lao động trong khu vực nông nghiệp quá dư thừa và tiền công thấp hơn nên các ông chủ công nghiệp có thể thuê mướn nhiều nhân công mà không phải tăng thêm tiền công, lợi nhuận của các ông chủ ngành càng tăng;
Giả định rằng toàn bộ lợi nhuận sẽ được đem tái đầu tư thì nguồn tích lũy để mở rộng sản xuất trong khu vực công nghiệp ngày càng tăng lên.
Như vậy, có thể rút ra từ lý thuyết này một nhận định là để thúc đẩy sự phát triển, các quốc gia đang phát triển cần phải mở rộng khu vực công nghiệp hiện đại bằng mọi giá mà không quan tâm đến khu vực truyền thống.
Sự tăng trưởng của khu vực công nghiệp tự nó sẽ thu hút hút hết lượng lao động dư thừa trong nông nghiệp chuyển sang và từ trạng thái nhị nguyên, nền kinh tế sẽ chuyển sang một nền kinh tế công nghiệp phát triển.
Bình luận