Lý giải việc thép cán nguội từ Việt Nam bị Mỹ áp thuế hơn 400%
Việc Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định áp thuế chống lẩn tránh thuế mức 456,23% đối với thép cán nguội và tôn mạ nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn nguyên liệu sử dụng được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan là bước tiếp theo sau quyết định áp thuế chống bán phá giá gần 200% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép cán nguội sản xuất tại Việt Nam bằng thép chất nền có xuất xứ Trung Quốc trước đó.
Hôm 2-7, Hiệp hội thép Việt Nam nhận được thông tin từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về việc quyết định áp thuế sơ bộ mức 456,2% đối với hai sản phẩm nêu trên có nguồn gốc xuất khẩu đi từ Việt Nam. Dù chưa biết chính xác quyết định áp thuế chống lẩn tránh thuế sơ bộ được bắt đầu thực hiện từ ngày nào, nhưng theo thông lệ các vụ việc trước đó thì thường áp dụng sau 15 ngày kể từ ngày ra thông báo. Còn việc áp thuế chính thức sẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay.
Vụ việc được 6 doanh nghiệp sản xuất thép Mỹ (California Steel Industries, AK Steel...) và Hiệp hội Thép Mỹ khởi xướng từ tháng 7-2018 với cáo buộc các nhà sản xuất thép trong hai lĩnh vực trên sử dụng các nguyên liệu đầu vào chính từ Hàn Quốc và Đài Loan, khiến lượng sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam tăng đột biến 331% và 916% so với các năm trước đó.Các sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ có nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan sẽ phải chịu mức thuế này. Mức thuế này được xem là mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất từ trước đến nay DOC dành cho các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam trong những năm gần đây.
Hiện các doanh nghiệp có nhà máy đặt tại Việt Nam như Posco VST (100% vốn Hàn Quốc), Tôn Hoa Sen và một số doanh nghiệp khác đang sản xuất các sản phẩm nói trên để xuất khẩu.
Theo thông tin của TBKTSG Online, tuy mức thuế áp bị phía Mỹ đưa ra rất cao nhưng trên thực tế các doanh nghiệp Việt Nam đã có thời gian dài chuẩn bị đối phó với vụ kiện này. Ngay từ khi vụ kiện được thông báo, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) và các doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào các cuộc trả lời, bảng hỏi của bên khởi xướng điều tra.
Ban đầu, hồi tháng 7-2017, khi Cơ quan chống gian lận của Ủy ban châu Âu (OLAF) phát hiện thép Trung Quốc vận chuyển qua Việt Nam lấy mác “Made in Vietnam” để tránh bị đánh thuế theo quy định của EU bằng cách lấy giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ Việt Nam cho sản phẩm thép chống gỉ thì nhập khẩu thép từ Việt Nam sau châu Âu tăng mạnh. Chiều ngược lại, thép Trung Quốc không thể xuất khẩu qua EU vì thuế đánh rất mạnh vào các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Từ những phát hiện nêu trên, DOC cũng có cuộc điều tra riêng để chống lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm thép từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ. Tháng 5-2018, DOC đã quyết định áp thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất tại Việt Nam có thép nền sản phẩm từ Trung Quốc. Các mặt hàng có liên quan cũng chịu mức thuế cao: thép chống gỉ chịu thuế chống bán phá giá gần 200% và thuế chống trợ cấp 49,05%.
Trước tình hình này, các nhà sản xuất thép có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đặt nhà máy tại Việt Nam đã chuyển hướng sản xuất thép cán nguội, tôn mạ... từ các nguyên liệu đầu vào bởi các nhà cung cấp Hàn Quốc và Đài Loan. Nhiều nhà sản xuất chọn nguyên liệu đầu vào nguồn gốc tại Việt Nam và Nhật Bản. Riêng tại Việt Nam, thép cán nguội có đầu vào là thép cán nóng được các doanh nghiệp mua từ nhà máy Formosa (Hà Tĩnh) khi nhà máy này đi vào sản xuất hồi tháng 6-2017.
Tuy nhiên, đến nay chưa có bất cứ thống kê nào của Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết có bao nhiêu tấn thép xuất khẩu sang Mỹ có nguồn nguyên liệu đầu vào từ thép cán nóng trong nước. Phía Mỹ cũng không có quy định cụ thể hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm thép nói trên có bao nhiêu phần trăm buộc phải từ các quốc gia xuất khẩu hoặc bao nhiêu phần trăm từ các quốc gia bị đánh thuế thì chịu mức thuế cao.
Bốn tháng đầu năm nay, tác động của việc đánh thuế và chuẩn bị đánh thuế đã khiến cho lượng thép cán nguội và tôn mạ xuất khẩu đi Mỹ giảm 30% so với cùng kỳ những năm trước. Hai sản phẩm nói trên trước đó chiếm 10% đến 12% tổng sản lượng xuất khẩu thép Việt Nam nói chung và ngày càng giảm
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận