Lý giải về hiện tượng tăng trưởng cao và lạm phát thấp của Mỹ
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, Mỹ đã liên tục thực hiện trợ cấp tiền mặt quy mô lớn, cùng nhiều biện pháp giảm thuế và kế hoạch bảo vệ tiền lương.
Đáng chú ý, Đạo luật Hỗ trợ, Cứu trợ và An ninh Kinh tế (CARES) ban hành vào tháng 3/2020 đã cung cấp 1.200 USD cho mỗi người dân, Đạo luật Giảm thuế Liên quan đến COVID (CRTR) vào tháng 12/2020 đã phân bổ 600 USD cho mỗi người và Đạo luật ARP (Kế hoạch Giải cứu Mỹ) ban hành tháng 3/2021 phân bổ 1.400 USD cho mỗi người. Cùng thời điểm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thực hiện nới lỏng định lượng, nhanh chóng hạ lãi suất về 0 thông qua hai hoạt động khẩn cấp, duy trì lập trường này cho đến tháng 3/2022.
Theo các nguyên tắc cơ bản của kinh tế học, Mỹ sẽ phải trải qua tình trạng lạm phát đáng kể trong giai đoạn sau đại dịch. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gây bối rối cho các nhà kinh tế toàn cầu. Năm 2023, quốc gia này đã trải qua giai đoạn có tốc độ tăng trưởng cao đi kèm lạm phát thấp.
Theo ước tính vừa công bố mới đây của Bộ Thương mại Mỹ, mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm 2023 của nước này là 2,5%, vượt qua mức tăng trưởng 1,9% vào năm 2022. Dựa trên ước tính đồng thuận của FactSet, các nhà kinh tế dự đoán tỷ lệ lạm phát chung hàng năm đo lường vào tháng 12/2023 sẽ tăng nhẹ từ mức 3,1% của tháng trước lên 3,2%. Đáng chú ý, Chí số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm đáng kể so với mức đỉnh 6,5% vào tháng 12/2022.
Điều này xảy ra khi lãi suất của Mỹ liên tục tăng và chính sách tiền tệ bị thắt chặt nhất trong nhiều thập kỷ. Vào năm 2023, Fed đã tổ chức 8 cuộc họp lãi suất định kỳ theo thông lệ. Trong số đó, tại bốn cuộc họp từ tháng 3-7/2023, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã quyết định nâng lãi suất và tại bốn cuộc họp khác lãi suất vẫn được giữ nguyên. Tính từ tháng 3/2022, khi đợt tăng lãi suất đầu tiên xuất hiện, cho đến tháng 7/2023, Fed đã tăng lãi suất 11 lần, tích lũy mức tăng 525 điểm cơ bản. Mặc dù việc tăng lãi suất nhiều lần có nguy cơ gây ra tổn hại cho tăng trưởng kinh tế, nhưng Fed cho rằng điều đó là cần thiết trong bối cảnh lạm phát liên tục tăng cao hơn trong thời gian dài hơn.
Người sáng lập Cơ quan tham vấn độc lập Anbound Consulting (Anbound) có trụ sở tại Bắc Kinh, Kung Chan, nhận định yếu tố then chốt dẫn đến việc nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng trong khi lạm phát hạ và lãi suất tăng là sự vững mạnh của thị trường lao động nội địa. Yếu tố này đã giúp làm tăng thu nhập và tiêu dùng của người dân, nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tỷ giá hối đoái của đồng USD, làm cho hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn và kiềm chế lạm phát.
Trong bối cảnh phi toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, Chính phủ Mỹ đã thực hiện nhiều chính sách công nghiệp và công nghệ, trong đó nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn quay trở lại quê hương, phù hợp với chính sách “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) mà cựu Tổng thống Donald Trump đã theo đuổi trong suốt nhiệm kỳ của mình. Đáng chú ý, Chính phủ Mỹ hiện thời đã ban hành bốn đạo luật lớn, bao gồm Đạo luật ARP, Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng (IIJA), Đạo luật CHIPS và Khoa học và Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), cung cấp khoảng 550 tỷ USD hỗ trợ cho các ngành công nghiệp như chất bán dẫn (chip) và ô tô điện. Tổng chi tiêu có thể đạt 1.300 tỷ USD trong tương lai.
Những chính sách này của ngành công nghệ đã dẫn đến sự tăng trưởng đáng kể trong chi tiêu xây dựng sản xuất và đầu tư thực tế của Mỹ. Tính đến tháng 9/2023, chi tiêu xây dựng hàng năm được điều chỉnh theo mùa đạt 19.965 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng đáng kể trong chi tiêu sản xuất, đóng góp 48% vào mức tăng trưởng chung. Tốc độ tăng trưởng hàng tháng so với cùng kỳ năm ngoái đã liên tục vượt quá 60% kể từ đầu năm 2023.
Tuy nhiên, bất chấp việc thị trường lao động Mỹ rất mạnh mẽ nhưng đến tháng cuối năm 2023, thị trường này vẫn chứng kiến sự sụt giảm do lãi suất tăng nhiều lần, duy trì ở mức tổng thể cao trong suốt cả năm. Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ, tổng số việc làm mới trong năm 2023 là 2,7 triệu việc làm, với mức tăng trung bình hàng tháng là 225.000 việc làm, tốc độ tăng trưởng cao hơn trước đại dịch COVID-19. Các ngành công nghiệp thuộc chính phủ như y tế, giải trí và khách sạn là những lĩnh vực chính thúc đẩy tăng trưởng việc làm. Vào năm 2023, chính phủ đã tạo thêm trung bình 56.000 việc làm mỗi tháng, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 23.000 việc làm mỗi tháng vào năm 2022. Tuy nhiên, nhìn vào số lượng việc làm mới được thêm vào trong ba tháng liên tiếp, con số này cuối cùng đã giảm xuống còn 165.000 vào cuối năm 2023, đạt mức thấp mới kể từ tháng 1/2021 và thấp hơn nhiều so với mức 334.000 việc làm vào đầu năm 2023.
Ngoài ra, vào tháng 12/2023, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Mỹ là 62,5%, gần như không thay đổi so với đầu năm ở mức 62,4%, duy trì ở mức cao trong suốt cả năm, chênh lệch 0,8 điểm phần trăm so với tháng 2 năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng từ 3,4% vào đầu năm 2023 lên 3,7%, tăng 0,3 điểm phần trăm. Trong bối cảnh lịch sử hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp lịch sử. Tiền lương hàng tháng trong tháng 12/2023 cũng tăng nhẹ: thu nhập trung bình mỗi giờ của nhân viên phi nông nghiệp ở Mỹ tăng 0,4%, đạt 34,27 USD. Trong 12 tháng của năm 2023 thu nhập trung bình mỗi giờ đã tăng 4,1%.
Do tỷ lệ việc làm và tăng trưởng tiền lương tăng lên, thu nhập của người dân Mỹ đã được nâng lên đáng kể, hỗ trợ tiêu dùng hàng năm tăng trưởng nhanh chóng, mặc dù có một số biến động. Theo dữ liệu liên quan, các chỉ số chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong quý IV/2023 hầu hết đều giảm so với quý trước, với tỷ lệ hàng năm được điều chỉnh theo mùa là 2,8%, cho thấy mức giảm so với quý trước nhưng vẫn vượt qua kỳ vọng của thị trường.
Trong bối cảnh cơ sở thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng so với cùng kỳ năm ngoái đạt 2,6%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước. Đặc biệt, tỷ lệ hàng năm điều chỉnh theo tháng giảm xuống 3,8%, được hưởng lợi từ nhu cầu tiêu dùng tăng trong kỳ nghỉ lễ cuối năm, bao gồm ngày lễ “Black Friday” và Giáng sinh, và vẫn duy trì mức tăng trưởng dương. Trong khi đó, lãi suất hàng năm được điều chỉnh theo tháng đối với dịch vụ tăng lên 2,4%, tăng 0,2% so với quý trước, trở thành động lực chính cho tiêu dùng.
Sự tăng trưởng trong chi tiêu tiêu dùng đã hỗ trợ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhờ đó thúc đẩy tỷ giá hối đoái của đồng USD, làm cho hàng hóa rẻ hơn và kiềm chế lạm phát. Với kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất, mức tiêu dùng của người dân Mỹ có thể sẽ tăng thêm, tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Theo dữ liệu từ Đại học Michigan, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã tăng vọt lên 78,8 điểm vào tháng 1/2024, đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2021 và tăng 29% kể từ tháng 11/2023, đánh dấu mức tăng hai tháng lớn nhất kể từ năm 1991, cho thấy sự cải thiện trong tâm lý người tiêu dùng.
Tác giả kết luận nước Mỹ đang có tốc độ tăng trưởng cao cùng với lạm phát thấp, một hiện tượng khiến các nhà kinh tế trên toàn thế giới hoài nghi và bối rối. Mặc dù lãi suất cao gây ra một số tổn thất cho tăng trưởng kinh tế, nhưng việc Fed tăng lãi suất nhiều lần đã có hiệu quả cao trong việc kiềm chế lạm phát. Quan trọng hơn, tận dụng động lực địa chính trị và xây dựng chính sách trong lĩnh vực công nghệ, Mỹ đã thu hút một lượng lớn các ngành công nghiệp và sản xuất đổ vào nước này, dẫn đến nhu cầu về thị trường lao động bùng nổ. Ngược lại, điều này đã làm tăng thu nhập và mức tiêu dùng của người dân Mỹ, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tỷ giá hối đoái của USD, khiến hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn và hạn chế lạm phát hơn nữa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận