Lý do Trung Quốc mua mạnh vàng 6 tháng liên tiếp
Tổng dự trữ vàng của Trung Quốc hiện ước tính ở mức khoảng 2.076 tấn, Trung Quốc từng tăng dự trữ vàng thêm ước tính khoảng 120 tấn trong vòng 5 tháng tính đến tháng 3/2022.
Trung Quốc tăng cường dự trữ vàng đến tháng thứ 6 liên tiếp, như vậy Trung Quốc tiếp nối làn sóng mua vàng của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới từ trước đó trong bối cảnh rủi ro địa chính trị và kinh tế tăng cao, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
Trung Quốc mua thêm ước tính 8,09 tấn vàng trong tháng 4/2023, theo số liệu từ Cơ quan Quản lý Ngoại hối vào ngày Chủ Nhật. Tổng dự trữ vàng của Trung Quốc hiện ước tính ở mức khoảng 2.076 tấn, Trung Quốc từng tăng dự trữ vàng thêm ước tính khoảng 120 tấn trong vòng 5 tháng tính đến tháng 3/2022.
Trong năm vừa qua, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua mạnh vàng để đa dạng hóa tài sản cũng như bảo vệ cho dự trữ quốc gia khỏi sự xuống giá của đồng USD và lạm phát tràn lan. Dòng tiền vào vàng hạ nhiệt trong quý 1/2023, khối lượng giao dịch vẫn ở mức rất cao, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Singapore, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ thuộc nhóm các bên mua lớn nhất.
Nhu cầu đối với vàng rất cao đã đẩy giá vàng lên những ngưỡng cao kỷ lục khi mà thị trường căng thẳng về việc kinh tế Mỹ tăng trưởng chững lại và dấu hiệu cho thấy căng thẳng tín dụng dai dẳng. Rủi ro địa chính trị bắt nguồn từ căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc – Mỹ cũng khiến cho sức hấp dẫn của vàng tăng lên.
Xu thế mua vàng của Trung Quốc bắt đầu từ tháng 11/2022. Trước đó từng có khoảng thời gian Trung Quốc không ngừng mua vàng suốt 10 tháng cho đến thời điểm tháng 9/2019. Năm 2016, Trung Quốc cũng từng mua nhiều vàng trong nhiều tháng như vậy.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tính đến cuối tháng 4/2023 tăng lên ngưỡng 3,2048 nghìn tỷ USD, tăng 20,9 tỷ USD so với tháng liền trước đó, theo các số liệu công bố.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng cao có nguyên nhân trực tiếp từ việc đồng USD hạ giá và giá cả tài sản tài chính toàn cầu tăng, theo tuyên bố của cơ quan quản lý ngoại hối Trung Quốc. Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sẽ giúp cho dự trữ này ổn định, cơ quan nhấn mạnh.
Những lo lắng về điều kiện tín dụng và cuộc tranh cãi về trần nợ công sẽ khiến cho giá vàng duy trì ở ngưỡng cao kỷ lục trong vài tháng nữa, theo nhận định của các chuyên gia phân tích.
Theo bản tin mới nhất của Kitco News, giá vàng giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu khi mà nỗi sợ của ngành ngân hàng giảm đi và báo cáo thị trường việc làm Mỹ tháng 4/2023 tốt hơn so với kỳ vọng.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong 53 năm là 3,4%, kinh tế Mỹ có thêm 253.000 việc làm mới trong tháng vừa rồi.
“Thị trường việc làm đang có sự vững vàng bất chấp việc lãi suất cơ bản đồng USD tại Mỹ tăng mạnh trong năm vừa qua, chắc chắn thực tế này sẽ ảnh hưởng đến định hướng chính sách tiền tệ của Fed. Fed sẽ vẫn theo dõi chặt chẽ các số liệu kinh tế trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về triển vọng chính sách tiền tệ”, chuyên gia phân tích tại CompareBroker – ông Jameel Ahmad chỉ ra.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 6/2023 chốt ở mức 2.024,3USD/ounce, giảm 1,3% trong ngày. Trước đó trong tuần, giá vàng đã có lúc chạm mức 2.085,4USD/ounce.
“Nỗi lo về ngành ngân hàng tạm thời đã biến mất. Tuy nhiên mọi chuyện sẽ không sớm chấm dứt như vậy. Nhìn chung, rủi ro sẽ ngày một tăng lên, điều kiện tín dụng thắt chặt. Nội bộ chính phủ Mỹ sẽ có cuộc đối thoại căng thẳng liên quan đến vấn đề trần nợ. Rủi ro sẽ trở lại”,chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại quỹ OANDA – ông Edward Moya nói với Kitco News.
Thị trường vàng sẽ không đương đầu với bất kỳ rủi ro nào thực sự lớn cho đến khi vấn đề trần nợ và rắc rối trong ngành ngân hàng được giải quyết, chuyên gia về thị trường hàng hóa tại Capital Economics – ông Edward Gardner nhận định.
“Nỗi lo về các ngân hàng và vấn đề trần nợ Mỹ sẽ đẩy giá vàng lên những ngưỡng cao kỷ lục trong vài tháng tới. Tuy nhiên, một khi những nỗi lo giảm đi, tôi nghĩ các yếu tố dài hạn sẽ bộc lộ rõ ràng. Chỉ báo về mức độ căng thẳng trong các nền kinh tế phát triển cho thấy rằng giá vàng hiện đang hưởng lợi từ việc nhu cầu tài sản an toàn tăng mạnh”, ông Gardner nói vào ngày thứ Sáu.
Washington hiện đang trong tình thế bế tắc về vấn đề trần nợ Mỹ, nó làm tăng rủi ro Mỹ vỡ nợ trước thời điểm ngày 1/6/2023.
Vào tuần này, quỹ RBC Wealth Management cảnh báo những vấn đề chính trị và kinh tế hiện đang gây ra nhiều thách thức nhất. Lần gần nhất vấn đề trần nợ gây sốc chính là vào năm 2011, thời điểm này và khi đó cũng có những điểm tương đồng.
“Năm 2011, nợ Mỹ chạm trần vào ngày 16/5/2011 và sau quá nhiều căng thẳng về chính trị, Mỹ đã phải thông qua dự thảo để nâng trần nợ từ ngày 1/8/2023. Trong ngày đó, giá vàng tăng rất mạnh, nguyên nhân chính do những nỗi lo về vấn đề tài chính của chính phủ Mỹ. Những nỗi lo này hiện đang trở lại”, ông Gardner nói.
Những vấn đề này có thể gây tổn hại đến thị trường trong vài tháng tới, giá vàng sẽ duy trì trong ngưỡng 2.000USD/ounce, theo phân tích của Capital Economics.
Việc tái lập những ngưỡng cao kỷ lục trong ngắn hạn có thể khó, tuy nhiên, giá vàng sẽ lại trở lại ngưỡng này, ông Moya nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận