24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Tywin Lannister
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lý do TP HCM yêu cầu 5 huyện không xin lên quận hoặc thành phố

Việc các huyện xin lên quận hoặc thành phố có thể gây sốt đất, đầu cơ, chưa kể thẩm quyền nâng cấp đơn vị hành chính là của Quốc hội, theo lãnh đạo TP HCM.

Tháng 1/2021, Sở Nội vụ TP HCM có kế hoạch xây dựng Đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc thành phố, giai đoạn 2021-2030, với lý do các địa phương này có tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị ở 5 huyện không khác nhiều các quận nội thành.

Sau khi đề án được công bố, 5 huyện ngoại thành đã tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà đầu tư về định hướng phát triển. Một số huyện đưa ra mục tiêu lên quận trước năm 2025 như Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn; còn Củ Chi, Cần Giờ dự kiến lên quận trước 2030. Tuy nhiên, sau đó lần lượt 5 huyện ngoại thành đều công bố ý định nâng cấp lên thành phố, thay vì quận.

Trước tình hình đó, cuối tháng 11 vừa qua UBND TP HCM đã yêu cầu 5 huyện không đề xuất lên quận hoặc thành phố mà phải chờ sau khi đạt các tiêu chuẩn về kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông thành phố mới quyết định mô hình phù hợp với từng địa phương.

Lý giải với VnExpress về chỉ đạo này, Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan, người phụ trách đề án cho biết, việc quyết định cho các huyện lên quận hay thành phố không phải thẩm quyền của UBND TP HCM mà do Quốc hội phê duyệt. Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng quy định tiêu chí cụ thể cho từng loại hình và địa phương "đủ điều kiện chín muồi" về dân số, lao động, công nghiệp, dịch vụ, kinh tế... sẽ được xem xét.

Bên cạnh đó, theo ông Hoan, mục đích chính của đề án chuyển huyện thành quận hoặc thành phố là tập trung đầu tư để phát triển đô thị, "chứ không phải muốn lên là được ngay". "Lên quận hay thành phố thì phải dựa trên các tiêu chí, và thẩm quyền quyết định là của Quốc hội. Do đó, địa phương xin thì thành phố cũng không có gì để cho", ông Hoan nói.

Phó chủ tịch UBND thành phố cũng cho rằng việc các huyện tập trung quá nhiều vào mục tiêu lên quận hoặc thành phố dễ dẫn đến suy nghĩ "ngủ một đêm là lên đời", thay vì quan tâm đến quá trình đầu tư xây dựng để phát triển đô thị. Hệ quả sẽ dẫn đến phát triển tự phát, xuất hiện tình trạng đô thị nổi lên giữa đồng không mông quạnh, không có đường xá, hệ thống cấp nước hoàn chỉnh. "Thông tin lên quận hoặc thành phố của các huyện cũng gây sốt đất, dẫn đến khó thu hồi khi dự án hạ tầng thật sự được triển khai", ông Hoan nói.

Thực tế, ngay khi có thông tin một số huyện tại TP HCM được định hướng lên quận hồi đầu năm 2021, Khảo sát giá bất động sản của Công ty DKRA Việt Nam vào tháng 3/2021 cho thấy giá đất huyện ven đô tăng ở biên độ phổ biến 3-20% so với hồi cuối năm 2020 bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp. Khi đó, giá đất 5 huyện đạt đỉnh 45-92 triệu đồng mỗi m2.

Xu hướng tăng trưởng mạnh tiếp tục được duy trì trong năm 2022, theo báo cáo mới nhất từ chuyên trang bất động sản của Chợ Tốt Nhà về tiềm năng phát triển tại 5 huyện ngoại thành TP HCM. Tiêu biểu, tại Nhà Bè, nhiều xã, thị trấn giá trung bình nhà mặt tiền đã chạm ngưỡng 100 triệu đồng mỗi m2 (tăng từ mức 75 triệu đồng mỗi m2 hồi đầu năm) và nhà ngõ, hẻm đã chạm ngưỡng 80 triệu đồng mỗi m2 (tăng từ mức 60 triệu đồng mỗi m2 vào đầu năm).

Trong bối cảnh các huyện chưa có nhiều dự án căn hộ chung cư nổi bật, website này nhận định thông tin hạ tầng được nâng cấp để phục vụ mục tiêu lên quận hoặc thành phố là yếu tố chính giúp thu hút người mua tìm kiếm và giao dịch.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan tại một hội thảo hồi tháng 11/2022. Ảnh: Thu Hằng

Ông Hoan cho biết TP HCM định hướng nâng cấp huyện phải là quá trình phát triển chủ động, có định hướng, phối hợp giữa nhà nước và tư nhân, không phải theo kiểu tự phát. Hiện, đề án này đã được đổi tên thành Xây dựng các huyện thành đô thị vệ tinh của TP HCM, thay vì lên quận hoặc thành phố như ban đầu.

Việc đổi tên nhằm giúp người dân hiểu đúng ý nghĩa của đề án. Tức là, tập trung xây dựng các huyện thành đô thị, khi đạt tiêu chí đô thị loại 1, 2, 3 hoặc quận, thành phố, thì TP HCM báo cáo để Quốc hội quyết định. "Huyện lo làm quy hoạch, đầu tư một số trục đường lớn tốt, chuẩn bị nguồn lực, lo cho đời sống nhân dân về văn hoá, giáo dục thì tự nhiên sẽ phát triển lên", ông nói.

Về phía địa phương, Bí thư Bình Chánh Trần Văn Nam cho biết yêu cầu của UBND TP HCM không ảnh hưởng đến kế hoạch huyện đã xây dựng trước đó mà vẫn tiến hành bình thường. "Mục tiêu của chỉ đạo là để các huyện tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, đến khi đủ điều kiện thì lên quận hoặc thành phố, chứ không phải dừng lại", ông giải thích.

Theo ông Nam, muốn nâng cấp huyện đòi hỏi thẩm định các điều kiện phân loại đô thị, trong đó trọng tâm là cơ sở hạ tầng. Do đó, chỉ đạo của thành phố giúp huyện tập trung hơn vào mục tiêu này thay vì quá chú tâm đề xuất lên thành phố. Đơn cử như huyện Bình Chánh cần khoảng 50.000 tỷ để đầu tư cơ sở hạ tầng, đòi hỏi địa phương phải ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền, nói chỉ đạo của thành phố không ảnh hưởng việc lập đề án của huyện vì trọng tâm của kế hoạch này là phát triển đô thị. Thời gian qua, địa phương đã có chỉ thị để kiểm soát giá đất và việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, không để tăng giá tự phát. "Việc sốt đất phải dùng công cụ quản lý để kiểm soát. Giờ giá đất ở Củ Chi chìm nghỉm, đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất cũng giảm", bà nói.

Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân, đơn vị xây dựng đề án, cho biết ban đầu thành phố dự định hoàn thành đề án vào cuối năm. Tuy nhiên, quá trình xây dựng 5 đề án nhánh (Văn hoá đô thị, Con người đô thị, Quản lý nhà nước, Kinh tế đô thị và Hạ tầng đô thị) chưa xong. Các sở ngành đang khẩn trương hoàn thiện trong tháng 12; đồng thời trong quý 1/2023, năm huyện phải xong đề án của địa phương. Sau đó, UBND TP HCM mới hoàn thiện và trình Thường trực Thành uỷ xem xét.

TP HCM rộng hơn 2.060 km2, có 8,9 triệu dân (thống kê đến tháng 10/2022), với 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm một thành phố (Thủ Đức), 16 quận và 5 huyện. Quá trình phát triển, thành phố nhiều lần tách nhập, chuyển đổi đơn vị hành chính, gần nhất là sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức.

Thu Hằng

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả