Lý do thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân khiến chính người dân Australia nổi giận
Thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân của Australia với Anh và Mỹ không chỉ khiến Pháp giận dữ mà còn bị nhiều người dân Australia phản đối.
Việc Mỹ, Anh nhất trí chia sẻ công nghệ và hỗ trợ đào tạo kỹ thuật giúp Australia khởi động chương trình đóng tàu ngầm hạt nhân như một phần của hiệp định quốc phòng mới được công bố giữa 3 nước, đã khiến Pháp – quốc gia đánh mất thỏa thuận lâu dài về cung cấp tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel cho Australia, nổi cơn thịnh nộ.
Nhưng không chỉ người Pháp giận dữ, các nhóm phản đối hạt nhân ở Australia và nhiều người dân đã lên tiếng phản đối, cho rằng thỏa thuận có thể là bước khởi đầu cho việc phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân mà nước này không theo đuổi trong nhiều thập kỷ qua.
Sáu quốc gia gồm Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Pháp - đã có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong hạm đội của họ. Nhiều nền kinh tế phát triển lớn, trong đó có Mỹ và Anh đã sử dụng năng lượng hạt nhân cho nhiều mục đích khác nhau. Tại Pháp, 70% sản lượng điện đến từ các nhà máy hạt nhân. Vậy tại sao nhiều người Australia lại cảm thấy lo ngại về thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân của chính phủ?
Năng lượng hạt nhân được tạo ra như thế nào?
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năng lượng hạt nhân là nguồn đóng góp lớn thứ hai trên thế giới về điện carbon thấp sau thủy điện. Nó chiếm khoảng 10% sản lượng điện trên thế giới, được tạo ra bởi hơn 440 lò phản ứng.
Năng lượng được giải phóng ra từ một quá trình gọi là phân hạch hạt nhân, trong đó, các nguyên tử uranium được phân tách trong lò phản ứng, làm nóng nước để tạo ra hơi nước. Hơi nước được sử dụng để làm quay các tuabin, từ đó sản sinh ra điện. Uranium là một kim loại nặng được tìm thấy trong đá và đáy biển, và là một nguyên tố mạnh.
Theo công ty GE Hitachi Nuclear Energy của Mỹ, 1 viên uranium được làm giàu có kích thước tương đương với cục tẩy trên đầu của bút chỉ, chứa năng lượng tương đương với 1 tấn than hoặc 3 thùng dầu. Dù quá trình sản xuất điện hạt nhân không phát thải chất khi gây hiệu ứng nhà kính nhưng quá trình khai thác uranium và quá trình làm giàu có thể thải nhiều carbon.
Năng lượng hạt nhân có tái tạo được không?
Câu trả lời đơn giản là không. Hơi nước được tạo ra trong các lò phản ứng hạt nhân có thể được tái chế và đưa trở lại thành nước để sử dụng lại trong quá trình phân hạch hạt nhân.
Tuy nhiên, các vật liệu được sử dụng để sản xuất điện lại không thể tái tạo. Về mặt kỹ thuật, kim loại là hữu hạn. Nhưng có một lập luận rằng, chúng có thể được sử dụng một cách bền vững. Tài nguyên uranium trên thế giới lớn đến mức các chuyên gia không nghĩ rằng một ngày nào đó nó sẽ cạn kiệt. Điều khiến nhiều người phản đối việc sử dụng điện hạt nhân là sự tàn phán môi trường do quá trình khai thác uranium gây ra.
Tuy vậy, chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới đang dựa vào năng lượng hạt nhân để xây dựng nền kinh tế carbon thấp. Nhiều người cho rằng, năng lượng hạt nhân là một cách sản xuất điện hiệu quả và có thể là một nguồn điện không phát thải.
Ngoài việc phát thải carbon thấp, năng lượng hạt nhân cũng được cho là có hệ số công suất cao nhất so với bất cứ nguồn năng lượng nào, có nghĩa là các nhà máy hạt nhân có thể hoạt động với công suất tối đa trong thời gian dài hơn những nhà máy sản xuất điện khác. Ở Mỹ, các nhà máy hạt nhân hoạt động với công suất 92,5% thời gian. Trong khi các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá chỉ được 40% và chạy bằng sức gió là 35%. So với nhiên liệu hóa thạch, năng lượng hạt nhân có thể ngăn hàng triệu tấn khí thải xâm nhập vào bầu khí quyển mỗi năm.
Tại sao nhiều người Australia phản đối?
Không chỉ riêng Australia, một số quốc gia khác đã hạn chế phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân kể từ sau thảm họa Fukushima tại Nhật Bản.
Trận động đất và sóng thần năm 2011 đã phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản, khiến các thanh nhiên liệu phóng xạ tan chảy và gây ra một loạt vụ nổ hydro, phát tán bức xạ có hại vào bầu khí quyển. Đây là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa hạt nhân Chernobyl vào năm 1986. Một thập kỷ sau, ngành công nghiệp hạt nhân tại Nhật Bản vẫn chưa hoàn toàn giải quyết được các vấn đề an toàn mà nhà máy Fukushima hứng chịu.
Nhưng phong trào chống hạt nhân của Australia còn tiến xa hơn thế, trở thành một phong trào phản đối mạnh mẽ vào những năm 1970. Điều này phần lớn là do lo ngại, việc khai thác uranium – nguyên liệu vốn sẵn có tại Australia với trữ lượng khổng lồ, tác động tiêu cực đến môi trường. Mặt khác, nhiều người cũng lo lắng rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là những khu dân cư gần các nhà máy sản xuất điện hạt nhân. Ngoài ra còn có những lo ngại xung quanh việc làm thế nào để lưu trữ và xử lý chất thải hạt nhân một cách an toàn. Các vụ nổ hoặc rò rỉ chất thải hạt nhân có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người, mặc dù những thảm họa như vậy hiện giờ được cho là ít xảy ra hơn so với trước kia.
Năm 1977, Phong trào Chống khai thác uranium ở Australia đã thu thập được 250.000 chữ ký phản đối ngành công nghiệp này mặc dù Australia không sử dụng điện hạt nhân. Ngày nay, Australia vẫn khai thác uranium để xuất khẩu, phục vụ cho nhu cầu điện hạt nhân tại các nước khác trên thế giới.
Tuy vậy, chính phủ Australia đang phải chịu sức ép chính trị ngày càng gia tăng từ các lãnh đạo của đảng Tự do cầm quyền về sử dụng năng lượng hạt nhân. Một số người cho rằng, nếu không có năng lượng này việc đạt mục tiêu phát thải khí nhà kính xuống mức 0 vào năm 2030 là điều không thể. Australia không sử dụng điện hạt nhân vì có nguồn dự trữ than đá và khí đốt dồi dào, nhưng nước này đang chịu áp lực phải cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Phát biểu khi công bố thỏa thuận mới, Thủ tướng Morrison cho biết Australia không tìm cách phát triển "năng lực hạt nhân dân sự”, trong đó có việc xây dựng các nhà máy hạt nhân. Tuy vậy, lãnh đạo Đảng Xanh, ông Adam Bandt đã chỉ trích thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân của Australia, cho rằng chính phủ có thể đặt “các nhà máy Chernobyl ở trung tâm các thành phố của Australia” khiến nước này “trở nên mất an toàn”.
Phát biểu trên chương trình Australian Financial Review, Bob Brown - một cựu lãnh đạo đảng Xanh, người đã vận động việc chống lại các tàu chiến chạy bằng năng lượng hạt nhân đến Tasmania vào những năm 1980 cho rằng, thỏa thuận sẽ đưa Australia tiến tiến gần hơn đến việc phát triển ngành năng lượng hạt nhân và ông cảnh báo sẽ có phản ứng dữ dội ở trong nước./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận