Lý do nhà đầu tư nước ngoài lạc quan về triển vọng đầu tư tại Việt Nam
Theo Vietnam Briefing (chuyên về tư vấn đầu tư tại Việt Nam), số liệu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và GDP của Việt Nam bị ảnh hưởng và giảm nhẹ vào năm 2021 do các đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt và hạn chế di chuyển do đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn ghi nhận mức GDP tích cực và với việc đang từ từ mở cửa trở lại, triển vọng kinh tế của Việt Nam năm 2022 khá sáng sủa. Bài viết xem xét số liệu FDI cho năm 2021, những ngành bị ảnh hưởng và triển vọng cho năm 2022.
FDI tích cực dù đại dịch “kéo lùi” số liệu
Các số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tổng quan về FDI của Việt Nam năm 2021. Tính đến ngày 20/12/2021, các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân 19,74 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, cao hơn 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số này, có 1.738 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 31,1% so với cùng kỳ. Như vậy, tổng vốn đăng ký đạt hơn 15,2 tỷ USD.
Như những năm trước, lĩnh vực chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 18,1 tỷ USD và chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất và phân phối điện tuy thu hút được số lượng dự án mới, song quy mô lớn nên đứng thứ hai với số vốn đầu tư là 5,7 tỷ USD và chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là bất động sản và bán buôn, bán lẻ với lần lượt là 2,6 tỷ USD và 1,4 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ
Xuất khẩu năm 2021 tăng trong 11 tháng đầu năm. Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam vào năm 2021 với giá trị nhập khẩu hơn 96,2 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhu cầu về thiết bị điện tử như máy tính và điện thoại di động tăng vọt trong thời kỳ đại dịch chính là động lực cho xuất khẩu của Việt Nam. Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài là hơn 218,3 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu khoảng 28,5 tỷ USD.
Sản xuất – động lực cho kinh tế Việt Nam năm 2022
Sau khi ghi nhận mức GDP âm trong quý 3/2021 và lĩnh vực chế tạo bị thu hẹp, ngành sản xuất của Việt Nam phục hồi và mở rộng từ quý 4/2021. Theo IHS Markit, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đạt 52,5, tăng nhẹ so với 52,2 vào tháng 11/2021, cho thấy các điều kiện kinh doanh được cải thiện. Điểm từ 50 trở lên thể hiện sự mở rộng trong lĩnh vực sản xuất. Các đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng vào cuối năm, trong khi các đơn đặt hàng xuất khẩu cũng tăng trong tháng 12/2021, lên mức cao nhất trong 8 tháng.
Dù tình trạng thiếu lao động và đại dịch kìm hãm ngành sản xuất, sản lượng chế tạo vẫn tiếp tục tăng khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế hơn nữa. Điều này nhấn mạnh vị trí của Việt Nam như một trung tâm sản xuất. Bất chấp những hạn chế và việc đóng cửa nhà máy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục lạc quan về triển vọng tương lai của Việt Nam.
Triển vọng 2022
Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư FDI vào năm 2022. Chính phủ dự báo GDP từ 6 đến 6,5% cho năm 2022. Song song với thu hút FDI trong hầu hết các lĩnh vực, chính phủ Việt Nam cũng thúc đẩy đầu tư vào công nghệ cao và kỹ thuật số các ngành kinh tế. Ngoài ra, chính phủ cũng đưa ra các biện pháp khuyến khích để giúp đỡ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, gồm giảm thuế, chậm nộp thuế, tiền thuê đất và các chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động.
Dù phải đối mặt với những thách thức, nền kinh tế của Việt Nam vẫn có khả năng phục hồi. Trong khi cuộc khủng hoảng hiện tại còn lâu mới kết thúc, khi Việt Nam mở cửa hơn nữa và chính phủ tiến hành cải cách kinh doanh, các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tiếp tục mở rộng và chuyển dịch sản xuất khi đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm các thị trường mới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục thu được lợi ích từ việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng được hỗ trợ bởi mạng lưới các hiệp định thương mại tự do và môi trường kinh doanh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận