menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chính Đức

Lý do Nga bị cáo buộc vũ khí hóa lương thực

Nga được cho là đang nhắm vào kho chứa ngũ cốc của Ukraine và phong tỏa đường xuất khẩu, có thể nhằm "gây sợ hãi" về nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong phiên họp Hội đồng Bảo an hôm 6/6 cáo buộc Nga biến nguồn cung lương thực thành "tên lửa tàng hình" để gây khủng hoảng lương thực và "chống lại các nước đang phát triển".

Theo ông Michel, hàng triệu tấn ngũ cốc và lúa mì bị mắc kẹt trong các container và tàu tại cảng Odessa của Ukraine vài tuần trước "vì tàu chiến Nga hiện diện ở Biển Đen".

Hôm 8/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng lương thực đã trở thành "một phần trong kho vũ khí" của Điện Kremlin. "Đó là cuộc vây hãm tàn nhẫn nhắm vào những người dễ tổn thương nhất trên thế giới", bà nói.

Các quan chức Ukraine cũng cáo buộc Nga cố tình phá hủy cơ sở hạ tầng nông nghiệp của nước này. Vitaliy Kim, người đứng đầu chính quyền quân sự vùng Mykolaiv, nói rằng kho chứa ngũ cốc lớn nhất Ukraine đã bị pháo binh Nga phá hủy hôm 5/6.

Tháng trước, Valentyn Reznichenko, người đứng đầu chính quyền Dnipropetrovsk, cáo buộc lực lượng Nga tập kích một nhà kho ngũ cốc ở Synelnykove.

Điện Kremlin bác bỏ các cáo buộc, tố phương Tây gây ra khủng hoảng lương thực bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Ukraine từ lâu được coi là "vựa bánh mì của thế giới" với đất đai màu mỡ và những vùng đất nông nghiệp trải dài, song chiến dịch quân sự của Nga và hoạt động phong tỏa Biển Đen đang khiến phần lớn hoạt động sản xuất, xuất khẩu lương thực của Ukraine bị đình trệ, cũng như gây ra ảnh hưởng dây chuyền lan khắp thế giới.

Ý tưởng tận dụng tình trạng thiếu hụt lương thực để tạo nỗi sợ hãi đặc biệt nhạy cảm ở Ukraine do ký ức sâu sắc của nước này về nạn đói chết người giai đoạn 1932-1933, được biết đến với cái tên Holodomor.

Ảnh hưởng tới Ukraine

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, toàn bộ chuỗi cung ứng và sản xuất lương thực của nước này bị ảnh hưởng, từ khâu canh tác, thu hoạch, cho đến xuất khẩu.

Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính 20-30% diện tích đất nông nghiệp của Ukraine sẽ không được khai thác và thu hoạch trong năm nay do ảnh hưởng chiến sự. Khoảng nửa diện tích đất nông nghiệp trồng lúa mì vụ đông và khoảng 40% diện tích trồng lúa mạch đen đang nằm trong khu vực Nga kiểm soát, khiến mùa gieo trồng bị gián đoạn.

Chiến sự cũng gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực, do nhiều người đã rời bỏ nhà cửa đi sơ tán hoặc tham gia vào các đơn vị tình nguyện thuộc lực lượng Ukraine.

Ukraine thông thường xuất khẩu khoảng 3/4 lượng ngũ cốc nước này sản xuất. Theo số liệu từ Ủy ban châu Âu (EC), khoảng 90% số hàng hóa này được xuất khẩu bằng đường biển từ các cảng Biển Đen của Ukraine.

Tuy nhiên, khi các cảng bị phong tỏa, Ukraine chỉ có thể xuất khẩu tối đa hai triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng. Với công suất này, Ukraine có thể mất hơn một năm mới giải phóng hết số ngũ cốc tồn đọng, chưa kể số lương thực sắp thu hoạch.

Hệ thống đường sắt cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu vận tải và cũng không cùng tiêu chuẩn với các nước láng giềng châu Âu như Ba Lan, vì vậy ngũ cốc phải được vận chuyển sang các chuyến tàu khác nhau ở biên giới, nơi không có nhiều phương tiện trung chuyển hoặc lưu trữ.

Hiện có khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc mắc kẹt ở Ukraine có nguy cơ bị thối rữa do không còn phương án bảo quản hoặc xuất khẩu, gây áp lực lên những quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung lương thực từ nước này. Tình hình có thể nghiêm trọng hơn khi thêm 50 triệu tấn ngũ cốc dự kiến được Ukraine thu hoạch trong vụ mùa sắp tới.

Denys Marchuk, phó chủ tịch Liên đoàn Các nhà sản xuất Nông nghiệp Ukraine, hôm 8/6 nói rằng Nga "đánh cắp khoảng 600.000 tấn ngũ cốc" từ nông dân Ukraine tại các khu vực miền nam. Số ngũ cốc này sau đó được vận chuyển đến cảng Sevastopol ở bán đảo Crimea rồi chuyển tiếp đến Trung Đông. Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc trên.

Tuy nhiên, trong video đăng trên nền tảng Solovyov, Yevhen Balytskyi, lãnh đạo chính quyền được Moskva hậu thuẫn ở tỉnh Zaporizhzhia, đông nam Ukraine, đã ghi lại cảnh những toa tàu chở đầy ngũ cốc Ukraine khởi hành từ thành phố Melitopol do Nga kiểm soát đến bán đảo Crimea để "xuất khẩu".

"Những lần vận chuyển như vậy sẽ tăng lên hàng trăm lần trong tương lai gần", Balytskyi cho biết.

Hình ảnh vệ tinh tại cảng Sevastopol ở Crimea do Maxar Technologies cung cấp tháng trước cho thấy các tàu Nga đang chất đầy ngũ cốc Ukraine. Một trong số các tàu này đã cập cảng Latakia, Syria hồi tháng trước, theo ảnh vệ tinh khác.

Tác động tới thế giới

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine có tác động toàn cầu do cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu lương thực lớn, chiếm gần 1/3 nguồn cung lúa mì và 60% lượng xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới.

Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), cứ mỗi 100 calo thực phẩm được giao dịch trên thế giới thì có tới 12 calo đến từ Nga và Ukraine. Tầm quan trọng của lúa mì từ hai quốc gia này càng được thể hiện rõ sau khi Ấn Độ áp lệnh cấm xuất khẩu và Bắc Mỹ, Tây Âu gặp thời tiết bất lợi cho mùa màng.

Xung đột kéo dài, cùng loạt lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây áp đặt lên Nga, đã khiến giá ngũ cốc, dầu ăn, phân bón và năng lượng tăng vọt. Nga và Belarus cung cấp hơn 40% nhu cầu phân bón kali của thế giới. Theo FAO, giá lương thực toàn cầu đã tăng 17% kể từ tháng 1, trong khi giá ngũ cốc cũng tăng hơn 21%.

Trong tình hình đó, Liên Hợp Quốc cảnh báo tác động đối với nguồn cung và giá lương thực toàn cầu có thể "gây ra làn sóng đói kém chưa từng có", đẩy 49 triệu người lâm vào cảnh thiếu hụt lương thực.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 9/6 nói rằng hàng triệu người trên thế giới có thể chết đói nếu Nga không cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của nước này.

Theo FAO, các quốc gia dễ tổn thương nhất là những bên phụ thuộc nhiều vào nguồn cung lương thực từ Ukraine, trong đó có những nước ở châu Phi, Trung Đông như Lebanon, Tunisia, Somalia hay Libya, nơi nhập khẩu hơn một nửa lượng lúa mì từ Nga và Ukraine. Trong khi Eritrea, quốc gia Đông Phi, phụ thuộc 100% nguồn cung lúa mì từ hai quốc gia này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm trên toàn cầu leo thang, ngũ cốc tiếp tục mắc kẹt và có nguy cơ thối rữa ở Ukraine, LHQ buộc phải cắt giảm tới nửa lượng lượng thực cứu trợ cho người tị nạn ở vùng Sahel, châu Phi, do thiếu hụt kinh phí.

Giải pháp khơi thông 'yết hầu lương thực'

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov để thảo luận về kế hoạch giải phóng ngũ cốc Ukraine do Liên Hợp Quốc khởi xướng, nhưng không mời đại diện từ Kiev.

Sau cuộc gặp, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tán thành đề xuất của LHQ, thành lập hành lang hàng hải an toàn ở Biển Đen nhằm giải phóng số lượng thực này. Tuy nhiên, Kiev bác bỏ, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không đủ quyền lực và sức mạnh để đảm bảo an ninh cho hàng hóa và cảng biển của Ukraine.

Ngoại trưởng Nga tuyên bố sẵn sàng đảm bảo an ninh cho tàu chở ngũ cốc qua Biển Đen, với điều kiện Ukraine cần rà phá thủy lôi để khai thông các cảng, mở đường giải phóng ngũ cốc.

Tuy nhiên, Kiev nói rằng họ cần được "đảm bảo an ninh" trước khi có thể bắt đầu ra phá thủy lôi, do lo ngại Moskva có thể lợi dụng hành lang hàng hải này để đưa tàu chiến áp sát Odessa, tiến hành các chiến dịch đổ bộ hoặc tập kích tên lửa. Ukraine cũng tuyên bố họ có thể mất ít nhất 2-3 tháng để hoàn thành rà phá thủy lôi.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 9/6 cho biết các bên hiện chưa đạt được thỏa thuận nào về việc xuất khẩu ngũ cốc Ukraine sang Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Trung Đông, nhưng nói thêm rằng công việc này đang được tiến hành.

Tuy nhiên, ngay cả khi các nước đạt được thỏa thuận về hành lang hàng hải trên Biển Đen, chi phí bảo hiểm cho các chuyến tàu chở ngũ cốc đi qua những vùng biển đầy rẫy thủy lôi và tàu chiến có thể sẽ rất cao.

Tình hình cũng trở nên cấp bách khi Ukraine đang thiếu kho dự trữ ngũ cốc. Theo trung tâm nghiên cứu APK-Inform, Ukraine có thể đã dùng hết 35% công suất kho chứa 61 triệu tấn để lưu trữ sản lượng trong niên vụ 2021, trong khi vụ thu hoạch tiếp theo sẽ bắt đầu vào tháng 7.

Mỹ đang lên kế hoạch vận chuyển các container tới Ukraine để lưu trữ ngũ cốc tạm thời, nhưng đây chỉ được xem là giải pháp tình thế. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng phương án tốt nhất hiện nay là Nga dỡ phong tỏa, hoặc phương Tây điều tàu chiến tới hộ tống tàu chở ngũ cốc. "Tuy nhiên, đó sẽ là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an ninh", ông cảnh báo.

Đức Trung (Theo CNN, Reuters)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả