Lý do Mai Linh, Vinasun không làm taxi điện như Xanh SM
Các hãng taxi truyền thống vẫn chưa vội vàng chuyển sang xe điện dù phương tiện này sở hữu nhiều lợi thế về chi phí và môi trường.
Hai năm trở lại đây, câu chuyện xe điện luôn là chủ đề được đem ra bàn tán sôi nổi tại các doanh nghiệp taxi truyền thống. Với sự xuất hiện của đối thủ Xanh SM vào đầu năm 2023, các cổ đông càng có thêm lý do để băn khoăn về chiến lược sử dụng phương tiện xanh trong bối cảnh áp lực cạnh tranh trở nên gay gắt.
Tại các buổi họp đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 4, cả Mai Linh và Vinasun đều công bố kế hoạch chuyển đổi các dòng xe cũ sang phương tiện thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên, thay vì nâng cấp lên dòng xe vận hành 100% bằng điện, hai ông lớn ngành taxi truyền thống quyết định chuyển hướng sang xe hybrid.
Không đáp ứng được mô hình
Đối với Mai Linh, hãng cho biết đã hợp tác thành công với Toyota Việt Nam và Công ty Tài chính Toyota trong dự án đầu tư 9.999 xe, kỳ vọng hoàn thành trong vòng 3 năm. Riêng năm 2024, Mai Linh đặt mục tiêu đầu tư 2.224 xe, bao gồm 1.000 xe hybrid cho các thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp taxi này, xe điện đang trở thành xu hướng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, các dòng xe điện cũng được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi nhờ những lợi ích mà chúng mang lại.
Tuy nhiên sau khi nghiên cứu và phân tích chuyên sâu, Mai Linh nhận thấy xe điện chưa thật sự phù hợp và tối ưu tại thị trường Việt Nam bởi những bất cập về cơ sở hạ tầng cũng như rủi ro liên quan đến rác thải pin. Đây là lý do thúc đẩy hãng chuyển đổi xe sử dụng nhiên liệu xăng thuần túy sang các dòng hybrid.
Với dòng xe hybrid, công ty có thể đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm khí thải CO2, thay thế dần các xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, xe hybrid cũng không cần sạc pin và có thể đổ xăng/diesel tại các trạm nhiên liệu bình thường.
Vinasun có kế hoạch đầu tư 700 xe hybrid trong năm 2024..
Tương tự, ông lớn taxi phía Nam là Vinasun dự định chi 630-650 tỷ đồng để đầu tư 700 xe hybrid của Toyota trong năm nay. Trong đó, 50% nguồn vốn đến từ các khoản tài trợ của ngân hàng.
Nếu thuận lợi, công ty có thể nâng tổng số lượng xe đầu tư lên 1.000 chiếc.
Lượng xe cũ thanh lý sẽ được bán sang Vinasun Green để kinh doanh vận tải taxi tại Đà Nẵng với số lượng tối đa 100 chiếc/năm. Đây là phương án tiêu thụ xe thanh lý được Vinasun đưa ra nhằm mở đường cho lộ trình chuyển đổi sang xe hybrid.
Trả lời các thắc mắc của cổ đông, Phó tổng giám đốc Trần Anh Minh cho rằng kế hoạch đầu tư của Vinasun phù hợp với đặc điểm kinh doanh của chính doanh nghiệp.
Qua tính toán, xe hybrid có thể giảm tới 50% nhiên liệu so với xe xăng. Trong khi xe điện tiêu thụ khoảng 800 đồng tiền nhiên liệu/km, xe hybrid mất khoảng 1.100-1.200 đồng/km mà không mất chi phí cơ hội khi sạc điện.
Mỗi ngày, Vinasun cần tập trung các xe để kiểm tra trước khi vận hành. Nhưng hiện nay, ông Minh cho biết không có một trạm sạc nào có thể đáp ứng quy mô 40-50 xe của Vinasun để kiểm tra nếu là xe điện.
Sự lựa chọn an toàn
Cả Mai Linh và Vinasun đều có lý do khi chọn xe hybrid thay vì xe điện. Trên thực tế, ngoại trừ nguồn cung từ nhà sản xuất VinFast, thị trường xe điện tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế về số lượng lẫn mẫu mã.
Nếu nhập khẩu xe từ nước ngoài, các hãng taxi truyền thống sẽ phải đối mặt với hàng loạt chi phí phát sinh. Dẫu vậy, đây chỉ là rào cản rất nhỏ.
Tính đến nay, Việt Nam đã có gần 150.000 cổng sạc xe điện bao phủ trên 63 tỉnh, thành phố. Đây hầu hết là cổng sạc do VinFast phát triển, bố trí chủ yếu tại các khu chung cư, trạm dừng nghỉ, trung tâm thương mại, tòa văn phòng, bãi đỗ xe, cửa hàng xăng dầu, các tuyến quốc lộ hay cao tốc.
Dù số lượng trạm và cổng sạc điện của Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á, thậm chí vượt Mỹ, Trung Quốc nếu xét về mật độ cổng sạc trên quy mô diện tích và dân số, dịch vụ sạc pin VinFast mới chỉ áp dụng cho khách hàng sử dụng xe điện của hãng này.
Hạ tầng trạm sạc hiện nay chỉ dành cho chủ nhân xe điện VinFast.
Điều này đồng nghĩa một số dòng xe điện nhập khẩu về Việt Nam, điển hình như Porsche Taycan, Hyundai Ioniq 5, chỉ có thể nạp điện tại các điểm sạc do chính thương hiệu đó cung cấp hoặc nhà riêng.
Đây cũng là lý do các doanh nghiệp taxi truyền thống có quy mô nhỏ như Én Vàng (Hải Phòng), Lado (Lâm Đồng), Sơn Nam (Nghệ An) đều chọn mua hoặc thuê xe điện VinFast từ GSM (chủ thương hiệu Xanh SM).
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Phó tổng giám đốc Trần Anh Minh cũng từng chia sẻ rằng khi đưa một phương tiện vào kinh doanh, Vinasun cần cân nhắc đến 4 khía cạnh là chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng và giá xe khi thanh lý cùng khả năng thanh khoản.
Trên hết, thời gian cũng là một loại chi phí mà doanh nghiệp vận tải taxi cần quan tâm, đặc biệt khi thời gian sạc năng lượng trước khi lưu hành của xe điện thường lâu hơn đáng kể. Đó là chưa kể đến những rủi ro như hết pin, thiếu trạm sạc trong quá trình di chuyển.
Thông thường, một chiếc ôtô điện có dung lượng pin tối đa là 60 kWh sẽ cần 8 tiếng để sạc từ 0% lên 100% với điểm sạc 7 kW. Thời gian sạc pin cho ôtô điện còn phụ thuộc vào loại cổng sạc là cổng tiêu chuẩn, sạc nhanh hay sạc siêu nhanh.
Đối với loại sạc tiêu chuẩn, chủ xe mất khoảng 8-12 tiếng để sạc đầy 100% pin. Trong khi đó, chủ xe cần 1 tiếng với sạc nhanh và chỉ khoảng 10 phút cho sạc siêu nhanh để đạt được 80% dung lượng pin.
Như vậy, việc chuyển sang xe hybrid vừa có thể giúp các hãng taxi giải quyết bài toán thời gian, vừa đáp ứng phần nào yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, thu nhập và hiệu suất hoạt động của tài xế cũng được cải thiện khi công ty tận dụng được chi phí cơ hội trong bối cảnh số lượng đội xe bị đối thủ là Xanh SM áp đảo.
Năm nay, Vinasun đặt mục tiêu nâng đội xe sở hữu lên 2.790 chiếc, tăng 8% so với năm ngoái, chưa kể khoảng 100 xe hợp tác kinh doanh, trong khi Mai Linh tính đến cuối năm ngoái có gần 14.700 xe. Song với Xanh SM, dù mới thành lập hơn một năm, hãng đã có hơn 17.000 ôtô điện, phục vụ 160.000 chuyến/ngày, theo ước tính của Modor Intelligence.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận