Lý do LNG của Mỹ không thể thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga ở châu Âu
Châu Âu phải đối mặt với một số thách thức trong việc nhập khẩu thêm khí hóa lỏng LNG của Mỹ.
Theo trang tin chuyên về dầu mỏ Oilprice.com ngày 13/3, châu Âu gần đây đã trở thành khách hàng lớn nhất của các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, chiếm hơn 50% tổng số lô hàng của Washington trong ba tháng qua. Nhưng LNG của Mỹ, cũng như từ các nguồn khác, sẽ chỉ là giải pháp ngắn hạn.
Thứ nhất, châu Âu sẽ phải đối mặt với một số thách thức trong nhập khẩu thêm LNG của Mỹ trong bối cảnh các nhà sản xuất LNG ở Mỹ, Australia và Qatar đã kí kết hợp đồng dài hạn với đối tác khác.
Các hợp đồng dài hạn sẽ hạn chế các nhà sản xuất LNG của Mỹ, Qatar và Australia đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu.
Thứ hai là thách thức về năng lực nhập khẩu LNG ở châu Âu. Đức đã công bố quyết định khẩn trương xây dựng hai trạm lưu trữ LNG, nhưng sẽ khó có thể hoàn thành trong thời gian trước mắt.
Xây dựng một trạm LNG thường mất thời gian từ 3-4 năm. Các trạm nhập khẩu LNG không cần hóa lỏng, nhưng chúng cần các cơ sở hạ nhiệt.
Chuyên gia năng lượng lưu ý rằng công suất tàu chở LNG của châu Âu còn hạn chế và đóng tàu chở LNG mất khá nhiều thời gian (khoảng 2,5 năm).
Thứ ba, châu Á sẽ tiếp tục cạnh tranh với châu Âu trong lĩnh vực nhập khẩu LNG. Châu Á chủ yếu mua LNG thông qua hợp đồng dài hạn, do đó các nhà sản xuất sẽ không có đủ LNG để cung cấp cho châu Âu ngay lập tức khi châu Âu là người mua mới.
Tuy nhiên, EU đã đặt mục tiêu tham vọng là giảm 2/3 lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay.
“EU sẽ tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt, đẩy nhanh sản xuất các loại năng lượng tái tạo nhằm thay thế khí đốt dùng để sưởi ấm và phát điện. Điều này có thể làm giảm 2/3 nhu cầu của EU đối với khí đốt của Nga trước cuối năm nay”, Ủy ban châu Âu cho biết khi công bố kế hoạch độc lập khỏi nhiên liệu hóa thạch Nga.
Các biện pháp được nêu trong kế hoạch gồm yêu cầu các thành viên EU phải nạp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt ở mức 90% công suất vào ngày 1/10 năm nay, tăng nhập khẩu LNG và đa dạng hóa nguồn cung, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng. Việc tăng công suất phát điện từ gió và mặt trời cũng là một phần kế hoạch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận