24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bá Phú
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lý do khiến thị trường tiêu dùng Trung Quốc tăng trưởng chậm lại

Trước những tác động của lũ lụt và sự tái bùng phát của dịch COVID-19, thị trường tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 7/2021 tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến.

Đại dịch COVID-19 là một cú sốc đối với người dân, khiến thu nhập của nhiều người giảm mạnh. Những người làm việc trong doanh nghiệp nhỏ, chẳng hạn như kinh doanh nhà hàng hoặc ngành giải trí, phải nghỉ việc do các biện pháp hạn chế và phong tỏa. Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, cần ưu tiên cho cuộc sống và sức khỏe của con người, do đó không thể thỏa hiệp trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
Mặt khác, không phải người sử dụng lao động nào cũng có thể duy trì mức chi trả ổn định cho nhân viên của họ trong bối cảnh tạm ngừng kinh doanh. Trung Quốc đã đối phó với đại dịch nhanh hơn nhiều nước, nền kinh tế và hoạt động kinh doanh đã bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, người dân vẫn lo ngại về những làn sóng lây nhiễm mới có thể xảy ra.

Cùng với đó, các số liệu thống kê về xuất khẩu và nhập khẩu cho thấy ngoại thương hàng hóa và dịch vụ cũng tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều yếu tố không chắc chắn liên quan đến sự lây lan của các biến thể mới.
Trong năm ngoái, trừ quý đầu tiên, nền kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng. Không giống như hầu hết các quốc gia, trong năm 2020, Trung Quốc đã duy trì tăng trưởng khả quan. Xuất khẩu, nhập khẩu, khối lượng sản xuất của Trung Quốc đã có kết quả cao hơn so với các kỳ trước.

Tuy nhiên, tiêu dùng bị tụt hậu phần nào. Vấn đề này khiến Chính phủ Trung Quốc và các nhà phân tích lo lắng, bởi Bắc Kinh đã "đặt cược" vào lĩnh vực tiêu dùng như một động lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Sự lây lan của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trung Quốc đang đối mặt với một đợt bùng phát mới, chủ yếu do biến thể Delta, bắt đầu từ ngày 20/7 ở Nam Kinh (tỉnh Giang Tô). Đợt bùng phát đã buộc chính quyền nhiều địa phương phải áp dụng trở lại các lệnh hạn chế và tiến hành xét nghiệm hàng loạt.
Vào mùa cao điểm du lịch năm nay, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc buộc phải khuyến nghị tất cả công ty lữ hành ngừng cung cấp các gói du lịch nhóm đến những khu vực có nguy cơ cao và trung bình. Điều này chắc chắn dẫn đến việc khách hàng không thể tiếp cận một số tour du lịch và sản phẩm du lịch trong một thời gian nhất định.

Theo chuyên gia Huang Weiping, Giáo sư tại Viện Kinh tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc, tất cả những yếu tố trên ảnh hưởng đến hoạt động của người tiêu dùng. Mọi người lo ngại về biến thể virus mới và không muốn một lần nữa đối mặt với rủi ro.

Trong tháng Bảy, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng đã giảm 3% so với dự báo của các nhà phân tích trong cuộc khảo sát trước đó của Reuters. Hơn nữa, người tiêu dùng hầu như “phớt lờ” các sản phẩm không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu.

Ví dụ, doanh số bán nước hoa và mỹ phẩm chỉ tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 6/2021, tăng trưởng của nhóm hàng này so với cùng kỳ năm ngoái đạt 13,5%. Doanh số bán ô tô và các sản phẩm liên quan thậm chí giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Các chỉ số kinh tế khác cũng không đáp ứng được mong đợi của các nhà phân tích. Sản lượng công nghiệp tăng 6,4%, thấp hơn mức tăng 7,8% theo dự đoán. Đầu tư vào tài sản cố định trong giai đoạn tháng 1-7/2021 tăng 10,3%, mặc dù mức tăng trưởng dự kiến là hơn 11%.

Hoạt động ngoại thương đang hồi phục tốt hơn bởi vì các sản phẩm của Trung Quốc bắt đầu thay thế hàng hóa không còn được sản xuất ở các nước khác do các doanh nghiệp ngừng hoạt động. Tuy nhiên, ở đây cũng có những khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực hậu cần.
Các nhà chức trách Trung Quốc hiểu rõ rằng, do những bất ổn mới, nền kinh tế một lần nữa cần được hỗ trợ. Vào tuần này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã bơm 600 tỷ NDT vào nền kinh tế thông qua các khoản cho vay trung hạn.

Trước đó, PBoC đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng. Theo các nhà chức trách, biện pháp này sẽ làm tăng các khoản vay mà ngân hàng có thể cung cấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ tránh kịch bản “tiền rẻ tràn ngập trên thị trường” như một số nước phương Tây đã làm. Trong cuộc họp mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức gần 0-0,25%. Tại châu Âu, lãi suất âm đã phá vỡ quy tắc cơ bản của thị trường tín dụng, cho phép ngân hàng nợ tiền người đi vay.

Trong bối cảnh này, Trung Quốc vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế nhờ lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh. Do đó, bất chấp việc các ngân hàng đầu tư quốc tế như Goldman Sachs hay Nomura đã hạ dự báo tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng vẫn nỗ lực mở rộng thị phần kinh doanh tại thị trường Trung Quốc và đang tích cực hợp tác với các đối tác Trung Quốc.

Động lực này là dễ hiểu, bởi mặc dù Trung Quốc đang gặp khó khăn về kinh tế, nhưng các ngân hàng này tin rằng, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sẽ có thể đối phó với những khó khăn nhanh hơn so với nhiều quốc gia khác./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả