Lý do khiến tăng trưởng tín dụng 7 tháng chỉ đạt 1/3 mục tiêu
Tăng trưởng tín dụng chậm chạp phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỉ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Con số này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 9,54%). Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14 - 15%.
Điều đáng nói, theo những lần công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03%; 3,27% và 4,73%. Như vậy có thể thấy, tín dụng thậm chí đã tăng trưởng âm trong tháng 7 vừa qua.
Lý giải về tốc độ tăng trưởng ì ạch này, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - chỉ ra 4 nguyên nhân chính:
Thứ nhất, do tác động của cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19, lại kết hợp bị ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu nên nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn giảm sút.
Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, tình hình tài chính còn thiếu minh bạch...
Thứ ba, tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản. Tín dụng bất động sản chiếm tỉ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung.
Thứ tư, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả. Tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
"Trong những tháng còn lại của năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra. Đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế" - bà Hà Thu Giang cho biết.
Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, thời gian tới, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt, phù hợp với Việt Nam.
“Nếu theo thông lệ quốc tế hay theo lý thuyết, chắc không ai điều hành như chúng tôi vừa qua, lãi suất cả thế giới lên còn Việt Nam giảm. Đồng tiền của chúng ta nếu điều hành như các nước thì có lẽ đã không giữ được tỷ giá. Việt Nam ngoài điều hành chính sách thì còn yếu tố rất quan trọng là lòng tin, kỳ vọng của thị trường. Điều này đã góp phần giúp giữ được tỷ giá thời gian qua” - ông Tú bình luận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận