Lý do khiến Mỹ lo ngại trước việc Ấn Độ mua dầu của Nga trong khủng hoảng Ukraine
Vừa qua bất chấp các cảnh báo từ phía Mỹ, Ấn Độ vẫn mua dầu của Nga và áp dụng chế độ thanh toán bằng đồng rúp. Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine hiện nay, động thái đó của Ấn Độ khiến Mỹ lo ngại cả về ngắn hạn và dài hạn.
Mỹ thất vọng về Ấn Độ
Tất cả bắt đầu bằng việc Ấn Độ liên tục bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine, khiến Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki phải gọi Ấn Độ là thực hành trung lập "thân Nga".
Sau đó đến lượt Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - Daleep Singh, trong chuyến công du mới đây tới Ấn Độ, cảnh báo các đối tác ở New Delhi về "hậu quả" của cách tiếp cận đó. Một số quan chức Mỹ đã ủng hộ cảnh báo do ông Daleep Singh đưa ra.
Vào hôm 5/4/2022, Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Biden, ông Brian Deese, đã tham gia danh sách trên khi nhận xét rằng Mỹ "thất vọng về các quyết định của cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ". Ông này cho rằng việc Ấn Độ và Trung Quốc nghiêng về Nga sẽ là quá trình đáng kể và kéo dài.
Trong khi đó, bản thân Tổng thống Mỹ Biden thì phát ngôn mềm mỏng hơn. Ông gọi cách tiếp cận của Ấn Độ đối với khủng hoảng Ukraine là "khá chấn động".
Tương tự, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị - Victoria Nuland, thông qua các tương tác ở New Delhi gần đây nhận ra rằng phía Ân Độ có một số "diễn biến tư tưởng và quan điểm". Bà nhận định, quan hệ giữa Ấn Độ và Nga đã trải qua thử thách của thời gian và không phải là thứ mà "Ấn Độ có thể dễ dàng cắt đứt" ngay được.
Trên thực tế, vào giữa khủng hoảng Ukraine, Mỹ thậm chí còn không có một vị đại sứ tại thủ đô New Delhi. Ứng viên đại sứ Eric Garcetti do Tổng thống Biden đề cử vẫn chưa nhận đủ phiếu trong Thượng viện Mỹ và do đó có khả năng bị thay thế bởi một ứng cử viên khác dễ được chấp nhận hơn.
Giới chuyên gia Mỹ tin rằng với cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, New Delhi và Washington đang dịch chuyển vào khu vực khó đoán định.
Mỹ nhận ra mối đe dọa cả về ngắn hạn và dài hạn
Việc Ấn Độ mới đây mua dầu mỏ của Nga với mức giá giảm sâu đã trở thành gót chân A-sin của không chỉ quan hệ song phương Ấn Độ-Mỹ mà còn cả uy tín của chính quyền Tổng thống Biden.
Trước đó Ấn Độ vẫn đáp ứng yêu cầu của Mỹ về ngừng nhập dầu mỏ của Iran và Venezuela. Điều này khiến một số người Mỹ khấp khởi hy vọng và muốn thử vận may tiếp để lôi kéo Ấn Độ quay trở lại quỹ đạo cũ.
Lần này Ấn Độ cũng gặp khó khăn ở chỗ có tới hơn 22.500 công dân đang kẹt trong khủng hoảng Ukraine, khiến Ấn Độ sẽ phải điều phối chặt chẽ với cả Moscow và Kiev.
Ấn Độ có mối quan hệ đối tác quốc phòng lâu đời với Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay, nên sẽ khó có thể lên án đường lối của Nga dù rằng Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng trước đề xuất của Moscow tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, điều khiến Mỹ bận lòng nhất là việc Ấn Độ bắt đầu mua dầu và các mặt hàng của Nga, sử dụng hệ thống thanh toán bằng đồng rupee (của Ấn Độ) và đồng rúp (của Nga).
Thực tế này không chỉ đe dọa phá hoại chiến lược trừng phạt của Mỹ mà về dài hạn còn có thể thôi thúc những nước khác giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ (USD) với tư cách đồng tiền toàn cầu được ưa thích hơn.
Ngoài ra, bước nhảy vọt trong nhập khẩu dầu của Nga xuất sang Ấn Độ dường như giúp cho Tổng thống Nga Putin có được thành công vang dội ở bề nổi.
Cụ thể Ấn Độ mua hơn 13 triệu thùng dầu Nga trong tháng 3/2022, so với tổng cộng 16 triệu thùng cho cả năm 2021. Điều này có thể củng cố thêm ý chí của Nga, đồng thời làm suy yếu các lệnh trừng phạt, vốn dựa vào các cơ chế tài chính thông thường.
Về phần mình, Ấn Độ cố gắng bảo vệ quyền được duy trì các thỏa thuận tốt hơn đảm bảo nhu cầu năng lượng của họ.
Tại sao Mỹ tập trung vào cảnh báo Ấn Độ?
Mặc dù bản thân tiềm năng của Ấn Độ mua dầu của Nga cùng hệ thống trao đổi rupee-rúp có thể không tạo được thay đổi lớn ngay trong địa chính trị toàn cầu, các giao dịch đó hiện nay đã chạm đến một vấn đề nhạy cảm của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden. Việc Ấn Độ vẫn tiếp tục mua dầu của Nga (bất chấp cảnh báo của Mỹ) có thể sánh với việc Ấn Độ kích nổ vũ khí hạt nhân đầu tiên của họ vào tháng 5/1974, khi Ấn Độ thách thức chính sách của Mỹ về không phổ biến vũ khí hạt nhân một cách bừa bãi.
Hiện nay Mỹ đang khá lo ngại về việc không ép được Nga theo ý mình. Một số nước như Australia, Anh, Canada, và bản thân Mỹ đã cấm mua dầu của Nga nhưng các nước cấm này đều vốn không phải là khách hàng dầu mỏ lớn của Nga.
Trên thực tế, chính Trung Quốc mới là nước nhập khẩu dầu Nga nhiều nhất, chiếm tới gần một nửa tổng mặt hàng dầu xuất khẩu của Nga. Hiện nay, chính quyền Biden không có phương tiện nào để buộc Bắc Kinh phải thay đổi quan điểm - Trung Quốc tiếp tục mở rộng việc nhập khẩu dầu từ nước Nga.
Điều đặc biệt gây nản lòng cho chính quyền Biden là 9 nước kế sau Trung Quốc về mua nhiều dầu của Nga nhất lại là Đức, Hà Lan, Mỹ, Ba Lan, Hàn Quốc, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, và Anh. Bảy nước còn lại ngoài Mỹ và Anh đều tiếp tục mua dầu mỏ của Nga. Riêng Đức và Hungary còn công khai phản đối bất cứ sự cắt giảm vội vã nào do e sợ điều này sẽ đẩy kinh tế của họ rơi vào suy thoái.
Do vậy Mỹ rất khó khuyên nhủ các nước ngừng mua dầu của Nga. Thay vào đó, Mỹ nhận thấy nhiệm vụ dễ dàng hơn là gây sức ép với Ấn Độ - quốc gia tuy là nhà nhập khẩu dầu đứng thứ 3 thế giới nhưng lượng dầu nhập từ Nga chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng số của họ, còn từ Mỹ chiếm tới hơn 7%.
Một báo cáo của BBC mới đây cho hay, tới 55% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ là đến từ Mỹ và các đồng minh thân cận như Iraq, Saudi Arabia, và UAE./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận