menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Anh

Lý do khiến Mỹ chìm trong vòng xoáy biểu tình bạo lực lớn nhất lịch sử

Washington Post dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết, đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, lan rộng hơn 650 thành phố và trải khắp 50 tiểu bang.

Biểu tình đã lan rộng khắp các thành phố và nông thôn của Mỹ. Phản ứng của người dân cũng dữ dội và quyết liệt hơn.

Hàng nghìn người Mỹ đã xuống đường biểu tình để phản đối phân biệt chủng tộc và kêu gọi chống các hành vi bạo lực của cảnh sát sau cái chết của công dân da màu George Floyd.

Lý do khiến Mỹ chìm trong vòng xoáy biểu tình bạo lực lớn nhất lịch sử

Người biểu tình vây kín cơ quan cảnh sát tại thành phố Minneapolis, Mỹ. Ảnh:AP.

Tại sao cái chết của George Floyd lại tạo ra làn sóng biểu tình dữ dội như vậy?

George Floyd không phải là người Mỹ gốc Phi đầu tiên là nạn nhân của hành vi bạo lực của cảnh sát. Trước đó đã có những cuộc biểu tình và lời kêu gọi thay đổi sau khi Tamir Rice, Michael Brown và Eric Garner tử vong trong các vụ bạo lực của cảnh sát. Nhưng lần này có vẻ khác, phản ứng của người dân kéo dài và lan rộng hơn. Biểu tình đã lan rộng khắp các thành phố và cộng đồng nông thôn của Mỹ với thành phần tham gia chủ yếu là người da trắng. Theo các nhà phân tích, nhiều yếu tố khác nhau đã kết hợp lại tạo thành “cơn bão biểu tình” bao trùm toàn nước Mỹ.

Cái chết của George Floyd quá rõ ràng và không thể biện minh

Nhân viên cảnh sát Derek Chauvin đã quỳ gối ghì lên cổ Floyd trong gần 9 phút, ngay cả khi anh liên tục nói rằng “Tôi không thể thở được”. Cuối cùng Floyd trở nên bất động. Vụ việc được camera giám sát ghi lại rõ ràng.

“Trong những trường hợp trước, các vụ việc thường không rõ ràng, chúng ta chỉ chứng kiến được 1 phần của những gì xảy ra, hoặc cảnh sát nói rằng họ quyết định tấn công bởi lo ngại mạng sống của họ bị đe dọa. Trong trường hợp này, hành động bất công được thể hiện rõ, ai cũng thấy người đàn ông này (Floyd) hoàn toàn không có vũ trang và không có khả năng chống cự”, nhà hoạt động xã hội Frank Leon Roberts nói với BBC.

Một số người lần đầu tiên tham gia biểu tình chia sẻ, việc chứng kiến toàn bộ vụ việc xảy ra với George Floyd khiến họ cảm thấy không thể ở trong nhà thêm nữa. “Có hàng trăm cái chết không được ghi lại trên video. Nhưng tôi nghĩ tính chất bạo lực trong video này đã thức tỉnh mọi người”, cô Sarina LeCroy – một người biểu tình từ Maryland cho biết.

Tương tự, Wengfay Ho – một người biểu tình khác cho biết cô luôn ủng hộ phong trào Black Lives Matter (tạm dịch là “Sinh mạng người da màu cũng quan trọng”), nhưng cái chết của George Floyd giống như một chất xúc tác đặc biệt khiến cô phải tham gia cuộc biểu tình lần đầu tiên.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tỷ lệ thất nghiệp cao

“Lịch sử thay đổi khi có sự hội tụ bất ngờ của các lực lượng”, ông Roberts nhận xét. Cái chết của George Floyd diễn ra trong lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành nghiêm trọng tại Mỹ, khiến người dân phải sống dưới sắc lệnh phải ở trong nhà, kèm theo đó là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất kể từ cuộc đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930.

“Tình huống ở đây là toàn bộ đất nước bị phong tỏa, có nhiều người ở trong nhà xem TV hơn, nhiều người bị buộc phải chú ý, họ khó có thể nhìn đi chỗ khác, họ ít bị phân tâm hơn khi tập trung vào 1 vấn đề”.

Đại dịch đã thay đổi cách thức chúng ta sống và làm việc và khiến nhiều người Mỹ tự hỏi chính họ rằng “những hoạt động bình thường nào không thể chấp nhận được”. Xét ở mức độ thực tế, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 13% tại Mỹ đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người dân có thể xuống đường biểu tình bởi họ không phải thực hiện nghĩa vụ đối với công việc.

Giọt nước cuối cùng làm tràn ly

Cái chết của Floyd xảy ra không lâu sau cái chết của 2 người da màu khác là Ahmaud Arbery và Breonna Taylor.

Arbery, 25 tuổi, bị bắn vào ngày 23/2 khi đang chạy bộ ở Georgia, sau khi một số người dân nói rằng anh ta giống như một nghi phạm trộm cắp. Tiếp đến ngày 13/3, nữ y tá Breonna Taylor, 26 tuổi, bị bắn khi đang ngủ, sau khi ba nhân viên cảnh sát xông vào căn hộ của cô ở Kentucky điều tra ma túy, dù cô không liên quan. Tên của các nạn nhân này đều xuất hiện trên các tấm áp phích trong các cuộc biểu tình Black Lives Matters mới nhất.

Theo nhà hoạt động Roberts, cái chết của Floyd là “cọng rơm cuối cùng làm bùng phát ngọn lửa giận dữ”. Thêm vào đó, vụ việc xảy tra trong năm bầu cử cũng sẽ khiến các chính trị gia chú ý và đưa ra các phản hồi nhiều hơn.

Cuộc biểu tình đa dạng chủng tộc hơn

Mặc dù chưa có số liệu về chủng tộc nhưng nhiều cuộc biểu tình có những người không phải là người Mỹ gốc Phi tham gia.

Chẳng hạn tại Washington D.C, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình vào cuối tuần qua. Khoảng 1 nửa đám đông không phải là người da màu. Nhiều cuộc biểu tình đưa ra những biểu ngữ đặc biệt, khẳng định mong muốn trở thành đồng minh của phong trào ủng hộ quyền lợi của người da màu.

Một cuộc thăm dò do ABC thực hiện cho thấy, 74% người Mỹ cảm thấy rằng vụ sát hại Floyd là một phần của vấn đề lớn hơn cho thấy sự phân biệt đối xử của cảnh sát đối với người người Mỹ gốc Phi. Tỷ lệ này gia tăng đáng kết so với kết quả cuộc thăm dò dư luận năm 2014, sau cái chết của hai công dân da màu Michael Brown và Eric Garner khi 43% người Mỹ đưa ra ý kiến tương tự.

Ngoài những cuộc biểu tình ở các thành phố lớn còn có những cuộc biểu tình ở những thành phố hoặc thị trấn nhỏ, những nơi được cho là có “tình trạng phân biệt chủng tộc rõ rệt nhất” trong đó có thị trấn Anna, ở bang Illinois và Vidor, thuộc bang Texas.

Hành động của cảnh sát có ảnh hưởng như thế nào?

Phần lớn các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ đều diễn ra trong hòa bình và trong một số trường hợp, các nhân viên cảnh sát địa phương cũng bày tỏ sự ủng hộ của họ. Tuy nhiên, ở một số nơi đã xảy ra đụng độ và xô xát giữa người biểu tình với cảnh sát.

Tuần trước, nhà chức trách đã sử dụng vũ lực giải tán những người biểu tình ôn hòa ở một quảng trường bên ngoài Nhà Trắng để mở đường cho Tổng thống Trump đến thăm một nhà thờ ở gần đó. Hàng chục nhà báo đưa tin về cuộc biểu tình cũng cho biết họ phải hứng chịu đạn cao su và bình xịt hơi cay của lực lượng an ninh. Một số người biểu tình đã xuống đường sau khi họ cảm thấy cảnh sát sử dụng vũ lực thái quá.

Theo kết quả thăm dò dư luận của CNN, 84% người Mỹ đánh giá các cuộc biểu tình ôn hòa nhằm chống lại hành vi bạo lực của cảnh sát đối với người Mỹ gốc Phi là hợp lý, trong khi đó 27% thể hiện sự ủng hộ đối với biểu tình bạo lực, mặc dù sự ủng hộ bị chi phối sâu sắc bởi đường lối chính trị.

Biểu tình sẽ đi đến đâu?

Người biểu tình kêu gọi cải cách lực lượng cảnh sát, trong đó có yêu cầu bắt buộc các nhân viên cảnh sát phải mang camera trên người, cắt giảm ngân sách cho lực lượng này hoặc khuyến khích mọi người đi bỏ phiếu.

Tuy nhiên, nhà hoạt động Roberts cho rằng, còn quá sớm để biết được liệu những cuộc biểu tình hiện tại có dẫn đến thay đổi lâu dài hay không. Nhiều người biểu tình ở Washington D.C cuối tuần qua cho biết, họ cảm thấy đang ở một thời khắc lịch sử và hy vọng mọi thứ sẽ thực sự thay đổi.

Hồi đầu tuần này, Hội đồng thành phố Minneapolis đã quyết định giải thể và xây dựng lại sở cảnh sát của thành phố sau cái chết của Floyd. Mới nhất vào hôm 9/6, Hội đồng thành phố Washington D.C đã thông qua một loạt thay đổi lớn, cấm tuyển dụng những cảnh sát có tiền sử sai phạm nghiêm trọng ở những nơi khác, yêu cầu công bố nhanh chóng danh tính và video chứng minh cảnh sát sử dụng vũ lực với dân thường.

Theo Washington Post, cái chết của George Floyd đã có ảnh hưởng đối với xã hội Mỹ theo những cách thức chưa từng thấy so với các vụ việc trước đây. Tiếng nói chỉ trích đến từ mọi phía, yêu cầu nhà cầm quyền không chỉ giải quyết vấn đề chính sách đối với cộng đồng thiểu số mà xa hơn là xóa bỏ bất bình đẳng và phân biệt chủng tộc. Lời kêu gọi thay đổi không chỉ đến từ các đảng phái mà còn từ lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, các tổ chức học thuật, quan chức thực thi pháp luật và những người khác.

Cuộc bầu cử tháng 11 tới sẽ quyết định ai là người lãnh đạo nước Mỹ trong 4 năm tới, nhưng nó không giải quyết câu hỏi liệu phản ứng hiện tại có biến thành hành động cụ thể trong tương lai hay không. Người đứng đầu Nhà Trắng sẽ phải rất nỗ lực để tạo ra sự thay đổi, như những gì nước Mỹ đã chứng kiến vào những năm 1960 khi Tổng thống Lyndon B. Johnson thúc đẩy Đạo luật Dân quyền năm 1964 và Đạo luật Quyền bỏ phiếu năm 1965./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại