Lý do khiến lợi nhuận ngân hàng suy giảm trong quý 4/2022
Trong báo cáo vừa phát hành, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) thống kê tổng lợi nhuận trước thuế quý 3/2022 của 17 ngân hàng niêm yết tăng trưởng 55,7% so với cùng kỳ.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu tại ACBS còn đánh giá tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ chậm lại kể từ quý 4/2022 bởi 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, thu nhập ngoài lãi sẽ chậm lại theo khó khăn chung của thị trường bất động sản và chứng khoán. Trong đó, thu nhập từ mảng môi giới và dịch vụ ngân hàng đầu tư chịu tác động tiêu cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Còn thanh khoản thị trường bất động sản bị tắc nghẽn gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thanh lý tài sản thế chấp là bất động sản để thu hồi nợ ngoại bảng.
Thứ hai, mặc dù quỹ dự phòng của các ngân hàng đang khá dày và chất lượng tài sản tương đối ổn nhưng bắt đầu suy giảm. Nợ xấu sẽ tăng hơn khi các động thái kiểm soát tín dụng khiến các doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng niềm tin đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp khiến kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản bị tắc nghẽn. Các doanh nghiệp này sẽ đối mặt với áp lực thanh toán khi trái phiếu đáo hạn và áp lực mua lại trái phiếu trước hạn để hạn chế rủi ro pháp lý.
Thứ ba, tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng huy động mới chỉ đạt 4,8%, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng 11,5%. Vốn huy động suy yếu khiến trạng thái thanh khoản trở nên căng thẳng và mặt bằng lãi suất tăng lên. So với thời điểm đầu năm, lãi suất huy động đã tăng 2 điểm phần trăm ở các ngân hàng quốc doanh lớn và tăng 3-4 điểm phần trăm ở các ngân hàng tư nhân nhỏ. Như vậy, chi phí vốn chắc chắn tăng theo.
Thứ tư, chi phí hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là chi phí cho nhân viên sẽ tiếp tục tăng lên do xu hướng chuyển đổi số khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ và thu hút nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phân tích dữ liệu. Đặc biệt, việc giảm lãi suất cho vay trong 2 tháng cuối năm 2022 để hỗ trợ nền kinh tế của Vietcombank và HDBank cũng sẽ tác động tiêu cực nên NIM của các ngân hàng này trong quý 4.
Mặc dù ACBS đánh giá lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng chậm lại trong quý 4/2022 và kéo dài đến 6 tháng đầu năm 2023, tuy nhiên với định giá đang ở mức thấp, cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ là những cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn.
Thậm chí, trong ngắn hạn, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng các thay đổi về chính sách và tình hình vĩ mô diễn biến theo hướng tích cực sẽ là những chất xúc tác cho giá cổ phiếu ngành ngân hàng hồi phục.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận