menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Phương Khánh

Lý do gì 'ném đá' fan cuồng Blackpink

Thần tượng ai đó, thậm chí phát cuồng, là một tương tác xã hội phổ biến, chẳng có lý do gì phải hằn học với các bạn trẻ cuồng Blackpink.

Rảo một vòng các bài đăng về độ cuồng nhiệt của fan Việt với concert đầu tiên của nhóm nhạc Blackpink tại Hà Nội, rất dễ thấy các bình luận chỉ trích mà đa phần đều nhắc đến phụ huynh của các bạn trẻ. Chỉ trích tuy nhiều nhưng chung quy đều xoay quanh nội dung: "Cha mẹ sẽ buồn khi thấy con mình cuồng thần tượng như vậy", đồng thời kêu gọi các bạn trẻ hãy thể hiện sự thần tượng với cha mẹ thay vì nghệ sĩ. Họ cũng cho rằng, việc bỏ hàng triệu, thậm chí chục triệu đồng mua vé xem ca nhạc là phung phí tiền của gia đình.

Tôi là một khán giả trung lập, không tôn thờ hay sùng bái Blackpink, phụ huynh, hay bất kỳ ai. Có phải bạn chỉ trích những bạn trẻ cuồng thần tượng vì muốn khuyên răn? Đầu tiên, cần làm rõ cơ sở của các chỉ trích. Theo lẽ thường, người ta hay đưa lời răn dạy khi thấy ai khác có hành vi sai lệch đạo lý. Như vậy, hẳn những người chỉ trích kia cho rằng fan của các nhóm nhạc Blackpink là những người thiếu trân quý và kính trọng đấng sinh thành của họ. Người phê phán hẳn cũng cho rằng việc hâm mộ thần tượng là sai, nên mới chỉ trích dưới hình thức lời khuyên "đừng làm điều này mà hãy làm điều kia, vì thế này sai còn thế kia mới đúng".

Tóm lại, cuồng thần tượng không liên quan gì tới sự tôn kính dành cho cha mẹ và ngược lại. Hãy thử đặt mình vào tình huống giả định thế này: Bạn làm việc trong một công ty, ở đó có một đồng nghiệp rất hâm mộ cựu cầu thủ David Beckham, nhưng bạn không biết điều đó. Một hôm, người này xin ứng lương vì cần mua một sản phẩm đắt tiền mà không có nhu cầu sử dụng. Vì tò mò, bạn hỏi ra mới hay về buổi sự kiện quảng bá với sự góp mặt của Beckham cho sản phẩm kia, chỉ cần sở hữu là đủ điều kiện tham dự.

Khi biết người đồng nghiệp vì muốn gặp thần tượng mà sẵn lòng mua một thứ không xài tới, bạn đã thẳng lời chỉ trích: "Cậu tệ quá, không biết cha mẹ cậu ở nhà đã được cậu đối xử như vậy chưa? Sao cậu lại thần tượng một người chưa nuôi lớn cậu ngày nào như vậy? Cậu cần dành điều đó cho cha mẹ mình thì hơn...".

Nếu ở vị trí người đồng nghiệp trong tình huống trên, tôi sẽ thấy bạn vô duyên hết sức khi tự dưng phán xét sở thích riêng của tôi, vốn không tác động gì đến bạn. Tiếp theo, tôi sẽ thấy đầu óc bạn có vấn đề khi cho rằng "vì hâm mộ Beckham nên tôi không làm tròn chữ hiếu". Mối quan hệ gia đình tôi như thế nào và tôi kính yêu đấng sinh thành của mình ra sao bạn hoàn toàn không biết, nhưng vẫn quy tội tôi chưa vẹn toàn đạo làm con vì một nguyên do hoàn toàn không liên quan, đó là tôi muốn gặp thần tượng của mình.

Tôi vắt nát não vẫn không thể tìm được sợi dây liên kết hay bằng chứng nào cho thấy khi càng dành tình cảm cho thần tượng, người ta sẽ giảm tình cảm cho cha mẹ, gia đình mình. Trong mọi kết nối xã hội mà chúng ta tạo ra trong suốt cuộc đời, kết nối giữa cha mẹ và con cái luôn rất đặc biệt, vì chỉ tồn tại độc nhất một quan hệ được thiết lập.

Chúng ta có thể có nhiều anh chị em, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp, kẻ thù, người yêu, vợ chồng, con cái... nhưng cha mẹ luôn chỉ một, không ai có hơn. Mối quan hệ này đặc biệt nên nó cũng có vị trí đặc biệt trong mỗi chúng ta, hầu như không thể bị tác động bởi các quan hệ khác xung quanh. Điều này thể hiện qua việc, dù tiếp xúc và trải nghiệm đủ loại người ngoài xã hội, hình ảnh cha mẹ trong mắt chúng ta không vì thế mà thay đổi.

Và mỗi người, mỗi nhà, lại có một văn hóa giáo dục riêng, ảnh hưởng đến cách họ đáp lại tình yêu vô điều kiện của cha mẹ. Tất cả điều này càng cho thấy rằng, việc khẳng định ai đó sẽ thiếu kính yêu với phụ mẫu chỉ vì chạy theo thần tượng là không hợp lý. Việc thần tượng ai đó đến phát cuồng hoàn toàn có thể diễn ra song hành cùng việc một lòng kính yêu cha mẹ, vì đây là hai vấn đề khác biệt, không thể tác động nhân - quả với nhau.

Dạy con thần tượng bố mẹ thay vì 'đu idol'

Khía cạnh tiếp theo trong lời phê bình mang tính khuyên răn là vấn đề sai hay đúng? Nhiều người cho rằng việc hâm mộ cuồng nhiệt nghệ sĩ là không nên, thậm chí sai trái (thấy sai nên mới khuyên cho đúng). Thậm chí, có người còn kêu "dẹp luôn show ca nhạc đi cho lành". Nhưng liệu ai có thể trưng ra được bằng chứng cho thấy việc hâm mộ thần tượng và trình diễn ca nhạc này dẫn đến tiêu cực xã hội hay gây hại cho quyền lợi của mỗi người? Hay chỉ đơn thuần là bạn không ưa nên nói thế?

Nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên, chính khách, doanh nhân... được xếp vào cùng một nhóm trong phân cấp xã hội, gọi là "celebrities" (người nổi tiếng). Họ nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, hoạt động khác nhau, đóng góp giá trị phát triển xã hội ở từng phân khúc cụ thể, và có vô vàn người hâm mộ. Người thần tượng nhóm nhạc Blackpink cũng như fan cuồng Ronaldo, Messi... hay người ái mộ các cựu tổng thống Trump, Obama... hay bất kỳ nhóm fan nào khác, xét cho cùng họ cũng đều giống nhau.

Bạn có thể không thích loại hình nghệ thuật của nghệ sĩ nào đó, xem rằng nó vô giá trị với bạn, nhưng nó có thể đầy ý nghĩa với người khác thì sao? Mỗi chúng ta đều có sở thích riêng, đam mê riêng, cách giải trí riêng... Tất cả đều cần được tôn trọng, trừ khi chúng gây phiền nhiễu đến người khác. Bạn có thể thấy chướng mắt với cảnh người ta tụ tập đón thần tượng, nhưng cần hiểu rằng điều đó không hề mang tính tiêu cực. Tôi để ý các thương hiệu quần áo hay ẩm thực mới mở ra, có nhiều người xếp hàng chờ đón, cũng bị chỉ trích. Bạn không ưa sản phẩm đó thì cũng không nên hằn học, lên án chọn lựa của người khác.

Sẽ chẳng sao hết, thậm chí còn khuyến khích nếu các bạn bày tỏ quan điểm riêng "tôi không thích cái này", "tôi nghĩ phải làm thế kia mới đúng"... Nhưng câu chuyện vô cùng khác khi bạn nói rằng "tôi không thích nhìn người ta làm chuyện này, họ phải làm thế kia mới đúng"... do nó đã vượt giới hạn một quan điểm cá nhân. Ai đó sẽ bảo họ tự do nói mọi điều mình muốn, miễn không nhằm kích động, lừa lọc, vu khống...? Dĩ nhiên bạn có quyền đó, vì đâu ai cấm bạn vô duyên, phải không?

Thần tượng ai đó, thậm chí phát cuồng, là một tương tác xã hội rất phổ biến. Việc hâm mộ giúp mang đến động lực để người ta phấn đấu tốt hơn mỗi ngày. Nhưng vì sự cảm tính trong quá trình thần tượng hóa dễ tạo thành bẫy lý trí, sẽ là tai họa khi tôn thờ luôn cả những cái sai, cái xấu của một người và từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội.

Tôi tin rằng, mọi cá nhân trên đời, dù xuất chúng đến mấy, cũng chỉ là con người với cái hay, cái dở riêng. Vậy nên, không có ai để tôi phải thần tượng hay sùng bái cả. Thay vào đó, tôi chọn ngưỡng mộ một người vì những phẩm chất và thành tựu của họ, đồng thời xem xét các khía cạnh mà họ không hoàn hảo như một bài học cần tránh cho mình.

Ngoài ra, tôi sẽ chẳng có ý kiến gì về việc người khác thần tượng nhau ầm ĩ ngoài kia. Nếu không thích điều gì đó, tôi chỉ cần không quan tâm đến, chúng sẽ tự khắc vô hình. Ném đá hay chỉ trích ai đó chỉ vì sở thích riêng của họ là điều mà tôi không bao giờ làm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả