Lý do Fed tiếp tục tăng lãi suất bất chấp khủng hoảng ngân hàng
Ngày 3/5 vừa qua theo giờ địa phương, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất của ngân hàng này lên mức cao nhất kể từ năm 2007. Fed đưa ra quyết định này trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại vừa và nhỏ Mỹ tuyên bố phá sản và lạm phát Mỹ tiếp tục tăng.
Mục đích của Fed là một mặt đảm bảo lợi ích cốt lõi của các tổ chức liên quan đến Fed không bị tổn hại, mặt khác, thông qua hoạt động sáp nhập và mua lại, vấn đề quá nhiều ngân hàng vừa và nhỏ ở Mỹ có thể được giải quyết.
Thực tế cho thấy chính sách này của Fed đã thu được hiệu quả rõ rệt. Các ngân hàng vừa và nhỏ ở Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, họ đã mua một lượng lớn trái phiếu Chính phủ Mỹ, nên khi Fed tăng lãi suất, họ bị thua lỗ. Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, sẽ ngày càng nhiều ngân hàng vừa và nhỏ Mỹ phải xin sự trợ giúp. Do vậy, Fed có thể nhân cơ hội này mở rộng phạm vi ảnh hưởng và chi phối thị trường tài chính Mỹ.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ của Fed tuân theo Đạo luật Dự trữ Liên bang do Quốc hội Mỹ ban hành. Khi xây dựng các chính sách tiền tệ để giải quyết vấn đề lạm phát, Fed phải cân nhắc tình hình kinh tế, tài chính của Mỹ.
Lý do Fed tiếp tục tăng lãi suất bất chấp nhiều ngân hàng vừa và nhỏ của Mỹ đang trên bờ vực phá sản có thể là để giải quyết căn bản vấn đề phân tán quyền lực của Fed, từ đó giúp Fed có vai trò lớn hơn trong nền tài chính Mỹ. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, chính sách tiền tệ của Fed đã đặt chính phủ liên bang Mỹ vào tình huống tương đối khó xử. Trong khi Chính phủ liên bang Mỹ cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng chi tiêu và quy mô nợ, thì Fed lại tăng lãi suất, qua đó gây ra hiện tượng thắt chặt tiền tệ. Điều này không có lợi cho Chính phủ liên bang Mỹ trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng chi tiêu.
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ đã không phản đối chính sách tiền tệ của Fed. Lý do là vì chính sách tài khoá, chính sách quân sự của Washington và chính sách tiền tệ của Fed là nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế của Mỹ. Cả ba phụ thuộc lẫn nhau và không thể thiếu bất kỳ yếu tố nào.
Chính phủ liên bang Mỹ đã tăng nợ để có thêm ngân sách dành cho quân sự. Fed phát hành đồng USD, mua trái phiếu do Chính phủ phát hành và điều chỉnh lãi suất đồng USD để huy động nguồn vốn từ khắp nơi trên thế giới. Trong nửa thế kỷ qua, cấu trúc tam giác kinh tế đặc biệt này đã giúp nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh mẽ.
Nhiều người vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ. Họ xem Mỹ là quốc gia có thành tích tốt nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Một bài viết đăng trên tạp chí The Economist đã ca ngợi kinh tế Mỹ đang “bỏ xa các nước khác”. Tuy nhiên, Giáo sư Graham Allison của Trường hành chính công Kennedy thuộc Đại học Harvard (Mỹ) đã nhấn mạnh rằng nhiều người đã cố tình phớt lờ sự tăng trưởng của Trung Quốc. So với Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Anh, Mỹ dẫn đầu về kinh tế và khoảng cách này vẫn đang được nới rộng, nhưng so với Trung Quốc thì không hẳn vậy.
Ở một quốc gia theo chủ nghĩa tư bản như Mỹ, muốn Fed xây dựng chính sách tiền tệ dựa trên lợi ích quốc gia là việc không hề dễ dàng. Đối với Chính phủ liên bang Mỹ, chính sách tài khóa gần như là chính sách kiểm soát vĩ mô duy nhất. Với chính sách tài khóa, ngoài việc tăng chi tiêu, Bộ Tài chính Mỹ không còn nhiều dư địa để xoay sở. Để giải quyết nguy cơ vỡ nợ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã cố gắng hết sức để đóng băng quỹ hưu trí Mỹ và các quỹ khác vốn nên được chi trả, nhằm giữ cho quy mô thâm hụt tài khóa của Mỹ thấp nhất có thể so với giới hạn trên do Quốc hội Mỹ đặt ra. Tuy nhiên, trước kế hoạch điều chỉnh do đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đề xuất, Chính phủ liên bang không thể làm gì hơn.
Các nghị sĩ Quốc hội Mỹ thuộc đảng Cộng hòa nhận ra rằng việc tăng chi tiêu là điều cần phải làm. Tuy nhiên, để kiểm soát chính quyền đảng Dân chủ, chiến lược được các nghị sỹ Quốc hội thuộc đảng Cộng hòa Mỹ áp dụng là tăng trần thâm hụt tài khóa của Mỹ thêm 1.600 tỷ USD.
Biện pháp này có thể giúp họ tránh được cáo buộc của công chúng rằng Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát từ chối hợp tác với chính sách tài khóa của chính phủ đảng Dân chủ, đồng thời có thể đặt chính phủ đảng Dân chủ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu thực hiện theo kế hoạch do các nghị sỹ Quốc hội thuộc đảng Cộng hòa đề xuất, Chính phủ đảng Dân chủ sẽ sớm phải đối mặt với vấn đề giới hạn trên của thâm hụt tài khóa bị phá vỡ trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, nếu không chấp nhận kế hoạch này, Chính phủ đảng Dân chủ sẽ phải gánh chịu nhiều rủi ro do tình trạng chính phủ vỡ nợ gây ra.
Trong quá trình bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc, nước này nên cố gắng giảm thiểu những rủi ro quy mô lớn. Trung Quốc vẫn là chủ nợ chính của Mỹ khi nắm giữ lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ trị giá hơn 800 tỷ USD. Dù con số này không lớn so với số trái phiếu kho bạc Mỹ được mua bởi Fed và các tổ chức tài chính Mỹ, nhưng việc Trung Quốc mua trái phiếu Chính phủ Mỹ có hiệu ứng lan tỏa. Nếu Trung Quốc không tiếp tục mua bán trái phiếu kho bạc Mỹ, tin rằng các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi thị trường sẽ hành động tương tự.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận