24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lý do Elon Musk, Mark Zuckerberg khó làm siêu ứng dụng

Siêu ứng dụng là tham vọng của nhiều ông lớn công nghệ ở Thung lũng Silicon, nhưng được đánh giá khó thực hiện ở phương Tây.

Siêu ứng dụng - một ứng dụng thực hiện nhiều nhiệm vụ, chức năng khác nhau - hiện khá phổ biến ở nhiều nước như WeChat có hơn một tỷ người dùng ở Trung Quốc, Careem ở Trung Đông, Rappi ở Mỹ Latinh và Grab ở Đông Nam Á cũng đặt mục tiêu thu hút hàng trăm triệu người dùng.

Các CEO công nghệ muốn nhân rộng mô hình này ở phương Tây. Tháng trước, Meta được cho là đang tìm cách biến WhatsApp thành siêu ứng dụng để tăng nguồn thu khi canh bạc metaverse quá mạo hiểm. Hồi giữa năm, Elon Musk cho biết việc mua Twitter sẽ phục vụ cho tham vọng "siêu ứng dụng X" của ông. Gần nhất, Microsoft cũng đang xem xét xây dựng siêu ứng dụng nhằn lấn sân sang các dịch vụ tiêu dùng. Ngoài ra, Evan Spiegel của Snapchat cũng ấp ủ dự định tương tự.

Rào cản thanh toán di động

Theo Business Insider, siêu ứng dụng là một tham vọng lớn. Tất cả hiện lấy WeChat làm hình mẫu. Thực tế, quy mô ứng dụng của Tencent nhỏ hơn so với các công ty công nghệ lớn của Mỹ xét theo số lượng người dùng, nhưng có một thứ tất cả ông lớn ở Thung lũng Silicon đều khao khát: sự tập trung của người dùng.

Đến nay, có khá ít thống kê về quy mô của WeChat. Tuy nhiên, số liệu từ Mary Meeker năm 2017 cho thấy thời gian người Trung Quốc dành thời gian cho ứng dụng này tổng cộng tới 1,9 tỷ giờ mỗi ngày, nhiều hơn bất kỳ ứng dụng nào khác nếu xét về yếu tố thời gian.

Đầu năm nay, Musk đánh giá WeChat là "Twitter cộng với PayPal cùng rất nhiều thứ khác, tất cả hợp thành một". Tại Meta, Zuckerberg đang muốn điều tương tự. Ông đã thất bại với dự án thanh toán Lia/Diem, nhưng các sản phẩm khác như Instagram và WhatsApp đang phát triển mạnh về chức năng thanh toán và thương mại điện tử.

Theo Media, Culture & Society, cốt lõi cho sự thành công của một siêu ứng dụng là chức năng thanh toán. Tuy vậy, đây là vấn đề khó giải quyết đối với Thung lũng Silicon.

Thanh toán mọi thứ thông qua một ứng dụng duy nhất trên smartphone ở Mỹ còn tương đối hiếm. Theo nghiên cứu của eMarketer, một nửa số người dùng điện thoại ở Mỹ sẽ chấp nhận thanh toán di động vào cuối 2025. Trong khi đó, 64% dân số Trung Quốc đã làm điều này từ 2021, theo China UnionPay.

"Các công ty sẽ gặp khó khăn trong việc tạo ra sự kết dính cần thiết để làm cho một siêu ứng dụng hoạt động theo cách WeChat đã làm: kết hợp giữa dịch vụ và thanh toán để đảm bảo mọi người không phải tìm kiếm các chức năng rời rạc ở nơi khác", một chuyên gia bình luận.

Mỹ không phải Trung Quốc hay Ấn Độ

Trong sách trắng xuất bản năm 2020 của công ty quản lý tài sản CPP Investments có trụ sở tại Canada, các siêu ứng dụng ở châu Âu và Mỹ "dự kiến phát triển khác" so với châu Á hay Mỹ Latinh, nơi có "những lỗ hổng nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng" và thanh toán điện tử không phổ biến. Chẳng hạn ở Ấn Độ, gần 1/4 người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng, nên siêu ứng dụng có thể dễ dàng thu hút lượng người dùng lớn đến với thế giới "tất cả trong một". Ở Trung Quốc, smartphone là thiết bị truy cập Internet đầu tiên đối với phần lớn dân số.

Trong khi đó, ở Mỹ và châu Âu, người dùng có rất nhiều lựa chọn cho thanh toán. Do đó, một siêu ứng dụng mới sẽ khó được chấp nhận ở quy mô lớn, nhất là khi nó quá phức tạp do tích hợp nhiều tính năng, còn mọi người đã quá quen với cái cũ.

Bức tường quản lý và Apple

Việc xây dựng một siêu ứng dụng của Thung lũng Silicon cũng sẽ vấp phải hai rào cản khác: Cơ quan quản lý của chính phủ và kho ứng dụng App Store.

Tại Mỹ, dưới thời Chủ tịch Lina Khan, Uỷ ban Thương mại liên bang FTC đang tập trung mạnh mẽ hơn vào cạnh tranh và quyền riêng tư của người dùng. Việc tạo ra siêu ứng dụng gần như chắc chắn sẽ hình thành hàng loạt vụ sáp nhập công ty - điều sẽ rơi vào tầm ngắm của các cơ quan giám sát và quản lý.

Apple cũng là lý do khiến các siêu ứng dụng khó thành hiện thực. Theo CPP Investments, App Store có thể tạo nên thành công hoặc làm thất bại một ứng dụng do đây là nền tảng phổ biến, nổi tiếng nghiêm khắc và có tác động lớn. "Apple có thể không chấp thuận những ứng dụng đòi hỏi các loại quyền truy cập vào thiết bị mà chúng cần để hoạt động như một siêu ứng dụng", sách trắng của công ty này nêu.

Ngoài ra, việc quá phụ thuộc vào một siêu ứng dụng cũng có thể là nhược điểm. Trước đó, hàng triệu người ở Hàn Quốc "như quay về thời mạng 2G" khi siêu ứng dụng KakaoTalk gặp sự cố và ngừng hoạt động. CNBC đánh giá, cú sập của KakaoTalk phơi bày nhược điểm của chính sự tiện dụng của "mọi thứ trong một". Việc phụ thuộc vào một ứng dụng duy nhất khiến người dùng gặp phiền phức, bị động, thậm chí là hoảng loạn nếu nền tảng đó gặp vấn đề không thể truy cập.

"Rõ ràng, có rất nhiều chướng ngại vật trên con đường đi đến một siêu ứng dụng của Thung lũng Silicon. Nhưng cơ hội mà một siêu ứng dụng mang lại cũng rất hấp dẫn. Đó là giấc mơ mà nhiều CEO công nghệ khó có thể bỏ qua", Business Insider bình luận.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả