Lý do bất động sản dẫn đầu về thu hút vốn FDI đầu năm 2024
Đây là lần đầu tiên lĩnh vực kinh doanh bất động sản vượt qua ngành công nghiệp chế biến, chế tạo để dẫn đầu về thu hút vốn FDI trong tháng đầu năm 2024.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-1-2024, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 2,4 tỉ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023.
Vốn FDI đổ vào bất động sản tăng gấp 2 lần
Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh bất động sản được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký hơn 1,24 tỉ USD, chiếm gần 62%.
Đây là lần đầu tiên kinh doanh bất động sản vượt qua ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về thu hút vốn FDI. Tính đến ngày 20-1-2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới vốn FDI đạt khoảng 716 triệu USD, chiếm 36%; các ngành còn lại đạt 51,6 triệu USD, chiếm 2,6%.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,25 tỉ USD, chiếm 56% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 22 triệu USD, chiếm 19% giá trị góp vốn.
Như vậy, tính chung tháng 1-2024, tổng vốn FDI đăng ký vào ngành kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,27 tỉ USD (gấp 2 lần so với cùng kỳ).
Lý do nhà đầu tư ngoại đặt niềm tin vào bất động sản
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - chuyên gia bất động sản cho biết khi doanh nghiệp bất động sản trong nước suy yếu sẽ là thời cơ để nhà đầu tư nước ngoài tiến hành mua bán, sáp nhập (M&A) để nắm phần lớn cổ phần hoặc thâu tóm các dự án với giá rẻ.
Dòng vốn FDI tập trung vào những dự án bất động sản có dòng tiền nhanh thông qua M&A các dự án văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ và khu công nghiệp.
Nếu biên độ lợi nhuận hấp dẫn so với chi phí tài chính và rủi ro lạm phát thì Việt Nam vẫn là nơi thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Những nhà đầu tư ngoại nhòm ngó bất động sản Việt Nam chủ yếu trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hong Kong.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, đánh giá vốn FDI là một kênh thu hút vốn quan trọng của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng. Tuy nhiên, dòng vốn FDI cũng chỉ là một trong nhiều dòng vốn vào bất động sản và chiếm tỉ trọng không quá lớn.
Đối với dòng vốn từ nước ngoài, thời gian qua xu hướng M&A của các nhà đầu tư ngoại tăng mạnh. Đây là xu hướng chung và các nhà đầu tư nước ngoài khá thích hình thức đầu tư này. Lý do là các nhà đầu tư nước ngoài tìm được doanh nghiệp phù hợp, vừa có giá cả tương xứng vừa tiết kiệm được thời gian, thủ tục, xây dựng bộ máy.
Theo ông Thịnh, hiện các luật quan trọng ảnh hưởng tới thị trường bất động sản rất lớn đã được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ năm 2025 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản.
Đồng thời năm 2023, Việt Nam vẫn kiểm soát lạm phát hợp lý, kinh tế tăng trưởng, tình hình chính trị ổn định. Đặc biệt trong năm 2024 sẽ đẩy mạnh đầu tư công tại nhiều tỉnh thành, tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, lãi suất hạ, gỡ vướng dự án... mở ra nhiều cơ hội phục hồi thị trường bất động sản.
“Những yếu tố tích cực, tạo sự phát triển ổn định bền vững trên giúp nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và ngành bất động sản nói riêng. Nhà đầu tư vẫn ưu tiên bất động sản vì mang tính ổn định, thu hút được nguồn vốn lớn so với các ngành khác” - ông Thịnh phân tích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận