Luxstay vừa có màn gọi vốn 6 triệu USD kỉ lục trên Shark Tank Việt Nam
Điểm mấu chốt của màn gọi vốn "Song Dũng" không phải vì Luxstay không có đủ nguồn lực trong cuộc chơi này, mà theo shark Dzung Nguyễn là vì: "Luxstay muốn đi nhanh hơn. Bởi chỉ có tốc độ và sự tiên phong mới làm nên sự khác biệt".
Mới đây, chương trình Shark Tank Việt Nam Mùa 3 đã quay trở lại trên sóng truyền hình VTV3 với rất nhiều mong đợi từ phía khán giả, cũng như cộng đồng kinh doanh và khởi nghiệp. Mở đầu mùa này là màn gọi vốn gay cấn đến từ startup Luxstay của gương mặt trẻ Nguyễn Văn Dũng.
Ông Dũng (Steven Nguyễn) là một tỷ phú tự thân, khởi nghiệp từ năm 18 tuổi, có niềm đam mê mãnh liệt với máy tính và Internet. Vị CEO sinh năm 1989 này cũng là người sáng lập Công ty truyền thông trực tuyến Netlink, đồng thời là Chủ tịch Metub Network - mạng lưới Youtube MCN (đa kênh) hàng đầu Việt Nam.
Đến với Shark Tank Việt Nam Mùa 3, ông Dũng mang theo tham vọng xây dựng "startup kỳ lân" Việt Nam - Luxstay, được biết đến nền tảng kết nối cho thuê nhà ngắn hạn có mạng lưới chỗ ở (chung cư, biệt thự, homestay) ở phân khúc trung và cao cấp tại Việt Nam, hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy).
Tham vọng trở thành biểu tượng của Việt Nam
Theo CEO Luxstay, nền tảng này ra đời có 2 lợi thế. Lợi thế đầu tiên là ngành bất động sản Việt Nam đang bùng nổ. Đó là các chung cư, biệt thự, nhà ở được mua để đầu tư và cho thuê. Ông Dũng đánh giá, nguồn tài nguyên này sẵn có và dồi dào hơn mô hình truyền thống là khách sạn, resort.
Lợi thế thứ hai là hiện Việt Nam chưa có một doanh nghiệp nào đủ lớn để dẫn dắt thị trường. Các hình thức cho thuê nhà, cho thuê homestay còn nhỏ lẻ và làm rời rạc. Luxstay ra đời có cơ hội xây dựng một ngành công nghiệp mới, đúng với mục tiêu tiên phong và trở thành số một như đã đề ra.
Trong khi đó, homestay đang là xu hướng trên thế giới. Thậm chí tại một số quốc gia, thị phần của loại hình homestay còn vượt qua cả khách sạn truyền thống. Do đó, Việt Nam chắc chắn không nằm ngoài xu thế này.
“Chúng tôi nhìn thấy từ thị trường nhu cầu lưu trú ngắn hạn rất lớn. Bản thân Luxstay không chỉ đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người đi du lịch, đi công tác, mà còn tạo ra những nhu cầu mới như: thay đổi không gian, tổ chức các sự kiện nhỏ, chủ yếu nhắm vào thị phần chưa ai khai phá”, CEO sinh năm 1989 nói.
Ông Dũng lấy ra dẫn chứng là bài toán của ngành chia sẻ xe. Khi Uber và Grab mới xuất hiện, nhiều người chỉ nhìn vào miếng bánh của thị trường taxi truyền thống. Tuy nhiên, trên thực tế, khi mô hình mới ra đời, Uber và Grab đã tạo ra một thị trường trước đây chưa từng có.
"Việt Nam đặc thù dân số trẻ chiếm tỷ trọng cao, đối tượng tiếp cận các xu hướng mới rất nhanh chóng, đặc biệt là các dịch vụ trên nền tảng công nghệ. Mảng home sharing (chia sẻ chỗ ở - PV) tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh và sẽ phát triển bùng nổ trong những năm tới, đạt quy mô tối thiểu 10%-20% tổng chi tiêu thị trường lưu trú vào khoảng 15 tỷ USD năm 2025", CEO Luxstay chia sẻ.
Còn theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường AirDNA, kinh doanh homestay tại Việt Nam tăng trưởng gấp 5 về số lượng nguồn cung chỗ ở trong một năm qua, cao hơn rất nhiều so với ngành khác sạn truyền thống chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung.
Các khu vực thành phố có doanh thu lớn nhất về homestay hiện nay như: TP. HCM (41,6 triệu USD), Đà Nẵng (19 triệu USD), Hà Nội (13,3 triệu USD), Lâm Đồng (2,2 triệu USD).
Do đó, người Việt Nam nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh trong ngành du lịch đặc biệt là tham gia vào thị trường kinh doanh homestay tạo ra doanh thu khoảng 130 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao.
"Song Dũng" hợp bích
Sau hơn 2 năm hoạt động, Luxstay đặt mục tiêu cán mốc doanh thu hàng năm trên 300 triệu USD vào năm 2023, chiếm lĩnh khoảng 30% thị phần. Bên cạnh đó, Luxstay đang tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư tài chính, các đối tác chiến lược, triển khai vòng gọi vốn tiếp theo Series A quy mô 15 - 20 triệu USD dự kiến hoàn tất trong năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, trước khi đến với Shark Tank Việt Nam, Luxstay đã có 3 lần gọi vốn thành công với tổng giá trị các thương vụ lên tới 168 tỷ đồng. Đáng chú ý, quỹ CyberAgent Ventures của shark Dzung Nguyễn - một trong 5 nhà đầu tư của chương trình, đã có 2 lần bỏ vốn vào Luxstay.
Với triết lý "startup là ngôi sao, và nhà đầu tư phải sát cánh cùng startup trong những lúc thập tử nhất sinh", shark Dzung Nguyễn đã quyết định tư vấn và hỗ trợ cho CEO Nguyễn Văn Dũng trong màn gọi vốn có một không hai ở Shark Tank Việt Nam - khi lần đầu tiên có một nhà đầu tư cùng đứng chung với startup ngay tại chương trình.
Đứng trước câu hỏi hóc búa: "Điều gì làm nên sự khác biệt và thành công ở Luxstay, nhất là trong bối cảnh thế giới đã có Airbnb?", CEO Nguyễn Văn Dũng cho hay: "Đó là quyết tâm và tham vọng lớn của đội ngũ trẻ trung Việt Nam. Đó là việc tạo ra một xu thế để đời, bởi nếu người Việt Nam không làm được, thì sẽ rơi vào tay người nước ngoài".
Ngoài ra, ông Dũng tin rằng, điều tạo nên sự khác biệt lớn giữa Luxstay với Airbnb là một nền tảng toàn cầu chưa có sự tập trung cho thị trường Việt Nam. Luxstay với lợi thế am hiểu tính bản địa sẽ đi rất nhanh, chiếm các thị trường trọng yếu. Và trong tương lai gần, Luxstay sẽ bắt tay với các đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản... - các quốc gia có nhiều khách du lịch tới Việt Nam để mở rộng tập khách hàng.
Bổ sung cho CEO Nguyễn Văn Dũng, shark Dzung Nguyễn đã khơi gợi lại câu chuyện trước khi có Google, Yahoo! từng là đơn vị chiếm lĩnh thị trường công cụ tìm kiếm. Việc ra đời sau không hẳn là sự bất lợi cho Google, mà đó còn là bàn đạp để công ty công nghệ này vươn lên top đầu thế giới sau 20 năm khởi nghiệp.
"Việt Nam không có nhiều sản phẩm công nghệ, mà chủ yếu nằm trong tay của các doanh nghiệp nước ngoài lắm tiền nhiều của. Với nguồn lực Việt Nam, chúng ta phải đánh theo kiểu du kích, nghĩa là đánh bằng trí. Zalo đã đánh bại WeChat, Line ra khỏi Việt Nam... Lazada cũng rất nhiều tiền, nhưng vẫn xếp sau Tiki. Thì câu chuyện của Luxstay, đó là lấy Việt Nam làm trọng tâm, sau đó mới đi ra các nước trong khu vực", shark Dzung Nguyễn nói.
Màn gọi vốn kỉ lục trên Shark Tank Việt Nam
Điểm mấu chốt của màn gọi vốn "Song Dũng" không phải vì Luxstay không có đủ nguồn lực trong cuộc chơi này, mà theo shark Dzung Nguyễn là vì: "Luxstay muốn đi nhanh hơn. Bởi chỉ có tốc độ và sự tiên phong mới làm nên sự khác biệt".
Theo nhà đầu tư này, Luxstay hiện đã phủ sóng toàn quốc, nhưng số liệu này không mang nhiều ý nghĩa. Mà quan trọng là Luxstay đang xây dựng, đồng hành cùng các đối tác kinh doanh, chủ nhà bao gồm các giải pháp hỗ trợ vận hành, quản lý tài sản để giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho chủ nhà muốn tham gia thị trường này - điều mà Airbnb chưa làm được.
Thêm vào đó, Luxstay cũng đang có kế hoạch hợp tác với các chủ đầu tư bất động sản, nhằm mở rộng nguồn cung cho thị trường homestay.
Cuối cùng, sau rất nhiều những thương thảo, cả 3 nhà đầu tư của chương trình là Shark Việt, Shark Hưng và Shark Thủy đều đồng ý mỗi người rót 2 triệu USD cho Luxstay. Đồng nghĩa, startup này đã có màn gọi vốn lên tới 6 triệu USD - kỉ lục chưa từng có trong Shark Tank Việt Nam.
Trước đó, tháng 5/2017 Luxstay hoàn tất vòng gọi vốn Seed Round từ Quỹ đầu tư Genesia Ventures Nhật Bản. Tháng 5/2018 Luxstay huy động thành công 2,5 triệu USD tại vòng đầu tư Pre-Serie A từ CyberAgent Ventures (Nhật Bản), Genesia Ventures (Nhật Bản), ESP Capital (Singapore), Founders Capital (Singapore) và Nextrans (Hàn Quốc).
Tháng 9/2018, Luxstay trở thành đối tác chiến lược tại Việt Nam của Rakuten Travel (thuộc tập đoàn thương mại điện tử Rakuten - một trong những tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản với vốn hoá thị trường lên tới 16 tỷ USD).
Tháng 1/2019, Luxstay lại tiếp tục chứng tỏ sức hút của mình với các nhà đầu tư khi tiếp tục nhận 3 triệu USD từ các quỹ CyberAgent Ventures, Y1 Ventures...
Tháng 5/2019, Luxstay công bố hoàn tất vòng gọi vốn Bridge trị giá 4,5 triệu USD từ 2 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là GS Home Shopping (GS Shop) và Bon Angels.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận