Lưu ý điều này để không mất tiền oan khi mua nhà cuối năm 2020
Cuối năm, nhiều chủ đầu tư tung ra các chiêu trò để kích thích người mua nhà. Tuy nhiên, phía sau luôn kèm rủi ro cần lưu ý.
Cung - cầu đều tăng
Theo dự báo, quý 4 hằng năm, thị trường bất động sản sôi động hơn, nhiều dự án chạy tiến độ để cố hoàn thành kế hoạch năm. Trong khi đó, người dân cũng dành dụm tiền cuối năm mua nhà trước Tết; chủ đầu tư tung ra nhiều chiêu khuyến mại để cầu... Tuy nhiên, bên cạnh những lời chào ngon ngọt luôn kèm theo những rủi ro.
Ông Robert Vũ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần PropertyGuru Việt Nam chia sẻ, theo thống kê, nguồn cung tại cả TP.HCM và Hà Nội đều có sự tăng trưởng vào quý 4/2020.
Lý do thứ nhất: Các ngân hàng đẩy mạnh giải ngân cho vay vốn, thời gian gần đây với động thái giảm lãi suất cho vay mua nhà từ 0,2 - 1,3 điểm %. Người muốn vay mua nhà sẽ được tiếp cận nguồn vốn dồi dào hơn và với lãi suất thấp hơn trước đây. Điều này cũng là một trong các động lực để kích thích người mua nhà vào dịp này.
Động lực thứ hai đến từ nguồn cung đa dạng và nhiều hơn, thể hiện ở tỷ lệ giao dịch những tháng cuối năm luôn tăng cao hơn so với các thời điểm khác trong năm. Năm 2020 chưa có thống kê nhưng theo dữ liệu thu thập được của năm trước, lượng tin đăng trong quý 4/2019 tăng tới 45% so với quý 1/2019. "Điều này phần nào cho thấy, càng về cuối năm người mua sẽ càng có nhiều sự lựa chọn cũng như có sự so sánh về giá cả giữa các dự án trong cùng một khu vực", chuyên gia của nền tảng tìm kiếm BĐS này nhận định.
Thứ ba, các ưu đãi, các chính sách chiết khấu, khuyến mãi... tung ra vào cuối năm từ các chủ đầu tư cũng kích cầu người mua. Nhiều chủ đầu tư có kế hoạch tặng quà như các gói nội thất, tặng vàng hoặc tiền mặt hoặc chiết khấu trực tiếp 5-10% để kích thích khách hàng chốt hợp đồng. Chính vì vậy, người mua cũng có thêm động lực từ các chính sách bán hàng hấp dẫn để quyết định xuống tiền.
Cuối cùng, dịp cuối năm người mua nhà có thể nhận được các khoản thưởng hoặc thu hồi được các khoản doanh thu nên dòng tiền dư dả hơn. Dịp này cũng được đánh giá là thời điểm người mua có thể dễ dàng thương lượng giá cả do nhu cầu thanh lý nhà đất do nợ đến ngày đáo hạn, trả nợ hay đổi nhà mới là cơ hội giúp người mua "săn" được nhà với mức giá hợp lý hơn và dễ dàng thỏa thuận với bên bán để giảm giá bán.
Cẩn thận "bẫy" lãi suất
Tuy nhiên, ông Vũ cũng khuyến cáo, người mua nhà cần tìm hiểu kỹ thông tin và cẩn trọng trước khi ra quyết định, nên lựa chọn chủ đầu tư uy tín.
Người mua nhà không "hoa mắt" trước các khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn, cần ưu tiên giá trị cốt lõi của ngôi nhà và cơ sở pháp lý của dự án.
Hiện nay, một số chủ đầu tư sẽ tung ra mức lãi suất 0% trong những năm đầu để thu hút người mua, vô tình nó tạo thành "bẫy" lãi suất. Do vậy, cần hỏi rõ biên độ lãi suất những năm sau sẽ thay đổi như thế nào, cố định hay thả nổi theo thị trường lãi suất?
Cũng theo ông Vũ, người mua nhà cần tham khảo giá thị trường, tránh mua phải giá "ảo", cũng như cân nhắc mức giá bán tại các khu vực lân cận hoặc các dự án tương tự trong cùng khu vực, tìm hiểu lịch sử giá cả khu vực.
Ngoài ra, các thông tin quy hoạch và tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia hoặc người thân, bạn bè am hiểu về thị trường và giao dịch BĐS trước khi quyết định "xuống tiền" cũng rất quan trọng. "Có một ngôi nhà để ở là mong ước của nhiều người và thời gian để tìm một căn nhà phù hợp, dù là chung cư hay nhà riêng, thường kéo dài 6 - 9 tháng, bạn cũng không nên quyết định vội vàng mà cần tìm hiểu thật kỹ thông tin, cân nhắc tới các yếu tố tài chính, pháp lý trước khi quyết định", ông Vũ nói.
Thị trường đang "ấm" lên?
Trước đó, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) công bố báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý 3/2020 trên cả nước với những số liệu có dấu hiệu khởi sắc.
Cụ thể, tổng lượng sản phẩm nhà ở được bán trên toàn thị trường trong quý 3 đạt 73.933 sản phẩm. Trong đó, chiếm chủ yếu là căn hộ chung cư với 46.773 căn và 27.160 sản phẩm thấp tầng.
Tỷ lệ hấp thụ đạt 26.299 sản phẩm (35,5%), tăng khá mạnh so với con số 7.641 sản phẩm của quý 1/2020 và 12.640 sản phẩm của quý 2/2020. Các sản phẩm được chào bán chủ yếu là hàng tồn từ các quý trước (chiếm khoảng 70%). Tuy nhiên, nguồn cung mới trong quý này đã tăng 21% so với quý 1 và tăng 23% so với quý 2/2020.
Tỷ lệ hấp thụ các sản phẩm mới trong quý đạt 43,4%, tăng gần 4 lần so với quý 1 và 1,4 lần so với quý 2/2020.
"Bước sang quý 4/2020, nếu Việt Nam kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh Covid-19, kinh tế trong nước hồi phục, thị trường BĐS sẽ ấm dần và phục hồi trở lại. Lượng giao dịch, tỷ lệ tiêu thụ trên thị trường sẽ tăng so với quý 3/2020, nhưng giá trên toàn thị trường có thể sẽ không có biến động", VARs nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận