Lương trên 11 triệu đồng mới phải đóng thuế: Hiểu sao cho đúng?
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và quyết định đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức giảm trừ gia cảnh.
Cụ thể, mức giảm trừ cho bản thân sẽ được tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng. Còn giảm trừ cho người phụ thuộc sẽ tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/người/tháng.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật kiêm Phó Tổng thư ký Quốc hội cho biết trong buổi họp báo của Văn Phòng Quốc hội diễn ra chiều nay (18/5).
Theo quy định, nếu chỉ số CPI biến động vượt quá 20% thì Chính phủ sẽ đề xuất lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
“Từ năm 2013 đến nay CPI đã tăng 23,2%. Do vậy, đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng của Chính phủ là phù hợp với biến động tăng của CPI", ông Giang cho biết.
Hiện cả nước có khoảng gần 6,8 triệu người phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Với việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lần này thì sẽ có khoảng 1 triệu người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Điều này sẽ khiến ngân sách hụt thu khoảng hơn 10 nghìn tỷ đồng/năm.
Mức giảm trừ gia cảnh mới này sẽ được tính cho kỳ tính thuế từ 1/1/2020. Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng một tháng, 3,6 triệu đồng với mỗi người phụ thuộc sẽ được xác định lại khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020.
Quyết định này của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được đông đảo người nộp thuế hưởng ứng. Bởi theo họ sau hơn 6 năm áp dụng, kể từ năm 2013, thì mức giảm trừ gia cảnh cũ đã không còn phù hợp.
"Hai vợ chồng tôi có 2 con là người phụ thuộc. Nếu tính theo mức giảm trừ gia cảnh mới thì tổng thu nhập của hai vợ chồng tôi từ 30.8 triệu đồng trở lên mới phải đóng thuế TNCN, thay vì mức 25.2 triệu đồng như trước kia. Điều này sẽ giúp chúng tôi có thêm khoản tiền để cải thiện cho cuộc sống và tích lũy cho tương lai", vợ chồng anh Đào Huy Nam ở quận Đống Đa, Cầu Giấy, TP. Hà Nội chia sẻ.
Theo các chuyên gia, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh mới đã hài hòa giữa lợi ích của người nộp thuế và Nhà nước. Trước đó, có không ít ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cần phải nâng cao hơn nữa, mới đáp ứng được việc hàng hóa trượt giá và nhu cầu đời sống hiện nay.
Nhưng PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan - Học viện Tài chính cho rằng đa số người nộp thuế hiện nay vẫn chưa hiểu đúng bản chất của việc giảm trừ gia cảnh. Việc giảm trừ gia cảnh là để đảm bảo đời sống của người nộp thuế ở mức trung bình của xã hội, sau khi đã nộp thuế.
Hiểu đơn giản là phần giảm trừ cho bản thân và cho người phụ thuộc, cộng với phần thu nhập còn lại sau khi nộp thuế sẽ đảm bảo mức sống trung bình của người nộp thuế.
"Ví dụ giảm trừ 11 triệu không có nghĩa là chỉ chi tiêu trong 11 triệu thôi. Chẳng hạn 1 người độc thân có thu nhập 16 triệu đồng. Khi đó, người này sẽ giảm trừ cho bản thân là 11 triệu, còn thu nhập tính thuế là 5 triệu đồng. Thu nhập tính thuế 5 triệu với mức 5% cho mức đầu tiên, người này nộp 250 nghìn/tháng.
Tức phần thu nhập còn lại của người thu nhập 16 triệu là 15,75 triệu đồng. Như vậy, có thể hiểu rằng phần dành cho người nộp thuế trong trường hợp này còn chi tiêu là 15,75 triệu đồng chứ ko phải 11 triệu đồng. Đây là mức giảm trừ đó rất phù hợp với điều kiện hiện nay", PGS.TS Lê Xuân Trường nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng lên tiếng giải thích về đề xuất nâng mức gia cảnh mới này. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết theo Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ 1/7/2013 thì có quy định “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% thì sẽ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh”. Do vậy, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh phải theo tuân thủ theo sự biến động của giá cả CPI.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận