menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vy Lam

Lượng công nhân có bằng đại học ở Mỹ ngày càng tăng

Công việc sản xuất tại các nhà máy ở Mỹ ngày càng đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao, vì vậy đội ngũ công nhân có trình độ đại học đang tăng qua mỗi năm, vượt số công nhân có bằng cấp trung học phổ thông trở xuống tại nước này, theo một báo cáo nghiên cứu của Wall Street Journal .

Xu hướng tự động hóa tại các nhà máy ở Mỹ đã mở cánh cửa rộng hơn cho các phụ nữ có bằng cấp đại học nhưng chưa có việc làm, đồng thời giảm cơ hội cho những người lao động có kỹ năng thấp.

Erik Hurst, Giáo sư chuyên ngành kinh tế ở Đại học Chicago, nói: “Công nhân từng làm mọi thứ bằng tay. Giờ đây, chúng ta cần những công nhân có thể điều khiển các máy móc phức tạp”.

Kể từ sau cơn đại suy thoái của nền kinh tế Mỹ giai đoạn 2007-2009, các nhà sản xuất ở Mỹ tuyển dụng thêm một triệu lao động, trong đó tỷ lệ nam và nữ công nhân có bằng đại học tăng lên đáng kể. Trong cùng thời gian, họ tuyển dụng các công nhân có trình độ trung học trở xuống với số lượng ít hơn.

Số việc làm mới trong ngành sản xuất đòi hỏi các kỹ năng giải quyết vấn đề có độ phức tạo cao, chẳng hạn như nhân viên kỹ thuật công nghiệp, tăng 10% trong giai đoạn 2012-2018 và những công việc đòi hỏi ít kỹ năng giảm 3%.

Tại phân xưởng sản xuất của Pioneer Service ở ngoại ô TP. Chicago, trong trang phục áo thun và quần jean, các công nhân, trong đó có những người có bằng cấp đại học, sử dụng các mã lập trình để điều khiển robot sản xuất các linh kiện máy bay phức tạp.

Quang cảnh này khác xa thập niên 1990 khi các công nhân của Pioneer Service phải mang đồng phục của công ty nhằm bảo vệ họ khỏi những tia dầu mỡ văng từ những cỗ máy vận hàng bằng tay được sản xuất từ thời thập niên 1960, để sản xuất các linh kiện cho hệ thống tản nhiệt và sưởi ấm. Pioneer vẫn sử dụng 40 lao động bằng thời điểm 2012. Chỉ ít người trong số họ là “lính cũ”, những người gắn bó với Pioneer vào thời máy móc được vận hành bằng tay để sản xuất linh kiện.

Aneesa Muthana, Chủ tịch Pioneer Service, nói: “Giờ đây, công nghệ được sử dụng nhiều hơn, vì vậy, đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn”. Muthana cho biết, bà đã chi hơn 6 triệu đô la Mỹ để đầu tư cho công nghệ, phần lớn là máy móc và phần mềm.

Lương công nhân sản xuất của Pioneer Service khởi điểm ở mức 14 đô la/giờ và tăng lên 27 đô la nếu có thâm niên và kinh nghiệm làm việc.

Pioneer Service cũng sản xuất linh kiện cho xe điện của Tesla và các dòng xe cao cấp khác. Công ty đạt mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay vào năm ngoái.

Lượng công nhân có bằng đại học ở Mỹ ngày càng tăng
Tại các nhà máy ở Mỹ, tỷ lệ công nhân có bằng cấp từ đại học trở lên (màu đỏ) đang tăng nhanh và được dự báo sẽ vượt tỷ lệ công nhân có bằng trung học trở xuống (đường màu nhạt). Ảnh: WSJ

Các cải thiện trong sản xuất đã giúp các nhà máy ở Mỹ hoạt động hiệu quả hơn bao giờ hết dù số lượng công nhân ở Mỹ hiện nay chỉ bằng 1/3 so với con số điểm đỉnh 20 triệu người vào năm 1979.

“Những công nhân hiện nay làm các công việc đòi hỏi khả năng tư duy cao hơn nhiều”, David Autor, Giáo sư chuyên ngành kinh tế ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nói.

Các công ty sản xuất ở Mỹ chỉ tuyển dụng thêm 56.000 việc làm trong năm nay so với con số 244.000 người vào cùng kỳ năm ngoái. Theo dữ liệu liên bang nước này, 40% công nhân làm việc trong ngành sản xuất của Mỹ hiện nay có bằng cấp đại học, tăng lên so với con số 22% vào năm 1991.

Trong tương lai, các khoản đầu tư cho tự động hóa sẽ tiếp tục nâng cao sản lượng của các nhà máy với số công nhân ít hơn. Các vị trí việc làm sản xuất sẽ được lấp đầy bởi các sinh viên tốt nghiệp đại học và các trường kỹ thuật, khiến cơ hội cho những người tốt nghiệp trung học trở xuống ít đi.

Công ty Advantage Conveyor ở Raleigh, bang Bắc Carolina, đã chi 2 triệu đô la trong thập kỷ qua để mua các máy cắt, uốn kim loại và nhựa để sản xuất các băng tải. Vann Webb, Chủ tịch Advantage Conveyor, cho biết những công nhân làm việc tại nhà máy của công ty ông hầu như đều phải có ít nhất là bằng đại học hệ hai năm.

Nhà máy của sản xuất động cơ của Harley-Davidson ở Milwaukee sử dụng các cánh tay robot để chuyển các linh kiện xe máy, một công việc nguy hiểm và lặp đi lặp lại mà các công nhân từng làm trước đây. Giám đốc nhà máy Chuck Statz cho biết máy móc giúp hoạt động sản xuất an toàn hơn. Năm 2018, tại Mỹ số công nhân nhà máy bị thương khi làm việc giảm một nửa so với năm 2003.

Harley-Davidson sử dụng 2.200 công nhân sản xuất trong năm 2018, ít hơn 400 người so với năm 2014 một phần là nhờ máy móc được sử dụng nhiều hơn.

Theo Wall Street Journal

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại