Luna mới có thể thành 'blockchain ma'
Giới chuyên gia cho rằng Luna 2.0 sẽ tồn tại "như một hồn ma" do tính ứng dụng kém, không khác biệt so với các nền tảng khác.
"Tôi nghĩ Terra 2.0 sẽ phải tìm ra một thị trường ngách để tiếp tục hoạt động và cạnh tranh với các đối thủ", Giáo sư Omid Malekan của trường Columbia Business School, nói với Fortune. "Nếu không, Terra mới có thể trở thành một blockchain ma, tức một blockchain tồn tại nhưng có rất ít hoặc không có hoạt động".
Ngày 25/5, CEO Do Kwon của Terraform Labs đã thực hiện kế hoạch hồi sinh blockchain Terra 2.0 (token mới là Luna, còn token cũ đổi thành Lunc) sau hơn hai tuần hệ sinh thái Terra cũ là Luna và stablecoin UST sụp đổ.
Luna mới sau đó được niêm yết trên các sàn giao dịch với giá biến động lớn. Sàn Binance cũng niêm yết tiền số này ở "Khu vực đổi mới" - nơi chứa những token đặc biệt rủi ro khi đầu tư, đồng thời cảnh báo người dùng nên thận trọng.
Trong kế hoạch hồi sinh, Kwon không hề nhắc đến stablecoin nào. Điều này trái ngược với hệ sinh thái Terra đời đầu, khi token quản trị dự án Luna luôn gắn chặt với UST.
"Blockchain Terra mới sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút người dùng", Malekan nhận định. "Trong phiên bản đầu, Terra thu hút nhờ Anchor Protocol, ứng dụng cho vay và đi vay hỗ trợ lãi suất tới 20% mỗi năm, bất chấp khoản tiền gửi thế nào. Bên cạnh đó, một điểm thu hút lớn khác là UST được quảng cáo là hoàn toàn phi tập trung mà không phụ thuộc vào các ngân hàng truyền thống".
Theo ông, blockchain Terra mới hiện thiếu đi cả tính năng cho vay với lãi suất hai chữ số cũng như gắn kết với một loại tiền số ổn định. "Luna 2.0 giờ giống với bao loại tiền số khác, không có sức hấp dẫn với mọi người. Đó chính là vấn đề", Malekan nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, hiện tượng "blockchain ma" từng xảy ra trước đây, như với Litecoin. Trong giai đoạn đầu, Litecoin là một dự án phát triển mạnh, được đánh giá có thể cạnh tranh sòng phẳng với blockchain của Bitcoin. Tuy nhiên, theo dữ liệu của CryptoFees ngày 3/6, phí giao dịch trên toàn hệ thống chưa đến 1.000 USD - một mức rất thấp. Đây là phí được thu bất cứ khi nào người dùng giao dịch trên blockchain và là thước đo tốt cho mức độ mà blockchain đang sử dụng.
"Nếu Terra 2.0 đi theo con đường của các 'blockchain ma' khác, nó có thể tiếp tục tồn tại. Tỷ lệ sống sót của nó vẫn rất cao", Malekan đánh giá. "Nhưng để phát triển mạnh và thực sự trở thành một thế lực lớn của ngành công nghiệp tiền điện tử nói chung, đó là điều vô cùng khó".
Một số chuyên gia khác cũng có cái nhìn bi quan về Luna mới. Theo ông Eric Tran, người đồng sáng lập quỹ Maxx Capital Ventures, Luna 2.0 chỉ đơn giản là để xoa dịu cơn đau cho các nhà đầu tư đã đổ nhiều tiền vào Luna 1.0. "Về bản chất, Luna 2.0 không tạo ra được nhiều lợi ích. Các sản phẩm thuộc hệ sinh thái đều dùng Luna 1.0. Bên cạnh đó, khi Luna 2.0 không còn đồng tiền số ổn định giá (stablecoin) UST, nó không còn quá nhiều giá trị", ông Eric nói.
"Nhiều nhà đầu tư đã mất sạch tiền vào Luna thế hệ đầu tiên và khó có thể tin tưởng Terra lần thứ hai", Vijay Ayyar, đứng đầu mảng quan hệ quốc tế của sàn giao dịch tiền điện tử Luno, nói với CNBC.
Fortune cảnh báo nhà đầu tư có thể ôm hận nếu tiếp tục đầu tư vào Luna mới bởi nó giống "lỗ đen ảo" để hút tiền người chơi, đồng thời cho rằng nó có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. "Khi đó, hãy sẵn sàng cho sự xuất hiện của Luna 3.0", trang này bình luận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận