Lùi tăng lương tối thiểu vùng 2022: Lợi đơn hay thiệt kép?
Nhiều doanh nghiệp đều đã trả mức lương trên mức lương tối thiểu vùng, việc tăng lương tiếp tục sẽ kéo theo gia tăng các khoản phí, bảo hiểm.
Mới đây, 8 Hiệp hội Ngành hàng đã có đề nghị Thủ tướng xem xét và cân nhắc lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng từ 1/1/2023, thay vì từ 1/7/2022 theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian hồi phục và chuẩn bị tốt nhất.
Khó khăn do giá nguyên liệu tăng, chi phí tăng, cộng thêm tình trạng thiếu hụt nhân công đang gây khó cho doanh nghiệp ngành gỗ.
Chia sẻ với báo chí về đề xuất này, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), một trong 8 Hiệp hội có đề xuất trên cho rằng, ngành công nghiệp gỗ cũng như nhiều ngành khác đang chịu áp lực nặng nề của dịch COVID-19, cộng thêm xung đột giữa Nga và Ukraine.
Cụ thể, đại diện VIFOREST cho biết, chi phí nguyên liệu gỗ tăng lên khoảng 30% với gỗ nhập khẩu. Có những nơi cá biệt tăng gấp 3-5 lần, đơn cử như một container chở đồ gỗ từ Việt Nam đi bờ Tây của Mỹ trước có giá là 3.000 - 4.000 USD thì nay đã tăng lên tới 12.000-15.000 USD.
Mặc dù chi phí được chia sẻ giữa người mua và người bán, nhưng vẫn là gánh nặng lớn, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Không chỉ khó khăn do chi phí tăng, ông Hoài còn cho hay doanh nghiệp trong ngành cũng đang bị thiếu hụt nhân công, đặc biệt là các tỉnh Đông Nam Bộ, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM là những nơi tập trung số lượng lớn doanh nghiệp chế biến gỗ.
Theo đại diện VIFOREST, trước đây ngành gỗ đã thiếu nhân công thì sau đại dịch với làn sóng di cư của công nhân, việc thiếu càng trầm trọng hơn. Do đó, doanh nghiệp luôn cố gắng đưa ra các chính sách để thu hút người lao động, cải tiến công nghệ, thiết bị, giảm bớt thâm dụng lao động, giữ chân người lao động.
"Trên thực tế nhiều doanh nghiệp trong ngành đã trả lương gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí là gấp ba lương tối thiểu. Mức lương tối thiểu hiện nay chỉ có ý nghĩa để đóng bảo hiểm. Đặc biệt là khi các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, cạnh tranh lao động rất lớn, nên không chỉ tăng lương mà còn có các chính sách chăm lo đời sống người lao động, cải thiện công nghệ, tăng năng suất, làm thêm ca giúp người lao động tăng thu nhập", ông Hoài nhấn mạnh.
Ông Hoài dẫn chứng thêm, tại Bình Dương hiện nay, mức lương ngành gỗ trả cho lao động trung bình là 7-8 triệu đồng/người, có nơi là 10 triệu đồng/người.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương cũng nhận định, để chia sẻ với người lao động, thực tế doanh nghiệp đã phải trả cao hơn lương tối thiểu từ nhiều năm trước. Đầu năm 2022 đến nay nhiều doanh nghiệp ngành gỗ cũng đã có đợt tăng từ 5-10%. Hiện nay doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Một số chuyên gia cho rằng trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp đều đã trả mức lương trên mức lương tối thiểu vùng, thậm chí gấp đôi và đang hỗ trợ thêm cho người lao động trước những tác động của dịch COVID-19. Nhưng việc tăng lương này sẽ là động thái khiến họ sẽ phải tính toán tăng lương tiếp.
Đáng nói, điều doanh nghiệp lo lắng hơn là câu chuyện tăng lương tối thiểu đi kèm với tăng chi phí đóng bảo hiểm. Đơn cử, đối với các đơn vị quy mô vài ngàn công nhân sẽ tốn thêm vài tỉ đồng cho các khoản phí, bảo hiểm. Đối với các công ty có vài chục ngàn lao động thì tốn thêm vài chục tỉ đồng mỗi năm.
Với quan điểm, chủ trương phát triển ngành gỗ là "win - win, các bên cùng có lợi", ông Hoài cho rằng không thể trông chờ vào nhân công giá rẻ, và cũng không chấp nhận ngành tăng trưởng mà đời sống người lao động không được cải thiện, nên việc tăng lương là yêu cầu thực tế đặt ra, nhưng cần phải có sự chuẩn bị nguồn lực tốt hơn trong bối cảnh doanh nghiệp vừa mới phục hồi sau đại dịch, còn nhiều khó khăn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận