Lực đẩy nào cho thị trường BĐS công nghiệp?
Bất động sản công nghiệp đang chịu sự tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, bất động sản công nghiệp để sở hữu nhiều lực đẩy để tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.
Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI)
Vốn FDI cam kết đến 9 tháng đầu năm 2021 là 22,1 tỷ USD với 1.212 dự án mới đăng ký đầu tư với tổng số vốn 12,49 tỷ USD. Long An đạt 16,42% vốn FDI với 3,6 tỷ USD. Các tỉnh dẫn đầu khác là Hải Phòng 12,21%, TP.HCM 10,62% và Bình Dương 8,08%. Khoản đầu tư từ Singapore là 6,28 tỷ USD, chiếm 28,37% tổng vốn FDI đăng ký, tiếp theo là Hàn Quốc với 3,91 tỷ USD, tương đương 17,67%; và Nhật Bản với 3,26 tỷ USD, tương đương 14,75%. Ngành sản xuất và chế biến có vốn FDI đăng ký 11,83 tỷ USD với 402 dự án mới được phê duyệt, chiếm 53,4% tổng vốn đầu tư, tăng 16,45% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn vốn FDI tăng trưởng này đang tiếp tục thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng
Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 428,81 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu cao nhất đạt 35,7 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,3 tỷ USD, tăng 15,8%. Nhóm ngành có giá trị gia tăng thấp như dệt may và giày dép chiếm lần lượt 10% và 6% tổng kim ngạch xuất khẩu, cho thấy sự thay đổi giá trị của các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc đứng thứ 2 với 32,7 tỷ USD, tăng 19,8% và châu Âu chiếm 26,1 tỷ USD, tăng 14,5%.
Bất chấp một năm 2021 đầy thách thức, Việt Nam vẫn đang tiếp tục chuyển đổi từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp có giá trị cao. Các ngành công nghiệp giá trị thấp đang dần dần hình thành ở những khu vực khác tại Đông Nam Á. Nguyên nhân là do Việt Nam không còn áp dụng các chính sách ưu đãi như trước, nên việc tìm kiếm nguồn lao động cũng như đất đai giá rẻ tại Việt Nam trở nên khá khó khăn. Tuy nhiên, nhà đầu tư của những ngành công nghiệp có giá trị cao tại nước ngoài vẫn lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận