Luật về PPP: Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng
Sự ra đời của Luật về PPP được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn để Việt Nam thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực PPP, trong đó có đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nhất là trong bối cảnh hậu COVID.
Với 92,75% đại biểu Quốc hội tán thành, chiều 18/6 Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật về PPP).
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Như vậy, sau 10 năm chờ đợi, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 71/2020/QĐ-TTg ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, các quy định pháp luật về phương thức đầu tư này đã chính thức được luật hóa.
Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư hạ tầng giai đoạn 2016 -2020, dự báo khoảng 25 tỷ USD/năm, tăng gấp đôi so với mức đầu tư 5 năm trước đó. Nhu cầu lớn là vậy, nhưng trong những năm trở lại đây, rất nhiều các doanh nghiệp trở nên “dè dặt” với hình thức đầu tư PPP. Nhiều doanh nghiệp đang chờ sự ra đời của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật về PPP) để có hành lang pháp lý đầy đủ rồi mới đầu tư.
Và điều này còn có ý nghĩa lớn hơn thế nữa bởi trong bối cảnh COVID đang tác động nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu thì một hành lang pháp lý đầy đủ để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này là điều vô cùng cần thiết. Nói như chuyên gia quốc tế về PPP Đoàn Giang, khi COVID qua đi, việc thu hút đầu tư tư nhân sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Kinh tế khó khăn sẽ làm cho nhà đầu tư tư nhân cẩn trọng hơn khi ra quyết định đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào những thị trường mới nổi và chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện PPP như Việt Nam.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, do ở Việt Nam chưa có hệ thống pháp luật đồng bộ và chặt chẽ thì cần có luật riêng để đảm bảo quản lý chặt chẽ việc và thu hút nguồn lực đầu tư vào các dự án.
Nhiều điều khoản hấp dẫn nhà đầu tư
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, dự án luật quan trọng này ra đời nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Quy định này cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP.
Về hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP, Luật quy định bao gồm: Tờ trình đề nghị quyết định chủ trương đầu tư; Dự thảo quyết định chủ trương đầu tư; Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Báo cáo thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; báo cáo thẩm tra đối với dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; Tài liệu pháp lý khác có liên quan của dự án.
Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, Luật quy định, Chủ trương đầu tư dự án PPP được điều chỉnh khi thay đổi mục tiêu, địa điểm, quy mô, loại hợp đồng dự án PPP, tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên hoặc tăng giá trị vốn nhà nước trong dự án PPP trong các trường hợp sau đây: Dự án bị ảnh hưởng bởi các sự kiện bất khả kháng; Quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi; Khi điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.
Cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP là cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trình tự trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Luật này đối với nội dung điều chỉnh.
Về thẩm quyền phê duyệt dự án PPP, Luật quy định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án. Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác phê duyệt dự án thuộc phạm vi quản lý. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt dự án thuộc phạm vi quản lý.
Về xử lý vi phạm trong đầu tư theo phương thức PPP, Luật quy định cấm tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Hủy thầu, đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, bên mời thầu khi phát hiện có hành vi vi phạm quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Chấm dứt, đình chỉ hợp đồng khi phát hiện có hành vi vi phạm hợp đồng hoặc quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Ngoài các hình thức xử lý vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Với những quy định hấp dẫn như vậy, Luậtđã hé mở những hy vọng mới, rằng các điều khoản của Luật sẽ đủ sức hấp dẫn cả các nhà đầu tư nước ngoài.
“Các doanh nghiệp Nhật đang mong chờ luật này. Họ mong muốn được nhìn thấy sự ủng hộ chủ động hơn từ phía Chính phủ Việt Nam và cũng mong muốn Luật linh hoạt hơn để tạo điều kiện cần thiết cho các hoạt động kinh doanh tư nhân”, ông Toru Aguin, Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) nói.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư gồm 11 chương và 101 điều, là luật thống nhất điều chỉnh hoạt động đầu tư, thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư một số lĩnh vực hạ tầng quan trọng, thiết yếu theo phương thức đối tác công - tư PPP.
5 nhóm lĩnh vực được đầu tư PPP là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi), cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường), bảo đảm an sinh xã hội (y tế, giáo dục - đào tạo), phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (hạ tầng công nghệ thông tin), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận