Luật sư Hà Huy Phong: Cần hướng dẫn cụ thể để tránh hiện tượng cho vay cầm đồ lách luật
Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Điều hành Công ty Luật Inteco cho rằng, cần thêm hướng dẫn cụ thể để tránh hiện tượng cho vay cầm đồ lách luật, biến tướng thành tín dụng đen.
Thời gian gần đây, nhiều khách hàng phản ánh tới Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về hiện tượng các tiệm cầm đồ “hút máu” khách hàng mùa dịch, cho vay với lãi suất cắt cổ không thua tín dụng đen, dồn người vay vào bước đường cùng. Mặc dù diễn ra công khai, song rất ít cơ sở kinh doanh cầm đồ bị xử lý liên quan đến tội danh cho vay nặng lãi.
Trao đổi với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, luật sư Hà Huy Phong cho rằng, cho vay cầm đồ thuộc thỏa thuận dân sự, được xác lập trên cơ sở hợp đồng. Lãi suất cầm đồ do các bên tự thỏa thuận, ghi nhận vào hợp đồng và không được trái với các nguyên tắc mà pháp luật đã quy định.
Cụ thể, lãi suất cầm đồ không được vượt quá lãi suất cho vay quy định tại Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015. Khoản 1, Điều 468 Bộ Luật Dân sự: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. “Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.
Nghị định 139/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình quy định, sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay. Như vậy, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành có các quy định về lãi suất và xử phạt hành chính nếu vi phạm quy định về lãi suất.
“Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại hiện tượng lách luật, bằng cách chuyển lãi suất thành các khoản phí dịch vụ và phí khác. Hoạt động cầm đồ là một giao dịch dân sự, nên Nhà nước tôn trọng tối đa quyền tự do thỏa thuận của các bên, nên vẫn thiếu vắng các quy định pháp luật và hướng dẫn một cách cụ thể, chi tiết và chặt chẽ, dẫn tới các hiện tượng lách luật, biến tướng (thành tín dụng đen) một cách công khai nhưng rất khó xử lý”, luật sư Hà Huy Phong khẳng định.
Theo phản ánh của nhiều khách hàng gửi tới Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, nhiều tiệm cầm đồ hiện hay đang né quy định của Bộ luật Dân sự về trần lãi suất bằng cách tách rời lãi suất cho vay và các khoản phí. Đơn cử, các tiệm cầm đồ quy định lãi suất cho vay cầm đồ chỉ 1,1%/tháng, nhưng phí thẩm định điều kiện vay 1,4%/tháng và phí quản lý tài sản cầm cố 5,6%/tháng. Như vậy, thực tế lãi suất mà khách hàng phải trả là 8,1%/tháng, tương đương 97,2%/năm.
Mặc dù hoạt động cầm đồ cũng được quy định là một hoạt động kinh doanh có điều kiện theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP, song theo giới luật sư, hoạt động này vẫn chưa thực sự có một hành lang pháp lý đủ cụ thể và chặt chẽ, trong khi đây là hoạt động phức tạp, có nhiều yếu tố nhạy cảm.
“Đây là hoạt động nhạy cảm, không chỉ ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ, tài chính, mà còn ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Do đó, nhất thiết cần phải có thêm văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ và riêng cho lĩnh vực này, trong đó đưa ra các hướng dẫn chi tiết về hình thức cầm cố, hình thức cho vay, phí dịch vụ, xử lý trong các trường hợp hoàn trả khoản vay, không hoàn trả được khoản vay, xử lý tài sản bảo đảm ….”, Luật sư Hà Huy Phong đề xuất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận