Luật PPP đã mở, sao vẫn khó hút vốn tư nhân?
Đẩy nhanh đầu tư công được xem là một động lực quan trọng tới quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, với các dự án hạ tầng giao thông, nhu cầu vốn rất lớn. Việc phụ thuộc hoàn toàn vào đầu tư công sẽ để lại gánh nặng lớn cho ngân sách, gia tăng áp lực nợ công.
Được biết, dự án gặp khó khăn huy động vốn do trong quá trình đàm phán, phía ngân hàng đã yêu cầu nhà đầu tư phải bổ sung thêm điều khoản chia sẻ phần tăng giảm doanh thu, nhằm mục đích nhà nước phải chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư trong trường hợp dự án bị giảm doanh thu. Tuy nhiên, điều khoản này không áp dụng được do dự án được chấp thuận chủ trương trước thời điểm luật PPP.Luật PPP có hiệu lực từ đầu năm 2021, dù được đánh giá có nhiều điểm mở, song thực tế vẫn chưa đủ sức hút với nhà đầu tư quay lại lĩnh vực hạ tầng. Với 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam (không được áp dụng theo luật mới), thực tế triển khai đang gặp rất nhiều vướng mắc. Cụ thể, dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt tới nay vẫn chưa thu xếp được khoản tín dụng trị giá hơn 4.000 tỉ đồng, dù đã tới thời hạn phải huy động vốn theo hợp đồng (6 tháng tính từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án cuối tháng 5.2021). Trong trường hợp dự án không vay được vốn, Bộ GTVT sẽ phải thu hồi lại dự án và báo cáo Chính phủ hướng xử lý.
Một phương thức khác để tránh lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng là nhà đầu tư phát hành trái phiếu, cổ phiếu. Hiện dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nhà đầu tư là Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả đã công bố phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trị giá khoảng 2.600 tỉ đồng.
Theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, triển khai dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP hiện không đủ sức hấp dẫn. Có 2 lý do chính: nhà đầu tư phải vay vốn ngân hàng, trong khi các ngân hàng thương mại lại đang siết tín dụng dài hạn cho các dự án hạ tầng (cần ít nhất 15 - 25 năm để hoàn vốn). Thứ hai, các dự án PPP hiện tại đẩy phần trách nhiệm cho nhà đầu tư tư nhân quá nhiều, nhà đầu tư trong tình trạng lời ăn lỗ chịu, tự gánh hết mọi rủi ro, trong khi bị siết tín dụng nên không ai mặn mà.
Luật PPP đã đề cập tới cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư, song theo ông Bình, để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, nhà nước phải có các cam kết rõ ràng, kèm theo đó là các chính sách hấp dẫn, đặc thù. “Thực tế các dự án BOT giai đoạn trước đây vỡ phương án tài chính do chính sách thay đổi, không được tăng phí theo quy định nên không chỉ nhà đầu tư mà ngân hàng cũng rất lo ngại. Muốn tạo được niềm tin cho cả hai phía thì nhà nước cần thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng, cũng như chia sẻ rủi ro trong trường hợp dự án bị sụt giảm doanh thu”, ông Bình nói. Ngoài giải pháp các doanh nghiệp có thương hiệu có thể tự phát hành trái phiếu, một giải pháp khác để đa dạng hóa nguồn tín dụng là giải pháp huy động vốn từ các quỹ đầu tư tài chính tương tự như các nước từng sử dụng để phát triển hạ tầng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận